Các nhà thiên văn học sử dụng Đài quan sát Tia X Chandra của NASA và phát hiện luồng tia từ một vật thể cách Trái Đất 12,7 tỷ năm ánh sáng. Nếu được xác nhận, đây sẽ là một trong những vật thể bắn luồng tia xa nhất từng được biết tới.
Luồng tia đến từ vật thể gọi là chuẩn tinh, vùng nhân của các thiên hà hoạt động chuyên cung cấp vật chất cho hố đen siêu khối lượng và có thể phát ra năng lượng cực lớn. Nhóm nghiên cứu hy vọng thông qua nghiên cứu luồng tia mang tên PSO J352.4034-15.3373 (gọi tắt là PJ352-15), họ có thể tìm hiểu sự hình thành và phát triển của hố đen khổng lồ ở thuở sơ khai của vũ trụ.
"Dù có lực hấp dẫn cực mạnh, hố đen không hút mọi thứ tới gần chúng", NASA giải thích. "Vật chất xoay quanh hố theo trong đĩa bồi tụ cần mất đi tốc độ và năng lượng trước khi có thể rơi sâu vào vùng chân trời sự kiện, tới điểm không thể phục hồi. Từ trường có thể tạo ra hiệu ứng phanh trên đĩa bồi tụ khi cung cấp năng lượng cho luồng tia. Đây là cách quan trọng khiến vật chất ở đĩa bồi tụ mất đi năng lượng, qua đó tăng cường tốc độ phát triển của hố đen".
Các nhà thiên văn học quan sát PJ325-15 trong 3 ngày bằng Chandra. Luồng tia kéo giãn gấp khoảng 1,5 lần chiều dài dải Ngân Hà, xuyên qua khoảng cách 160.000 năm ánh sáng tính từ chuẩn tinh (dải Ngân Hà có đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng). Chiều dài của PJ325-15 vượt xa luồng tia dài nhất từng được quan sát trong một tỷ năm đầu tiên sau khi vụ nổ Big Bang hình thành nên vũ trụ (5.000 năm ánh sáng). Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố trên tạp chí Astrophysical Journal.
"Chiều dài của luồng tia này rất quan trọng bởi điều đó có nghĩa hố đen siêu khối lượng cung cấp năng lượng cho nó đã phát triển trong thời gian khá lâu", đồng tác giả nghiên cứu Eduardo Bañados, nhà thiên văn học tại Viện Max Planck ở Đức, cho biết.
An Khang (Theo Space)