![]() |
Nộp lệ phí trước bạ xe máy tại Chi cục thuế Cầu Giấy. |
Sáng nay, tại điểm nhận hồ sơ của Trạm đăng ký xe máy Cầu Giấy (1234 đường Láng), ngoài 5-7 người đứng xếp hàng trước quầy thì chỉ còn 1-2 người ngồi đợi đến lượt, điều này khác hẳn với ngày thường. Chị Trần Thị Thành, nhân viên nhận hồ sơ đăng ký, cho biết: "Chỉ cần nhìn xuống sân cũng đủ thấy lượng xe đến đăng ký vắng hẳn, trước đây xe và người đông kín". Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại điểm đăng ký 83 Lý Thường Kiệt, số hồ sơ giảm xuống chỉ còn một nửa.
Theo Ban tham mưu Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội, tuần cuối tháng 12/2002 có hơn 4.900 xe máy được cấp đăng ký (khoảng 700 xe/ngày), nhưng trong hai ngày 7-8/1 chỉ có khoảng 300 mỗi ngày.
Trong cuộc họp giữa các ban ngành của thủ đô cuối tuần qua, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, đã đề nghị trong thời gian tới đối với xe máy vượt đèn đỏ cần tạm giữ ít nhất 15 ngày, sau đó mới xem xét giải quyết. Hiện tại trên toàn thành phố có hàng trăm điểm lắp đặt đèn tín hiệu nhưng tình trạng vượt đèn đỏ đã đến mức báo động mà cảnh sát giao thông thì không đủ lực lượng giám sát. Đây được coi là những bước đầu tiên hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, lấy năm 2003 là năm đột phá giải quyết vấn đề trật tự an toàn giao thông, dần dần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm thiểu tai nạn và ách tắc. |
Tuy nhiên, khá nhiều khách phàn nàn rằng họ chỉ biết đến quy định cấp đăng ký xe máy phải có bằng lái và hộ khẩu ở Hà Nội khi đọc bảng thông báo trước mỗi điểm đăng ký. Chị Nguyễn Lan Hương - ngụ tại khu B1 Tập thể Nghĩa Tân - cho biết, hôm qua chị đã đến Trạm đăng ký xe Cầu Giấy làm thủ tục nhưng được hướng dẫn là thiếu bằng lái, mà chị cũng chưa có vì cứ nghĩ có xe mới thi lấy bằng. Hôm nay chị phải xin nghỉ làm thêm một ngày và mượn giấy phép lái xe của chồng để đăng ký. Chị nói: "Các cơ quan ra quyết định này lẽ ra phải thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trước đó cả tháng trời thì dân mới biết mà chuẩn bị, chứ như thế này mất thời gian lắm". Nhiều người đồng tình với ý kiến này của chị Hương.
Một số người tỏ ý lo ngại về việc thực hiện quy định mới, nhưng ngành công an vẫn dùng mẫu tờ khai cũ, mẫu giấy chứng nhận đăng ký xe máy cũ, không có chỗ ghi số bằng lái của người sử dụng phương tiện. Khi duyệt tờ khai, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông chỉ điền thêm số bằng lái xe của chủ phương tiện vào một góc. "Lỡ ra họ quên động tác này thì sao? Đây sẽ là kẽ hở cho việc đăng ký chui cho những người không có bằng", anh Đoàn ở Đông Anh nhận định.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng quy định mới còn nhiều điều chưa rõ ràng, vì theo quy định của Cục đường bộ (Bộ GTVT), sau khi thi lấy bằng lái môtô, ít nhất sau 20 ngày mới cầm được bằng. Trong thời gian ấy, người đã dự thi lấy bằng có đủ điều kiện để đăng ký xe hay không và nếu không mua xe thì lấy gì để tập luyện?... Anh Thu nhà ở Cầu Diễn lại bức xúc: "Tôi dù không có giấy phép lái xe nhưng cũng phải có quyền được sở hữu một hoặc vài chiếc xe, đấy là tài sản của tôi mua hợp pháp cơ mà".
Theo một cán bộ Phòng cảnh sát giao thông thì việc chỉ cho phép mỗi người đăng ký một xe cũng khó thực hiện được như yêu cầu mới đây của Chính phủ, vì hiện tượng mua bán trao tay còn được thả nổi và công tác lưu hồ sơ chưa thật chặt chẽ. Hơn nữa người dân các tỉnh khác vẫn có thể đăng ký được bằng cách nhờ người thân ở Hà Nội có giấy phép lái xe.
Đội ngũ "cò" làm giấy sở hữu xe tuy đã vắng hơn nhưng vẫn còn đứng quanh các trạm đăng ký. Nếu thấy khách nào phải ra về vì chưa đủ giấy tờ, họ liền đến gạ gẫm giúp đăng ký xe không cần bằng lái, giá từ 500.000 đến 600.000 đồng/chiếc (chưa kể trước bạ), có điều "phải chờ qua vài ngày tới cho bớt căng thẳng". Không ít người đã tìm đến "con đường tắt này". Theo Chi cục trưởng chi cục thuế quận Cầu Giấy Phạm Quý Trung, các điểm đăng ký đều ngăn không cho "cò" vào khu vực làm hồ sơ, nhưng cũng không hiệu quả vì họ đã chặn khách hàng ngay từ bãi xe. Cầm hồ sơ của khách, "cò" vẫn có quyền được vào làm hồ sơ như những người khác.
Trong khi số người đến đăng ký xe giảm thì tại các trung tâm đào tạo lái xe máy, số người đến đăng ký học, thi lấy bằng lái tăng lên gấp bội. Một số cơ sở phải yêu cầu người nộp hồ sơ chờ 1-2 tháng mới đến lượt sát hạch. Tại Trung tâm Đào tạo và kỹ thuật ôtô (Công ty Vật tư vận tải và xây dựng công trình Giao thông), nếu như trước kia chỉ dám nhận tổ chức 3 kỳ thi lấy bằng/tháng thì nay họ đã kịp xin phép tổ chức 8 kỳ thi/tháng (mỗi kỳ 120 người) để đáp ứng nhu cầu. Chị Nguyễn Thị Sửu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người đến làm thủ tục thi lấy bằng xe máy cho biết: "Quy định mới khiến chúng tôi phải sớm lo lấy tấm bằng xe máy. Đi học để thi là thượng sách!".
Với lượng học viên tăng đột biến như vậy, các giáo viên, sát hạch viên phải làm tăng ca, làm ngoài giờ khá nhiều. Do đó, Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTCC Hà Nội) đã phải đề nghị Cục đường bộ bổ sung thêm nhân viên.
Thuý Hà - Ngọc Kha