Làng chài Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, nằm bên con đường du lịch ven biển nổi tiếng Bình Thuận nối Mũi Né với Bàu Trắng. Đến xóm nhỏ đối diện Hòn Nghề, khách phương xa không khỏi tò mò về căn chòi phủ đầy cây hoa muống biển, bên trong có chiếc thuyền cũ kỹ của vợ chồng ngư dân nghèo.
Ông Phụng cùng vợ là bà Trần Thị Đợi, 63 tuổi, đã gắn bó với làng chài này từ thời thơ ấu. Mấy ngày biển động, bến thuyền trước đảo Hòn Nghề vắng tanh. Bà lấy khăn ướt lau lớp bụi bám lâu ngày trên chiếc thuyền cũ trưng bày giữa căn chòi, đồng thời là quán nước.
Lớp sơn sạch bóng, hai con mắt thuyền (một kiểu vẽ trang trí làm cho con thuyền giống một loài vật) lộ thần sắc như đang trố nhìn người lạ. Lớp sơn đỏ, xanh, vàng, đen trắng vẽ trên thuyền có những chỗ bị trầy tróc. Giữa thân, ván đã bị hỏng. Đuôi thuyền rõ vết nứt nẻ, bể nát, bánh lái cũng không còn.
Đây là kỷ vật vợ chồng ông Phụng gìn giữ suốt 4 năm qua, ẩn đằng sau đó là câu chuyện về đời ngư phủ vất vả của gia đình. "Người ta nói với tôi rằng thuyền đã hỏng, sao lại tiếc nuối, giữ lại làm chi cho nhọc công tốn sức", ông Phụng chia sẻ.
Ngồi nhìn xa xăm ra biển, bà Phụng tiếp lời cho hay, con thuyền này từng là khối tài sản lớn của ông bà, mua cách đây 7 năm. Lúc đó, mấy người con của ông bà đã lập gia đình ra riêng, thấy ông đi thúng đánh cá cực khổ, mỗi người hùn một ít tiền hỗ trợ cha mẹ sắm chiếc thuyền gỗ.
Cộng với số tiền tích góp, ông bà mua chiếc thuyền cùng máy móc và ngư lưới cụ hết 60 triệu đồng. Nhưng chưa đầy 3 năm sau, rủi ro đã đến với gia đình.
Ông Phụng nhớ lại, hồi đầu tháng 11/2017, trận bão bão Damrey ập vào các tỉnh Nam Trung Bộ. Làng chài Hòa Thắng không phải là nơi tâm bão đi qua, nhưng bị ảnh hưởng nặng. Trong đêm mưa bão, sóng cao 7-9 m đánh chìm và làm hư hỏng nhiều ghe thuyền đánh cá nơi đây, trong đó có thuyền của ông Phụng.
Sáng hôm sau, ngư dân trong làng ra trục vớt giúp. Máy móc, thiết bị, lưới đánh cá bị sóng cuốn trôi hết, chiếc thuyền của ông được đưa vào neo trong bờ. Nhưng rồi nước biển tiếp tục dâng cao, sóng biển như gầm rú, đánh úp con thuyền một lần nữa, vùi dưới lớp cát sâu hơn hai mét. "Bà con trong làng ra giúp đào cát, đưa xác thuyền lên, kéo nó vào để ở đây cho tới bây giờ", ông Phụng kể.
Xót cho số tiền chắt chiu của các con giúp đỡ, ông bà quyết định lưu giữ lại xác thuyền làm kỷ vật. Họ dùng mấy tấm bạt cũ làm trại che nắng, che mưa, giữ cho nó không bị mục nát theo thời gian. Dưới chân các cột quanh chòi, bà Đợi trồng rau muống biển cho leo lên mái, tạo cảnh quan tự nhiên đẹp mắt, mát mẻ giữa trưa nắng. Từ biển nhìn vào, nó được mường tượng như một bảo tàng tự nhiên.
Lúc chưa xảy ra Covid-19, trên bến cá trước Hòn Nghề, thi thoảng có một số du khách đi bộ dọc biển khám phá làng chài. Họ mua ghẹ, cá, mực tại bến nhờ vợ chồng già chế biến các món ăn dân dã để có thể thưởng thức ngay. "Tiền phí trả công, tùy lòng hảo tâm, họ cho tôi ít nhiều gì cũng được", bà Đợi nói.
Ngoài ra, đây cũng là nơi một số đoàn làm phim và giới nghệ sĩ nhiếp ảnh ghé qua khi đến làng chài này. "Ông bà hiểu rất rõ về cuộc sống dân chài, nên trong mỗi chuyến sáng tác tôi thường ghé hỏi chuyện, để thể hiện sâu hơn bức ảnh", nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Thành (TP Phan Thiết) cho biết.
Ông Phụng nay ít đi biển lại, hàng ngày phụ quán cùng vợ. Còn bà, ngoài bán quán nước, mỗi sáng đều ra trước bến mua cá tươi của các ngư dân vừa gỡ lưới, mang vào làm khô. Nhiều loại cá ngon như: đuối, nhồng, ét, chỉ... được xẻ ra phơi trước mặt biển. Cá khô, ông bà mang bán cho các mối hàng trong vùng.
Cứ chiều chiều rỗi việc, vợ chồng ông Phụng thường thong thả ngồi ngắm biển. Hai ông bà nói không mơ gì xa xôi, chỉ mong trời yên biển lặng để mình cũng như ngư dân làng chài được làm ăn thuận lợi, có nguồn thu nhập nuôi sống gia đình.
"Con người khó chống lại sức mạnh của thiên nhiên, nên mùa giông bão, chỉ biết cầu mong mọi sự an lành, ghe thuyền thuận buồm xuôi gió", ông Phụng nói, rồi đưa mắt nhìn con thuyền kỷ niệm bị bão đánh năm nào.
Việt Quốc