Tôi lướt sóng cổ phiếu một tháng qua thấy không hiệu quả, đang lỗ hơn 10%. Việc kinh doanh chuỗi cửa hàng nước ép ở TP HCM khiến tôi mất nhiều thời gian, không thể theo sát được thị trường. Tôi nhận thấy đầu tư chớp nhoáng khó lãi như mong muốn vì mình không nhạy bén, khó nắm bắt thông tin nên muốn chuyển hướng. Tôi có một khoản tiền nhàn rỗi chưa dùng đến và sẵn sàng bổ sung vào tài khoản.
Tôi nghĩ đến việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vì không mất nhiều thời gian. Tôi cũng không phải dân chuyên tài chính nên không giỏi phân tích kỹ thuật, số liệu để quan sát xu hướng thị trường. Tôi biết một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất khá cao, họ cũng uy tín, tôi có nên bỏ tiền vào đây không?
Minh Hoàng, TP HCM
Chuyên gia trả lời:
Qua chia sẻ về công việc, tôi đoán bạn khó dành thời gian để nghiên cứu đầu tư cổ phiếu, càng không thể dành thời gian giao dịch lướt sóng loại hình này. Vì đây là phương pháp có tỷ lệ thành công thấp với nhà đầu tư không chuyên. Quan sát của tôi cho thấy, tỷ lệ ra quyết định đúng của một nhà đầu tư không chuyên nghiệp là 30%. Trong 7 lần sai còn lại, nếu không kiểm soát được mức thiệt hại dưới 15% thì khả năng mất vốn rất rõ ràng.
So sánh giữa hai loại chứng khoán bạn băn khoăn, tôi đánh giá trái phiếu có ưu thế hơn về độ an toàn. Trái phiếu giống như một tờ giấy ghi nợ, trong đó người đi vay (thường là doanh nghiệp hoặc chính phủ) đồng ý trả một khoản lãi định kỳ cho người sở hữu trái phiếu. Trái phiếu có thời hạn rõ ràng, lợi tức ổn định và được xác định ngay khi phát hành. Trường hợp có rủi ro xảy ra với doanh nghiệp như phá sản, dừng hoạt động... thì nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp được ưu tiên thanh toán so với cổ phiếu.
Trái phiếu là một tài sản cất giữ và giá trị diễn biến ngược chiều lạm phát. Lãi suất cố định của trái phiếu thường không đủ bù đắp trượt giá trong những giai đoạn lạm phát tăng cao. Hệ quả là trái phiếu bị bán và hao mòn theo giá trị đồng tiền. Vì thế, trái phiếu kỳ hạn dài rất nhạy cảm với điều này.
Trái phiếu doanh nghiệp không có thị trường giao dịch chính thức như cổ phiếu. Nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn dài phải chờ đáo hạn để nhận lại vốn đầu tư. Vì thế rủi ro doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả và khó khăn trong tất toán nợ sẽ thường trực. Trái phiếu doanh nghiệp không dễ mua đi bán lại, nếu nhà đầu tư muốn bán trước hạn thì có thể chịu lỗ khi giá bán cộng lãi suất nhận được thấp hơn vốn đầu tư. Góc độ này thì cổ phiếu tốt hơn vì tính thanh khoản.
Lãi suất của trái phiếu cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có uy tín của người đi vay. Nếu là Chính phủ thì lãi suất dài hạn khoảng 3% một năm, còn lãi suất phát hành bình quân của doanh nghiệp năm ngoái là 9% một năm. Thống kê cho thấy 17% trái phiếu lãi suất từ 11-13%, khoảng 1% trên mức này và còn lại đều thấp hơn.
Tôi cho rằng mức lãi suất phổ biến là 11% và năm nay có xu hướng giảm. Nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu cao hơn thì cần tìm hiểu thêm, có thể nguyên nhân xuất phát từ khó khăn nội tại như lịch sử tín nhiệm thấp, kế hoạch kinh doanh không khả thi hoặc thậm chí mục đích vay vốn không minh bạch.
Do đó, bạn nên ưu tiên xem xét những đợt phát hành của các doanh nghiệp lớn, có lịch sử kinh doanh hiệu quả, chưa từng chậm trong việc thanh toán nợ và ban lãnh đạo uy tín, nói đi đôi với làm nếu quyết định đầu tư trái phiếu. Để an toàn hơn, bạn có thể uỷ thác cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp như quỹ đầu tư hoặc tham vấn chuyên gia quản lý tài sản.
Phạm Thiên Quang
Giám đốc Khối Dịch vụ đầu tư và quản lý tài sản,
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT