![]() |
Văn bản trả lời của cơ quan điều tra |
Theo Phó phòng Cảnh sát điều tra, thượng tá Lã Ngọc Tỉnh, từ ngày ông Dũng bị tạm giam (19/2) đã có ít nhất 2 văn phòng luật sư giới thiệu người tới bảo vệ quyền lợi cho ông Dũng. Một trong những lý do là ông này bị khởi tố về tội hiếp dâm trẻ em, theo Điều 112 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất có thể là tử hình, và trường hợp đó luật quy định việc bị can có luật sư bào chữa là bắt buộc. Tuy nhiên, bị can Dũng trong những lần tiếp xúc với điều tra viên đều khẳng định bằng văn bản là không có ý định mời luật sư. “Khi vợ ông Dũng gửi giấy mời luật sư và luật sư Hải tới làm thủ tục, chúng tôi đã thông báo rõ điều này. Vì vậy không thể cấp giấy chứng nhận người bào chữa” - ông Tỉnh nói.
Luật sư Phạm Hồng Hải (Văn phòng Luật sư Lam Sơn, Đoàn Luật sư Hải Phòng) cho biết, bà Lê Như Quỳnh, vợ ông Dũng đến văn phòng mời ông cùng cộng sự tham gia vụ án từ giai đoạn điều tra chiều 21/2. Hôm đó là thứ bảy và phải thứ hai tuần sau, ngày 23/2, cộng sự của ông Hải mới tới Phòng Cảnh sát điều tra làm thủ tục bào chữa cho ông Dũng. Ngay ngày hôm đó, Cơ quan điều tra đã có văn bản từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa, trong đó nêu lý do: “Hồi 10h30’ ngày 21/2, Cơ quan điều tra đã thông báo nội dung đề nghị của bà Lê Như Quỳnh và Văn phòng luật sư. Bị can Lương Quốc Dũng trình bày: Không có ý định mời luật sư và tin tưởng ở các cơ quan bảo vệ pháp luật”.
Ông Hải nói: “Bản trả lời của Cơ quan điều tra thừa nhận 23/2 mới gặp được chúng tôi thì làm sao trước đó 2 ngày ông Dũng đã biết được ý định gia đình mời luật sư để mà từ chối. Chiều 21/2, bà Quỳnh mới làm thủ tục mời luật sư thì làm sao trước đó mấy tiếng đồng hồ Cơ quan điều tra biết mà thông báo cho ông Dũng. Thư tay bà Quỳnh viết gửi cho chồng làm tin tôi vẫn cầm ở đây”.
Bộ luật Tố tụng hiện hành quy định, bị can có quyền mời luật sư bào chữa cho mình và luật sư được tham gia từ giai đoạn điều tra. Nhưng luật sư lại không được gặp mặt bị can nếu chưa được bị can chấp nhận. Vì vậy, khi chưa gặp được người mà gia đình mời bào chữa cho mình, bị can khó có thể quyết định chính xác là có chọn luật sư đó hay không. Cũng theo Bộ luật, với trường hợp bị khởi tố về tội có khung hình phạt là tử hình, hoặc bị can là người chưa đến tuổi thành niên, có mặt luật sư là điều bắt buộc. Như vậy, nếu đúng ông Dũng từ chối luật sư do gia đình mời thì Cơ quan điều tra Hà Nội vẫn phải làm thủ tục báo Đoàn Luật sư thành phố chỉ định luật sư bào chữa.
P.L.