Chị Huỳnh Thị Lệ. |
Chị Huỳnh Thị Lệ, Phó chủ tịch UBND phường 5, quận 3, tâm sự: "Tăng lương là chính sách đúng và rất đáng mừng. Nhưng thực lòng, tôi thấy thu nhập của cán bộ phường, xã vẫn thấp, trong khi chi phí sinh hoạt cao từng ngày. Những người được tăng lương chưa nhận thêm đồng nào mà giá điện, nước, ga, xăng... đã lên vù vù. Với mặt bằng sinh hoạt cao như quận 1, quận 3, thu nhập của chúng tôi khó đủ đảm bảo cuộc sống bình thường".
Theo chị Lệ, việc của cán bộ, nhân viên các UBND phường, xã luôn bận rộn. Phụ trách về văn xã, nhưng chị theo dõi cả chính sách về dân số - gia đình - trẻ em, xóa đói giảm nghèo và kiểm tra một số mảng dịch vụ... "Phường, xã ví như cái lu, việc nào của chính quyền cấp trên hay bộ, ngành có liên quan tới địa phương, tới dân là chúng tôi phải vào cuộc. Nhận lương hành chính, nhưng ít khi tôi ra khỏi cơ quan trước 18h", chị Hiệp tâm sự.
Chị Hoà Thị Tuyết Hoà. |
Đồng quan điểm với chị Hiệp, chị Hòa Thị Tuyết Hòa, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ phường 10, quận 4, cho biết: "Công việc phường xã thì không kể thời gian, không đếm được đầu việc. Nói chung, chúng tôi tính có hết việc hay không chứ không màng đến thời gian. Nhưng thu nhập thì chỉ đủ chi tiêu những gì cần thiết nhất thôi". Chị Hòa kể, con chị mới học lớp 10 song tiền học, gồm cả chính khóa và học thêm đã mất khoảng 300.000 đồng/tháng. Tất cả khoản cộng vào, chưa kể việc đột xuất, mỗi tháng chị phải chi trên 1.000.000 đồng, nhưng lương thì chưa tới mức này.
Các UBND phường ở quận 4 tiến hành khoán lương nên hằng tháng, cán bộ nhân viên được trợ cấp 100.000-200.000 đồng. Lương tăng 30%, thu nhập của chị Hòa sẽ khoảng 1.200.000 đồng/tháng. "Lương chưa lên mà giá cả thị trường đã lên quá trời. Rau quả bình quân mỗi mớ, mỗi ký đã tăng 500-1.000 đồng, thịt tăng 3.000-5.000 đồng. Những chi phí khác gộp lại, giá trị lương cũ cũng không hơn so với lương mới", chị Hòa nói.
Anh Phạm Văn Thi. |
Công tác cùng UBND phường với chị Hòa, anh Trần Hồ Hải và Phạm Văn Thi cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay, lương tăng như vậy vẫn khó cải thiện được cuộc sống. Anh Thi chưa lập gia đình, sống cùng bố mẹ, đang học thêm buổi tối. Tổng thu nhập theo lương mới, mỗi tháng anh được khoảng 900.000 đồng. Nhưng một ngày, chi phí cơ bản, gồm xăng xe, ăn uống đã mất 25.000-30.000 đồng. Anh Thi tâm sự, chính thức lĩnh lương nhà nước từ năm 1998 tới nay song anh vẫn phải xin tiền nhà.
Anh Trần Hồ Hải. |
Anh Hải có vẻ "nặng gánh" lo toan hơn: "Tôi có 2 con đang đi học, vợ là thợ may. Công việc phường nhiều, tôi thường xuyên phải làm việc trên 10 giờ một ngày. Nhưng thu nhập hằng tháng chỉ góp được tiền học cho con, số còn lại đủ uống cà phê và ăn sáng. Các khoản khác hầu như vợ đảm đương". Theo anh Hải, thu nhập của anh không thấm vào đâu so với sự biến đổi của giá cả thị trường. Đơn cử, xăng hiện tăng tới gần 7.000 đồng/lít, mỗi suất quà sáng như bún, phở, cơm... cũng lên khoảng 2.000 đồng.
Chị Tô Ngọc Hiệp. |
Tuy nhiên, có một số cán bộ cho rằng, lương tăng cũng giúp cải thiện được phần nào cuộc sống. Chị Tô Ngọc Hiệp, thư ký văn phòng, UBND phường Đa Kao, quận 1, nói: "Tôi nghe thông tin tăng lương từ mấy tháng trước, cũng khấp khởi chờ đợi. Nhà có 2 mẹ con, con gái đang học đại học, tiết kiệm lắm tháng chi 1,5 triệu. Lương cũ trừ các khoản bảo hiểm, mỗi tháng tôi lĩnh khoảng 670.000 đồng nên cứ nợ lòng vòng. Lương tăng, thêm được trên 200.000 có lẽ đỡ hơn".
Đa số cán bộ cấp phường đều cho rằng đồng thời với tăng lương, nhà nước cần có biện pháp giữ giá, bù giá hiệu quả mới thực sự cải thiện được đời sống các đối tượng hưởng chính sách.
Từ 1/10, Chính phủ sẽ thực hiện quan hệ mức lương tối thiểu - trung bình - tối đa là 1-2,34-10 thay vì 1-1,78-8,5 như trước đây. Thực hiện quan hệ mới này, số đông cán bộ, công viên chức sẽ được nâng lương bởi mức lương trung bình (đại học qua tập sự) tăng thêm 31,5% (từ hệ số 1,78 lên 2,34); mức lương tối đa (chuyên gia cao cấp bậc 3) tăng thêm 17,6% (từ hệ số 8,5 lên 10). Theo Bộ Nội vụ, 9 nhóm đối tượng được điều chỉnh lương gồm: các chức danh bầu cử ở Trung ương và thuộc HĐND cấp tỉnh, huyện và các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành tòa án, kiểm sát; các chức danh bầu cử thuộc UBND cấp tỉnh, huyện; công chức trong các cơ quan nhà nước, công chức dự bị; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; cán bộ công chức, viên chức được cử sang làm việc ở các Hội, các dự án và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng thuộc lực lượng vũ trang (công an, quân đội); những người thuộc diện về hưu trước tháng 4/1993 và thân nhân những người có công với cách mạng. |
Lương Nga