- Trong vai trò huấn luyện viên, chị cảm nhận thế nào về Huyền Trân, cô bé đang được xem là "hiện tượng" của Giọng hát Việt nhí năm nay?
- Trước hết, tôi nghĩ những cảm tình mà Huyền Trân chiếm được từ khán giả là hoàn toàn xứng đáng. Bé sở hữu nội lực và tố chất đặc biệt, đủ để len lỏi sâu vào tâm hồn người nghe và ở lại đó lâu dài. Chính sự mộc mạc trong tính cách và giọng hát đã chinh phục người hâm mộ mà không cần bất cứ chiêu trò gì. Trân là ví dụ điển hình cho thấy, những gì xuất phát từ trái tim luôn có sức hút hơn cả.
Trân đến với cuộc thi này như một cái duyên. Chị Lưu Thiên Hương kể, em là thí sinh cuối tới vòng sơ tuyển. Khi chị chuẩn bị ra về thì một nhân viên hậu trường thông báo, có một cô bé đến trễ. Mọi người quay lại vị trí cũ, đèn và hệ thống âm thanh đã tắt lại được yêu cầu khởi động, chỉ để phục vụ một người. Khi Huyền Trân cất những câu đầu trong bài Diễm xưa, tất cả đều lặng đi vì ngỡ ngàng.
Việc một cô bé mới 12 tuổi có thể hát nhạc Trịnh "thoát tục" đến vậy là điều không dễ dàng. Chính hoàn cảnh sống đặc biệt đã mang lại cho Trân một giọng hát có khả năng giúp em xoa dịu trái tim mình và mọi người.
- Huyền Trân ngày càng nhận được sự yêu mến đặc biệt của khán giả. Điều này tác động thế nào đến tâm tính của bé?
- Trân không bao giờ tỏ ra kiêu ngạo mà ngược lại, em khá tự ti về bản thân. Từ ngày đến với Giọng hát Việt nhí, dường như mọi thứ với em đều lạ lẫm, mới mẻ. Chẳng hạn, vì ăn chay từ nhỏ nên khi sang nhà tôi dùng cơm, em bảo: "Nhà cô chú ăn sang quá, nhiều đồ ăn lạ quá". Suy nghĩ của Trân rất khác với nhiều bạn đồng lứa, vì vậy, tôi cũng dành thời gian dạy thêm những điều bên ngoài cuộc sống mà trước nay, em chưa từng trải nghiệm.
Có lần, Huyền Trân thì thầm với tôi trong e dè: "Con gọi cô là mẹ có được không?" khiến tôi sững lại một lúc vì cảm động. Tuy không nói ra, trước giờ tôi vẫn muốn bù đắp những thiệt thòi của bé bằng tình cảm một người mẹ.
- Chị làm thế nào để giúp một cô bé có cách nói chuyện già dặn hòa nhập với các bạn trong đội?
- Có hoàn cảnh đặc biệt, tính cách của Trân đôi khi khó hợp với mọi người nhanh được. Các sư trong chùa cho biết, từ ba tuổi em đã ngồi thiền một mình. Cách nói chuyện và suy nghĩ của Trân đôi lúc sâu sắc, già dặn bởi những trải nghiệm trong cuộc sống mà bé đã đi qua, nhưng nhiều khi rất non nớt, e dè trước những điều mới mẻ. Sự nhạy cảm trong tâm hồn mang đến cho em một giọng hát chất chứa những nỗi niềm, nên tôi cũng muốn em cứ sống và hát theo cách của mình.
Tuy nhiên, trong quá trình tập chung, Huyền Trân không quá tách biệt, cô lập với các bạn. Khi được những bạn khác bắt chuyện, đùa giỡn, Trân vẫn vui vẻ, dễ chịu và đáp lại với mọi người.
- Huyền Trân khiến nhiều khán giả nhớ đến Phương Mỹ Chi, cô bé chỉ hát tốt một dòng nhạc. Anh chị có dự định gì để giúp cô bé "lột xác" trong những dòng nhạc khác ngoài nhạc Trịnh?
- Hiện tại chúng tôi chưa có ý định thay đổi hay can thiệp quá nhiều về mặt chuyên môn với cô bé. Tôi không nhìn Huyền Trân ở khía cạnh thí sinh thi nữa mà xem như là một phát hiện mới mẻ của chương trình năm nay. Tôi muốn tiếp tục để khán giả cảm nhận được tiềm năng đặc biệt của bé một cách hoàn toàn tự nhiên, ít nhất là trong tuần này.
- Chị nói gì trước ý kiến, vì Huyền Trân quá nổi bật nên việc xếp hai cô bé Thu Hiền, Khánh Huế vào chung nhóm có vẻ là một sự thiệt thòi?
- Tiết mục tuần rồi của ba bé nhận được những phản hồi nhiều phía từ khán giả, cả khen ngợi, đồng tình lẫn tiếc nuối. Thực sự bước vào vòng Đối đầu, các thí sinh dù muốn hay không, đều phải cạnh tranh công bằng để giành được quyền đi tiếp.
Trước khi lên thi Đối đầu, Huyền Trân còn hồn nhiên hỏi tôi: "Cô ơi, thế cô định chọn ai trong ba bọn con. Cô nói nhỏ con biết thôi". Tôi phải nhịn cười và giảng giải: "Cô phải đợi các con biểu diễn ra sao trong đêm thi thì mới quyết định được". Bản thân Thu Hiền tỏ ra không kém cạnh gì và Khánh Huế cũng có bản lĩnh của riêng em. Cả ba đã thể hiện hết khả năng của mình khi đứng chung sân khấu, đó mới là điều quan trọng nhất.
Nhiều khán giả thắc mắc vì sao chúng tôi phải xếp ba em mạnh vào chung một đội để rồi phải loại hai em. Đó mới là kịch tính của chương trình, mới làm khán giả thăng hoa cảm xúc qua những màn trình diễn đồng đều về chất lượng. Chúng ta thường bị mâu thuẫn về cảm xúc. Ai cũng tiếc khi Khánh Huế, Thu Hiền bị loại. Nhưng nếu xếp Huyền Trân với hai thí sinh hát yếu hơn thấy rõ, tiết mục này có thể bị chê là không có gì bất ngờ, huấn luyện viên thiên vị rõ rệt...
- Hai người đồng nghiệp của anh chị là Lam Trường, Cẩm Ly đều bị chỉ trích về quyết định loại người ở vòng Đối đầu. Là người đi trước, anh chị sẽ chia sẻ kinh nghiệm gì với họ?
- Tôi nghĩ đây là cảm quan riêng của mỗi người, bản thân tôi không muốn đánh giá sự lựa chọn của ai. Có thể tiết mục đó khán giả chỉ xem một lần qua ti vi những với huấn luyện viên, họ nhìn được đường dài cũng như điểm yếu của mỗi thí sinh qua quá trình luyện tập.
Không nói đâu xa, chúng tôi năm ngoái cũng nhận "mưa đá" từ khán giả khi loại "hot boy nhí" Bạch Phúc Nguyên - chàng trai cũng được rất nhiều người yêu mến - để chọn Quang Anh. Nhưng kết quả sau cùng đã trả lời cho tất cả ý kiến trái chiều ấy. Mỗi cuộc thi, dù có bao nhiêu ứng viên tài năng thì cũng chỉ có duy nhất một nhà vô địch. Theo tôi, khán giả nên kiên nhẫn chờ đợi và đặt niềm tin ở các huấn luyện viên.
- Khi quyết định loại thí sinh nào đó và xảy ra bất đồng quan điểm, anh chị sẽ làm thế nào?
- Chúng tôi vẫn xảy ra bất đồng nhưng không bao giờ đến mức quá gay gắt. Trong những tình huống buộc phải phân vân khá nhiều vì trình độ thí sinh ngang nhau, cần có một người quyết đoán hơn để đưa ra ý kiến cuối cùng. Như khán giả xem truyền hình cũng thấy, nhiều lúc Hồ Hoài Anh nhường quyền quyết định cho tôi vì bản thân anh đang quá xúc động. Thật sự, chúng tôi đồng cảm với nhau nhiều hơn là bất đồng quan điểm, bởi đó là những giây phút cực kỳ khó khăn với cả hai. Nhưng nhìn chung, sức hút sân khấu và tiềm năng đường dài là hai yếu tố quan trọng nhất để giữ lại thí sinh.
- Chị nghĩ thế nào khi hai vợ chồng chị thường bị trêu là "thanh niên nghiêm túc" khi ngồi ghế nóng?
- Vợ chồng tôi đã tính làm thế nào để thu hút được thí sinh có tiềm năng về đội và cho mọi người thấy hiệu quả của quá trình rèn luyện. Năm nay là mùa thứ hai chúng tôi ngồi ghế nóng, điều này không tránh khỏi áp lực. Tôi chấp nhận mang "tiếng ác" để đem lại những tiết mục chất lượng, mang tính chuyên môn cao, giúp các thí sinh tiến bộ. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy phần nhận xét của chúng tôi đều tập trung vào tiêu chí này hơn là mang tính bông đùa.
Tuy vậy, đằng sau những buổi tập luyện, tôi luôn cố gắng tạo cho các bé không khí thoải mái bằng việc dắt các em đi ăn uống, đi chơi để giảm bớt áp lực thi cử. Khi đó, tất nhiên không khí cũng sẽ dễ chịu, vui vẻ hơn là ở trên sân khấu. Chúng tôi trông "thanh niên nghiêm túc" thế mà các cô cậu còn nghịch phá khủng khiếp (cười).
- Anh chị thấy các thí sinh năm nay có những yếu tố nào nổi trội hơn năm ngoái?
- Mỗi năm đều có điểm hay riêng nên khó để cân đo sự hơn thua. Tôi chỉ thấy các em năm nay có lợi thế là sự tự tin và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn năm ngoái. Vì đã được hình dung được cách thức thi đấu, những màn biểu diễn qua mùa đầu tiên, các bé ít bị bỡ ngỡ.
Tôi cũng thích mùa giải năm nay vì có nhiều bài hát tiếng Việt hay. Bản thân chúng tôi cũng thường hướng thí sinh hát tiếng Việt nhiều hơn. Trừ trường hợp bé có khả năng hát tiếng Anh trội hơn hẳn, tôi mới chọn những ca khúc quốc tế. Tôi không tán đồng ý kiến ép thí sinh phải hát tiếng Việt hết cả, vì nó còn phụ thuộc thế mạnh của mỗi em.
- Mối quan hệ giữa con gái anh chị và các học trò cưng của bố mẹ thế nào?
- Con tôi theo dõi chương trình khá đều đặn và tỏ ra rất quý mến các thí sinh trong đội. Vì cùng ở lứa tuổi thiếu nhi, chúng tôi thường đưa con đi chơi cùng các thí sinh. Mina cũng rất thích đùa giỡn cùng các anh chị lớn.
Thí sinh Huyền Trân gây xúc động ngay từ vòng Giấu mặt với những lời chia sẻ về hoàn cảnh riêng. Cô bé là trẻ mồ côi, không hề biết mặt cha mẹ từ lúc mới lọt lòng. Trân được một cụ ông tốt bụng ở Bình Chánh, TP HCM cưu mang, sống cùng nhiều trẻ mồ côi khác. |
Vân An - Nhật Duy thực hiện