Nội dung được GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên bí thư Thành ủy TP HCM, nói với VnExpress trước bối cảnh tỷ lệ sinh của Việt Nam là 1,96 - thấp nhất lịch sử, ảnh hưởng về lâu dài tới phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
- Mới đây khi góp ý chính sách trong Luật Dân số, ông đề xuất thời gian làm việc đủ ngắn để nam nữ có thời gian tìm được bạn đời, chăm sóc bản thân, gia đình, sinh con... để tăng tỷ suất sinh. Vì sao ông đề xuất như vậy?
- Tôi nghiên cứu Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore - ba nước có tỷ suất sinh dưới 2,1 kéo dài hàng chục năm qua. Điểm chung các quốc gia này là thời gian làm việc trong ngày thuộc nhóm dài nhất thế giới. Đây cũng là lý do người dân đưa ra khi nhà chức trách hỏi người lao động lý do ngại kết hôn và sinh con. Họ không còn thời gian tìm người yêu, chăm sóc gia đình và bản thân. Hàn Quốc (mức sinh năm 2023 là 0,71) đưa ra cảnh báo đất nước sẽ không còn người nào vào năm 2750, Nhật Bản (mức sinh 1,2 vào năm ngoái) dự báo đến năm 3000 sẽ còn 62 người.
Trong nước, TP HCM có nền kinh tế phát triển, năng suất lao động cao nhất, song thời gian làm việc trung bình cũng dài nhất nước. Thành phố cũng là địa phương có tỷ suất sinh thấp nhất nước (năm ngoái 1,32) và kéo dài hàng chục năm qua.
Thời gian làm việc quá dài đi ngược sự tiến bộ mà người lao động trên thế giới phải đấu tranh mới có được. 138 năm trước, ngày 1/5/1886, Đại hội Liên đoàn lao động Mỹ tại Chicago đã lấy chủ đề ngày làm việc 8 tiếng, 8 tiếng vui chơi, 8 tiếng nghỉ ngơi để đấu tranh với giới chủ, mục tiêu giúp người lao động tái tạo sức lực, có thời gian cho gia đình.
Hiện nay, thời gian làm việc bình quân ở châu Âu chỉ còn 38 giờ mỗi tuần, trong đó một số nước như Hà Lan chỉ 32 giờ, tức là nếu tuần làm việc 5 ngày thì người Hà Lan chỉ làm việc 6,4 tiếng mỗi ngày.
Từ những lý do này, tôi đề xuất người lao động Việt Nam chỉ làm 8 tiếng mỗi ngày, tuần 40 tiếng, được nghỉ thứ 7 và chủ nhật. Thời gian còn lại nên để dành cho họ chăm sóc bản thân và gia đình.
- Với nhiều người, việc chậm kết hôn, sinh con muộn không chỉ xuất phát từ thời gian làm việc mà còn do thu nhập thấp, chưa đủ sống. Họ lo lắng sinh con không có đủ chi phí để chăm sóc tốt. Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Người dân lo lắng có cơ sở. Một điều tra xã hội năm 2021 ở TP HCM, Khánh Hòa, Sóc Trăng và Cà Mau cho thấy lý do hàng đầu của các cặp vợ chồng không sinh đủ số con mong muốn do thiếu điều kiện tài chính. Điều tra xã hội ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore cũng cho thấy thu nhập hai vợ chồng đi làm không đủ nuôi bản thân và cho hai con đi học đến 18 tuổi sẽ ngại sinh con. Thu nhập thấp là nguyên nhân hàng đầu khiến người trưởng thành không kết hôn, trường hợp lập gia đình sẽ không sinh con hoặc sinh một.
Do đó, tại hội thảo quốc tế ngày 28/8, tôi đề xuất 11 chính sách nhà nước cần làm để khuyến khích các gia đình sinh con, người trẻ kết hôn sớm hơn. Trong đó biện pháp hàng đầu là tiền lương đủ sống cho gia đình 4 thành viên có hai người đi làm, tức thu nhập của hai người đi làm đủ nuôi chính họ và hai người phụ thuộc. Khi tiền lương được xây dựng theo tiêu chí này người lao động bớt áp lực tăng ca kiếm thêm thu nhập, có thời gian dành cho bản thân, gia đình, chăm sóc con cái.
Bên cạnh thu nhập, thời gian làm việc, tôi đề xuất nhà nước thực thi đồng bộ các chính sách khác như phát triển thị trường nhà ở có tính cạnh tranh để đảm bảo người lao động có thể thuê, mua được nhà; cải thiện điều kiện làm việc cho phụ nữ có con nhỏ; phổ cập giáo dục mầm non, nhận trẻ từ 3 tháng tuổi; để người dân tự quyết định số con, thời gian sinh con...
Khi các điều kiện trên được đảm bảo, với truyền thống văn hóa người Việt coi trọng gia đình, người dân sẽ chủ động kết hôn, sinh con.
- Ông nhận định thu nhập cao và thời gian làm việc ít sẽ khuyến khích người dân sinh con. Các nước châu Âu GDP bình quân đầu người cao, thời gian nghỉ nhiều nhưng tỷ lệ sinh vẫn thấp dưới 2, ví dụ năm 2023 Thụy Sĩ chỉ gần 1,56, Phần Lan 1,32... Thông tin này nói lên điều gì?
- Nước có GDP bình quân đầu người cao nhưng không có nghĩa tất cả người dân đều giàu. "Miếng bánh" GDP được chia cho ba nhóm gồm người lao động thông qua tiền lương, chủ doanh nghiệp qua lợi nhuận và nhà nước thông qua thuế, phí thu được.
GDP bình quân đầu người cao chỉ nói lên là giá trị gia tăng trung bình mà một người dân tạo ra một năm cao. Giá trị này không nói được bao nhiêu phần trăm trong số đó được chia cho người lao động dưới dạng tiền lương và thưởng, bao nhiêu phần trăm chuyển cho nhà nước dưới dạng nộp thuế, phí và bao nhiêu phần trăm là lợi nhuận chảy vào túi chủ doanh nghiệp. Do đó, GDP không phản ánh được người lao động thu nhập cao hay thấp.
Theo báo cáo bất bình đẳng hàng năm của Oxfam công bố năm 2023, 1% dân số thế giới là những người giàu nhất nắm giữ lượng tài sản tăng thêm lớn hơn 1,6 lần số tài sản tăng thêm của 99% dân số còn lại của thế giới. Tài sản của nhóm 1% những người giàu nhất tăng thêm 26.000 tỷ USD, trong khi tài sản của 99% nhân loại còn lại chỉ tăng thêm 16.000 tỷ USD. Như vậy thế giới đang vận hành theo hướng khi GDP tăng lên thì phần để lại cho người lao động không cao tương ứng mà chủ yếu tăng lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp.
Tỷ suất sinh thấp và kéo dài qua nhiều thập kỷ nhưng lãnh đạo các nước thu nhập cao không xem đó là vấn đề mà vẫn chọn tăng trưởng GDP. Điều này dẫn đến một số người trẻ không lo lắng đến sự tồn tại lâu dài của đất nước, mà chỉ quan tâm cuộc sống riêng của mình như thu nhập, thăng tiến nghề nghiệp, du lịch, bạn bè...
- Việc khuyến khích sinh được ông kiên trì nêu ra khi làm Phó thủ tướng, Chủ tịch MTTQ và Bí thư Thành uỷ TP HCM. Vì sao ông lại đeo đuổi chủ đề này?
- Năm 2007, tôi làm Phó thủ tướng được giao phụ trách Bộ Y tế và lĩnh vực dân số. Lúc này, Bộ Y tế xây dựng chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020. Khi bộ trình dự thảo chiến lược tôi chú ý đến chỉ tiêu giảm tiếp tỷ suất sinh từ 2,0 (vào năm 2010) xuống 1,8 (năm 2020). Tôi đặt câu hỏi tại sao lại giảm tỷ suất sinh như vậy, giảm đến bao nhiêu là hợp lý, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Vì vậy tôi phải tự tìm hiểu.
Tôi nhận ra ở rất nhiều quốc gia tỷ suất sinh đã thấp ở mức 1,3 đến 1,7 trong nhiều năm tìm cách đẩy lên 1,6 và 1,8 trong khi mình ở mức 2 lại muốn kéo xuống. Nhờ vậy, tôi mới hiểu thế nào là mức sinh thay thế, tức là một cặp vợ chồng sinh được hai con thì khi về hưu hoặc chết đi hai con sẽ thay thế họ để xã hội được phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, một số trẻ mất do bệnh, tai nạn trước khi đủ 18 tuổi nên mức sinh thay thế phải là 2,1.
Như vậy đặt mục tiêu tỷ suất sinh 1,8 sẽ gây thiệt hại cho đất nước. Ở các nước thu nhập cao khi mức sinh xuống dưới 1,7 không thể lên trở lại mức 2,1 dù mỗi năm chi hàng chục tỷ USD để khuyến sinh.
Khi làm Phó thủ tướng (2011-2013) và làm Chủ tịch MTTQ Việt Nam (2013-2017), tôi đề xuất Bộ Chính trị, Chính phủ thay đổi mục tiêu tỷ suất sinh của chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản 2011-2020. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1960, chính sách dân số Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững tỷ suất sinh thay thế 2,1.
Giữa năm 2017, tôi nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy TP HCM. Đây là năm tỷ suất sinh trên địa bàn chỉ 1,35, tức quá thấp so với mục tiêu 2,1. Tại kỳ họp HĐND vào tháng 10/2017, UBND thành phố báo cáo tờ trình về hỗ trợ kinh phí cho công tác triệt sản. Tôi đã đề nghị bỏ nội dung này bởi TP HCM cần khuyến khích sinh con chứ không phải triệt sản. Cả hội trường cười ầm trên sóng trực tiếp.
Qua đây chúng ta thấy rằng khi mình không có đủ thông tin, cập nhật thế giới đang làm gì mà cứ theo nếp cũ có thể cho ra những quyết sách ngược với lợi ích của thành phố và đất nước.
Năm 2019, TP HCM điều tra xã hội học với câu hỏi nếu có gia đình phụ nữ muốn sinh mấy con, con số trả lời là bình quân muốn có 2,08 con, rất sát tỷ suất sinh thay thế 2,1. Tuy nhiên, thực tế chỉ 1,3-1,4, như vậy phụ nữ thành phố muốn sinh con nhưng điều kiện không cho phép. Do đó, phải biến mong muốn của họ và những hậu quả của tỷ suất sinh thấp trở thành áp lực để lãnh đạo các cấp đề ra chính sách phù hợp. Nghĩa là sinh con là chuyện của chị em nhưng đảm bảo các điều kiện để nuôi và dạy tử tế các con là trách nhiệm cả xã hội.
Mấy năm qua, thành phố thí điểm giữ trẻ ngoài giờ, triển khai xây nhà xã hội cho lao động... Đây là những việc làm cần thiết nhưng chưa đủ. Nâng tỷ suất sinh là việc cấp bách, cần có chương trình tổng thể quốc gia toàn diện, mạnh mẽ thì mục tiêu giữ vững tỷ suất sinh thay thế mới đạt được.
- Việt Nam cần làm gì để chính sách khuyến sinh đạt hiệu quả?
- Một số nước đề ra chính sách khuyến sinh nhưng không thành công được xem là bài học cho Việt Nam.
Các nước đã để tỷ lệ sinh thấp kéo dài vài thập kỷ mới thực hiện chính sách khuyến sinh là quá muộn. Nguồn hỗ trợ tài chính mà chính phủ một số nước đưa ra giúp gia đình có thể nuôi dạy được hai con còn hạn chế. Ví dụ, giai đoạn 2018-2020, mỗi năm Nhật Bản chi 20 tỷ USD để khuyến khích kết hôn và sinh con, con số này ở Hàn Quốc là 12,5 tỷ USD, tức mỗi ngày một đứa trẻ được hỗ trợ 3-5 USD. Con số này quá nhỏ bé so với chi phí nuôi và cho trẻ đi học. Chính phủ mới của Nhật Bản đang tính nâng lên 25 tỷ USD, tức mỗi trẻ thêm một USD mỗi ngày. Tuy nhiên, việc này cũng không thể có tác dụng tăng số trẻ được sinh ra.
2023 là năm đầu tiên tỷ suất sinh của Việt Nam giảm xuống 1,96. Từ bài học của một số nước, chúng ta không đợi 20 năm nữa mới triển khai các giải pháp khuyến sinh mà phải làm ngay bây giờ khi mức sinh mới bắt đầu xuống dưới 2. Triển khai càng sớm thì chi phí càng thấp nhưng đem lại hiệu quả lớn.
Tiếp nữa, chúng ta thấy để người dân nuôi được hai con thì sự hỗ trợ từ nhà nước không có ý nghĩa lâu dài mà giải pháp căn bản nhất là thay đổi chính sách tiền lương. Tiền lương tối thiểu hiện chỉ đủ sống cho một người đi làm cần được chuyển thành đủ nuôi sống chính họ và một người phụ thuộc. Như vậy gia đình hai người đi làm sẽ có thu nhập đủ nuôi chính họ và hai con đi học đàng hoàng mới khuyến khích được người dân sinh con
Chúng ta đã có Nghị quyết 21 của Đảng năm 2017 về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược phát triển dân số Việt Nam đến 2030 của Chính phủ. Tất cả đều khẳng định mục tiêu đảm bảo vững chắc tỷ suất sinh thay thế 2,1 nhưng để đạt được mục tiêu này cần thay đổi triết lý quản trị đất nước. Chúng ta không lấy tăng trưởng GDP cao, liên tục, mà mục tiêu hàng đầu của đất nước phải là hạnh phúc người dân, sự trường tồn của dân tộc.
Lê Tuyết