Chiều 9/5, dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) đã thảo luận Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Đề án này đã được nghiên cứu xây dựng độc lập tương đối và tương quan hợp lý với Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó tách rõ khu vực công và khu vực doanh nghiệp.
Theo ông, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp về tài chính, ngân sách; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, "coi đây là nhiệm vụ đột phá, tiên quyết, để thực cải cách chính sách tiền lương".
Hai phương án mở rộng quan hệ tiền lương
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá nội dung cải cách được thể hiện trong Đề án đã cụ thể hóa quan điểm tiền lương là thu nhập chính của người lao động, gắn với năng suất, chất lượng lao động, đảm bảo minh bạch, công bằng; trao quyền và trách nhiệm nhiều hơn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chi trả bảng lương, thưởng theo kết quả lao động.
Ông Dũng cho biết, trường hợp thực hiện đúng các mục tiêu về cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, tỷ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 26% tổng chi ngân sách, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên; bội chi ngân sách năm 2020 dưới 3,5% GDP, các năm sau giữ và giảm dần thì nguồn lực tối đa dành để điều chỉnh tiền lương tăng thêm trong các năm 2021, 2022 khoảng 35.000-40.000 tỷ đồng.
Tuy đã tính toán nguồn lực cải cách tiền lương với tinh thần tích cực như trên, so với nhu cầu để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo dự thảo Đề án thì vẫn còn có khoảng cách. Do vậy, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết có thể phải điều chỉnh tăng cân đối ngân sách nhà nước.
Cụ thể, trường hợp mở rộng quan hệ tiền lương như phương án một của Đề án, từ 1-2,34-10 lên 1-2,68-12, đồng thời với điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất đạt hơn 4,1 triệu đồng (4.140.000 đồng/người/tháng) từ năm 2021, nghĩa là tăng 27,5%, thì nhu cầu nguồn lực trong hai năm 2021-2022 khoảng 140.000 tỷ đồng; trong đó năm 2021 khoảng 80.000 tỷ đồng, năm 2022 khoảng 60.000 tỷ đồng.
Khi đó, để đảm bảo tỷ trọng chi đầu tư phát triển không giảm so với giai đoạn 2016-2020, tức là khoảng 26% tổng chi ngân sách nhà nước thì bội chi năm 2021-2022 sẽ ở mức 4-4,1% GDP, trong khi năm 2020 Việt Nam đang phấn đấu dự kiến bội chi khoảng 3,4% GDP.
Nếu trong giai đoạn 2016-2020, giải ngân vốn vay ODA vượt kế hoạch khoảng 2,4-2,5% GDP, nợ công lúc đó khoảng 64,5% GDP, sát ngưỡng trần nợ công Quốc hội cho phép.
Trường hợp mở rộng quan hệ tiền lương theo phương án hai của Đề án, tức là từ 1-2,34-10 lên 1-3-15 đồng thời với điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất đạt hơn 4,1 triệu đồng từ năm 2021, thì nhu cầu nguồn lực cho hai năm 2021 và 2022 khoảng 210.000 tỷ đồng, trong đó năm 2021 khoảng 115.000 tỷ đồng, năm 2022 khoảng 95.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Tài chính nói, cùng với việc tập trung dành nguồn để cải cách tiền lương như trên, đồng thời duy trì tỷ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 26% tổng chi ngân sách, bội chi năm 2021-2022 sẽ khoảng từ 4,7-5,1% GDP. Trong trường hợp này, giải ngân vốn ODA giai đoạn 2016- 2020 vượt kế hoạch như trên thì rủi ro nợ công vượt trần 65% ngay từ năm 2021.
Như vậy, nếu ngay từ năm 2021 thực hiện đồng thời cả việc điều chỉnh tiền lương thấp nhất lên hơn 4,1 triệu đồng và kết hợp điều chỉnh quan hệ tiền lương thì mức tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện sớm hơn, lúc này sẽ tăng bình quân lên 26-42% so với năm 2020, nhưng có khả năng tạo áp lực lớn lên cân đối ngân sách nhà nước và khả năng phải chấp nhận bội chi ngân sách, nợ công những năm đầu ở mức cao.
Để xử lý cả yêu cầu cải cách tiền lương và cân đối ngân sách nhà nước, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị có thể nghiên cứu thêm phương án chưa thực hiện đồng thời điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất và quan hệ tiền lương trong cùng một năm, tức là có thể điều chỉnh tiền lương thấp nhất trong năm đầu, nhưng quan hệ tiền lương thì tính toán tùy vào khả năng thực tế của năm 2021.
Theo đó, năm 2021 điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất đạt hơn 4,1 triệu đồng, đồng thời tích lũy thêm nguồn để mở rộng thực hiện quan hệ tiền lương vào các năm sau.
Giải thích phát biểu của Bộ trưởng Tài chính, một chuyên gia tiền lương cho hay, hiện người lao động trong khu vực công hưởng lương theo hệ số nhân với mức lương cơ sở là 1,3 triệu đồng; quan hệ tiền lương (1-2,34-10) thay đổi theo các mốc, ví dụ người tốt nghiệp đại học có hệ số 2,34, bộ trưởng có hệ số là 10 (ngoài ra còn có các khoản phụ cấp khác theo quy định).
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp, nghĩa là hơn 4,1 triệu đồng. Cùng với sự điều chỉnh này, Đề án đưa ra hai phương án mở rộng quan hệ tiền lương (1-2,68-12 hoặc 1-3-15) để Trung ương xem xét quyết định. "Nếu thực hiện đồng thời cả điều chỉnh tiền lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương thì sẽ gây áp lực lớn lên ngân sách, vì vậy Bộ trưởng Tài chính đề xuất điều chỉnh tiền lương trước, mở rộng quan hệ tiền lương sau", vị chuyên gia nói.
"Không để vì lương mà chạy đua chức vụ"
Ông Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho rằng, sự phát triển không đồng đều giữa miền núi, đồng bằng, miền Bắc-Trung-Nam, thành thị và nông thôn khiến chi tiêu của cán bộ công chức khác nhau.
"Có những thành phố lớn, một công chức phục vụ hơn 10.000 dân. Ở những tỉnh, thành phố nhỏ hơn thì một công chức phục vụ vài trăm dân hoặc hơn 1.000 dân", ông nói và cho rằng, chính sách đãi ngộ đối với từng công chức, từng địa bàn phải phù hợp, đáp ứng năng lực lao động của cán bộ bỏ ra, tránh tình trạng cào bằng các tỉnh, thành phố, vùng miền.
Một số đại biểu băn khoăn trước việc Đề án dự kiến phân tách bảng lương chức vụ với bảng lương chuyên môn nghiệp vụ, việc này có thể dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức không tập trung phấn đấu về công vụ, chức nghiệp mà chỉ tập trung cuộc đua vào các chức vụ.
Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải cho rằng, việc tách riêng bảng lương như trên nhằm thực hiện nguyên tắc thứ bậc là thỏa đáng với người có trách nhiệm, chức vụ. Tuy nhiên, Đề án cần có giải pháp để thực hiện đầy đủ các chế độ đãi ngộ với cán bộ, công chức để họ yên tâm phấn đấu theo chức nghiệp; quan tâm đến bảng lương chuyên gia với mức lương thỏa đáng, sao cho cán bộ, công chức bên cạnh phấn đấu theo ngạch bậc có thể phấn đấu theo chức nghiệp suốt đời, không phải chạy đua theo chức vụ.
Cũng tại Hội nghị, các Ủy viên Trung ương bày tỏ nhất trí cao với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương được xác định trong Đề án cũng như sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Trung ương về vấn đề này.
Lan Hạ (theo TTX)