Ông Lương Quốc Dũng. Ảnh TN. |
- LS nhận xét gì về việc ông Lương Quốc Dũng dùng 1 tỷ đồng đưa cho gia đình người bị hại để “chạy tội”?
- Theo quy định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự 1988 (đang có hiệu lực ở thời điểm xảy ra vụ án – 30/12/2003) thì cơ quan điều tra chỉ được khởi tố vụ án khi có yêu cầu của người bị hại đối với một số tội phạm nhất định (chứ không phải tất cả các vụ án hình sự). Nếu người bị hại trong những trường hợp này không yêu cầu hoặc tuy đã yêu cầu nhưng lại rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà thì vụ án phải được đình chỉ, mặc dù pháp luật vẫn có quy định “Trong trường hợp cần thiết, tuy người bị hại rút yêu cầu, Viện kiểm sát hoặc Toà án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”.
Trong những tội phạm mà pháp luật dành cho người bị hại quyền yêu cầu khởi tố thì không có tội Hiếp dâm trẻ em (Điều 112 Bộ luật hình sự) hay nói cách khác, đối với vụ án Hiếp dâm trẻ em, cơ quan điều tra được quyền khởi tố vụ án mà không cần đến yêu cầu của người bị hại. Trong trường hợp này, “đơn xin bãi nại” của người bị hại - nếu có - không phải là tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Mặt khác, việc đưa tiền cho gia đình người bị hại - nếu có - với mục đích để gia đình người bị hại viết đơn “bãi nại” cho người phạm tội cũng không cấu thành một tội phạm nào được quy định trong Bộ luật hình sự. Việc giao, nhận tiền này đơn thuần chỉ là một thoả thuận dân sự.
- Vậy việc ông Lương Quốc Dũng đưa cho gia đình người bị hại 1 tỷ đồng là không có ý nghĩa gì?
- Số tiền đó nhiều hay ít đều có ý nghĩa nhất định trong việc xử lý tội phạm. Trong trường hợp này cần phân biệt:
Nếu việc đưa tiền cho gia đình người bị hại thể hiện sự ăn năn, hối hận của người phạm tội, nhằm để bồi thường phần nào thiệt hại đã xảy ra thì việc đưa tiền này được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự có quy định về tình tiết: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” là tình tiết giảm nhẹ.
Nếu việc đưa tiền cho gia đình người bị hại với mục đích mua chuộc gia đình người bị hại để họ rút đơn tố cáo, coi như có một sự “nhầm lẫn” nhằm che giấu tội phạm và người phạm tội thì việc đưa tiền này lại bị coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Điểm o khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự coi tình tiết người phạm tội: “có hành động xảo quyệt… nhằm che giấu tội phạm” là tình tiết tăng nặng.
- Làm thế nào để xác định việc đưa tiền với động cơ gì?
- Đó là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng vì để xác định sự thật của vụ án, Điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Khi đã chứng minh được có việc đưa tiền cho người bị hại cũng như chứng minh được động cơ, mục đích của việc đưa tiền thì việc đưa tiền này sẽ là tình tiết có giá trị khi Toà án xem xét, quyết định hình phạt đối với người phạm tội.
Thanh Nga thực hiện