Sớm ngày 21 tháng 1 năm 2015, chuông điện thoại réo khi tôi còn đang ngủ. "Xe anh P bị tai nạn trên đường đi làm, mọi người không sao", cậu em thông báo. Đó là lễ sinh nhật rất đáng nhớ của tôi. Tối hôm trước, mấy anh em du học sinh tụ tập, sau khi uống hết mấy chai bia, tôi đã nhấn mạnh, những ai sáng mai đi làm thì thôi không uống nữa.
Theo tiêu chuẩn được ghi trên các chai bia ở Úc (như một quy định bắt buộc của đồ uống có cồn) sau một giờ đồng hồ, cơ thể sẽ xử lý xong lượng đồ uống chứa cồn ở mức tiêu chuẩn. Nhưng người tính chẳng bằng cơ địa tính. Sáng hôm sau, P lái xe chở mọi người đi làm trong tình trạng tỉnh táo. Tới một khúc cua, đường ướt, xe bị lạc tay lái đâm lên lề đường. P còn bình tĩnh cho xe đâm vào một gốc cây làm phanh. Xe hỏng, may mà người trên xe đều không hề hấn.
Tai nạn là tai nạn. Hai phút sau, hai xe cảnh sát, một cứu thương và một cứu hỏa chạy tới. Sau khi kiểm tra sức khỏe và sự ổn định tinh thần của tất cả, việc đầu tiên của cảnh sát là yêu cầu tài xế thổi rượu. Kết quả, lượng cồn trong hơi thở của P vượt ngưỡng 0,05 mg/lít khí thở, mức bị xử lý bằng hình thức giam bằng lái xe 6 tháng và ra tòa.
Sáu tháng không bằng lái cộng với 1.200 đô la Úc tiền phạt quả là một răn đe khiến người ta không thể quên trong suốt phần đời chạy xe còn lại. Chúng tôi không cần phải nhắc nhau "rượu bia thì không lái xe" nữa.
Tháng bảy vừa rồi, tôi tham gia khóa học trực tuyến dành cho người làm trong lĩnh vực liên quan tới bia rượu và đồ uống có cồn của Úc. Hai ngày đọc tài liệu và trả lời câu hỏi đem lại cho tôi biết bao kiến thức. Trong đó, thú vị nhất là quy định về quyền và nghĩa vụ từ chối bán rượu bia khi người mua đồ uống có biểu hiện không kiểm soát được hành vi.
Sau khi liệt kê một loạt các biểu hiện có thể xác định người uống đã tới điểm dừng, Luật Sử dụng rượu bia nước này ghi rõ: Người bán phải từ chối phục vụ, gợi ý người mua dùng nước, cà phê hoặc đồ uống không cồn thay thế và tìm người quen, hoặc taxi và phương tiện công cộng để giúp người này rời khỏi cửa hàng.
Sự nghiêm khắc về các hình phạt được quy định trong luật luôn là lưỡi gươm Damocles buộc mọi người trong chuỗi tiêu thụ rượu bia phải tự kiểm soát mình. Ví dụ, một vị thành niên vào nhà hàng mua một ly đồ uống có cồn, người đó sẽ bị phạt 210 đô la Úc tại trận. Chưa hết, người trực tiếp bán cho cô, cậu ta sẽ chịu mức phạt có thể lên tới 2.200, và chủ cửa hàng chịu phạt 10.000 đô la Úc. So với mức thu nhập trung bình ở đây, những thang phạt này không chỉ đủ sức răn đe đối với người vi phạm, mà còn tạo tâm lý phòng ngừa với mọi công dân.
Lái xe sau khi sử dụng rượu bia còn là hành vi bị quản lý chặt chẽ hơn nhiều. Treo bằng, giam xe, ra tòa, phạt tiền hoặc tước bằng vĩnh viễn, phạt giam là những quy định để đối phó với việc điều khiển phương tiện sau khi uống rượu ở nước này.
Rất khập khiễng nếu đem so sánh giữa một quốc gia phát triển và có sự đồng đều về văn hóa vùng miền như Úc, Mỹ, Anh với Việt Nam, nhưng tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi áp dụng. Sự phức tạp của việc ban hành các quy định về sử dụng rượu bia ở Việt Nam đã vào tới tận nghị trường Quốc hội. Tỷ lệ phần trăm đại biểu bấm nút và không bấm nút thông qua các thay đổi về sử dụng rượu bia mới đây trở thành một đề tài được bàn tán nhiều ngày. Người ta nhắc nhiều tới tác động của lợi ích nhóm, tới mức Tổng thư ký của Quốc hội phải đăng đàn phủ định.
Tuy nhiên, ngay cả khi không có sự tác động của ngành sản xuất bia rượu thì các yếu tố tác động đến đại biểu Quốc hội trong việc cân nhắc ban hành các văn bản luật liên quan đến vấn đề nan giải này ở khía cạnh thói quen, văn hóa... cũng quá nhiều. Trên nền tảng văn hóa của từng cá nhân đại biểu, văn hóa – văn minh chung mà chúng ta đang hướng tới, các cộng đồng rất nhiều khác biệt ở các vùng miền, trong không gian của nghị trường đó... việc vượt qua được các "ngưỡng cửa" vô hình để đưa ra một quan điểm đột phá không hề dễ.
Không dễ, nhưng không thể không làm. Và "làm" ở đây cũng không phải là thực hiện một cách hình thức, "bấm nút" cho xong rồi nó muốn ra sao thì ra. Nếu như vậy, việc ban hành các quy định về sử dụng rượu bia sẽ giống như cấm hút thuốc lá, chửi tục, gây ông ào nơi công cộng, đánh trống bỏ dùi.
Chúng ta có thể còn lấn cấn về điểm này điểm kia, nhưng không khó để quy định sao cho các cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm cao hơn trong việc bán ra các loại đồ uống có cồn, cũng như xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi điều khiển phương tiện sau khi sử dụng bia rượu. Việc quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh sẽ giúp người mua và người bán hiểu rõ hơn thứ mình đang giao dịch là loại đồ uống chỉ gây hại mà không có lợi. Nó có thể khiến ngành bia rượu giảm đi doanh số, nhưng nó cũng sẽ giúp giảm đi bao nhiêu cái chết thương tâm, giảm đi bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu số phận sau một giây bỗng thành bất hạnh, giảm đi gánh nặng của toàn xã hội trong việc chăm sóc, điều trị những bệnh nhân bị tác động bởi đồ uống có cồn.
Tất nhiên, chúng ta sẽ không kỳ vọng các đô thị lớn xuất hiện một lực lượng đồng phục đi từng vỉa hè góc phố lùng sục thu giữ và phạt những hàng quán vỉa hè để thu cái chai "7up một lít hai nhăm" màu xanh cong vênh chứa rượu bán cho chú xe ôm lúc cuối ngày. Một anh công an xã ghé vào gốc đa đầu làng bảo bà chủ quán "đong cho tôi một cút" rồi lập ngay biên bản bà hàng nước; hay chú cảnh sát giao thông chặn người đàn ông đang dắt con ngựa trắng bên sườn núi để yêu cầu thổi rượu. Đó quả thực là những mảnh ghép nghe có vẻ khó hài hòa trong một quốc gia đa vùng văn hóa và khí hậu.
Nhưng nếu thực sự lo lắng cho sự phát triển lành mạnh và tương lai của một xã hội thì nhà quản lý cần phải nghiêm khắc hơn với câu chuyện này, trước khi tất cả người dân đều tỉnh thức: đồ uống có cồn là một loại chất độc, uống nhiều thì hại lắm.
Lại Trọng Tình