Năm 2004, khi đang làm HLV đội Sông Lam Nghệ An, ông Đặng Phước Dừa - lãnh đạo Ngân hàng Đông Á - từ Sài Gòn ra tận Vinh gặp tôi, mời vào Sài Gòn làm HLV đội bóng của Ngân hàng. Lúc ấy, sau những thành tích tốt của Sông Lam Nghệ An, có rất nhiều nơi mời tôi, song lãnh đạo Đông Á nói với tôi họ sẽ lo nơi ở cho cả gia đình tại Sài Gòn. Ông còn cho tôi mua một miếng đất giá "nội bộ" bên quận 2.
Tôi không đưa ra một đề nghị nào về lương, nhưng họ chào tôi mức lương 40 triệu đồng/tháng, cao gấp ba lần rưỡi mức tôi đang nhận. Đồng lương họ trả làm tôi cảm thấy rất tự hào và phấn chấn. Đó là điều chứng minh họ đánh giá cao năng lực của mình. Năm 2004, ăn một bát phở ở Sài Gòn chỉ mất có 5.000 đồng thôi.
Mức lương đó cũng là mức lương cao nhất tôi nhận được sau hơn 25 năm từ khi theo nghề bóng đá và cũng là mức lương cao nhất cho một HLV bóng đá ở Việt Nam trên cả nước thời điểm đó. Trước tôi, Ngân hàng Đông Á cũng trả cho một HLV người nước ngoài mức lương tương đương như vậy.
Tôi xin lãnh đạo sở Thể dục Thể thao Nghệ An nghỉ hưu sớm 2 năm để vào Sài Gòn làm việc. Tiền lương được lĩnh thực ra tôi cũng gửi về cho gia đình, không tiêu pha gì nhiều. Cái mà tôi thực sự quý chính là tinh thần phấn khởi và luôn cố gắng làm rất tốt công việc của mình, để xứng đáng với đồng lương cũng như là sự kỳ vọng của họ.
Đồng lương đó cũng làm tôi cảm thấy tự hào về mình, thích thú hơn với công việc. Tôi luôn tự nhủ "người ta muốn có mình, trân trọng mình nên mới chăm chút cho mình, mình cũng phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn cho đội bóng để gặt hái được nhiều thành tích tốt." Và đội bóng cũng đã đạt thành tích, được nâng hạng.
Đồng lương có thông điệp của nó. Đó là một sự công nhận. Khi người ta muốn mình như thế nào, họ sẽ đưa ra thông điệp như thế. Là người nhận, mình hiểu rằng đó là cách thể hiện những gì người trả lương kỳ vọng để mà đáp lại.
Như ông Park bây giờ, chúng ta đã đặt rất nhiều kỳ vọng và ông đã làm được, thậm chí làm hơn cả kỳ vọng ban đầu của chúng ta, thì hiển nhiên chúng ta cũng phải có những hành động đáp lại. Con người ta không phải ai cũng chỉ vì cần thêm đồng tiền mà còn vì cảm thấy được thừa nhận, cũng như tôi trước kia đã rất vui vì cảm thấy nỗ lực nghề nghiệp của mình không vô nghĩa. Đó là lý do tôi ủng hộ việc chúng ta bằng cách nào đó phải tăng lương xứng đáng cho ông Park.
Không cần phải nói thêm về những thành công rất mỹ mãn của Park Hang-seo, và rằng chúng ta đều trân trọng ông thế nào. Thái độ trân trọng ấy phải thể hiện bằng hành động ghi nhận cụ thể. Nếu ta muốn ông ở lại để huấn luyện đội tuyển, tạo ra bước ngoặt bền vững cho bóng đá Việt Nam, chúng ta phải trân trọng và quan tâm chăm sóc ông không chỉ bằng lời nói suông. Bởi với người làm nghề như tôi từng cảm thấy, mình nhận đồng tiền họ trả cho mình thì mình cũng luôn nhận thêm một sức ép, là phải làm sao để mình không xấu hổ khi nhận mức thù lao đó.
Ông Park cũng là một huấn luyện viên chuyên nghiệp nhiều năm ở Hàn Quốc, rồi có duyên được mọi người yêu mến ở Việt Nam. Ông đã khẳng định tình cảm của mình với đất nước và công chúng Việt Nam, và đáp lại, khán giả Việt Nam đối với ông cũng rất nồng nhiệt. Mình rất trân trọng tấm lòng của người ta, nhưng đó không phải là yếu tố có thể thay thế, lấp liếm để chúng ta có thể trả ông mức lương thấp hơn thị trường bóng đá khu vực, chưa nói tới thị trường quốc tế nói chung.
Tình cảm là tình cảm. Mình không thể lấy tình cảm để bù đắp tiền lương chính đáng và trả người ta một mức phi thị trường được.
Chúng ta phải đối đãi thật tốt đối với ông để giữ ông ở lại, đó không chỉ là việc riêng của một vài người. Tiền lệ quốc tế cho phép kêu gọi các nhà tài trợ, nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng chung sức trong việc trả lương cho vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia. Bởi một nền bóng đá quốc gia đầu tiên là vì công chúng.
Ta đều hiểu thực ra VFF không thể có ngay một khoản tiền lớn để trả lương cho ông, cũng như cơ chế trả lương của ta không linh hoạt như các nước khác. Tôi tin ông Park và cộng sự cũng hiểu. Nhưng như ông bà ta đã nói "có thực mới vực được đạo". Không thể lấy tình cảm ra để che đậy nguyên tắc thị trường của đồng lương.
Nhìn rộng ra, mặt bằng lương của các HLV bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam bao nhiêu năm nay vẫn rất thấp và gần như không thay đổi. Bóng đá Việt Nam đã bước sang thời kỳ chuyên nghiệp được 18 năm rồi (từ 2001 đến nay) nhưng lương của HLV nội trung bình phổ biến chỉ khoảng 20-30 triệu, hạng chuyên nghiệp chỉ 30-40 triệu đã là rất cao. Có những HLV trẻ hiện chỉ nhận lương có 10, 12 triệu đồng đã là cao lắm, thậm chí có nơi chỉ trả có 6-7 triệu đồng.
Tôi thấy rất kỳ lạ là tại sao đồng lương của HLV trẻ không được cải tiến. Sự bất cập này chính bản thân các HLV không dám nói ra, bản thân tôi cũng cảm thấy rất khó nói. Nhưng nó là cái rất dở, chôn chân nhiều HLV (và cả cầu thủ bóng đá). Họ không thiết tha phấn đấu để đạt trình độ này kia trong nghề nữa, cũng đã có người bỏ nghề đi theo việc khác để có thêm khoản tiền cải thiện.
Cải tiến lại quy chế về đồng lương của HLV và cả cầu thủ bóng đá là điều cần thiết để tạo động lực thúc đẩy cho bóng đá nước nhà. Thay đổi tư duy trả lương với nghề bóng đá nói riêng và thể thao nói chung là vì sự tiến bộ của bóng đá. Liên đoàn Bóng đá và Tổng cục Thể dục Thể thao cần suy nghĩ về việc đó.
Trước khi cải cách bóng đá thì phải cải cách đồng lương trong nghề bóng đá. Không thể có một nền bóng đá chuyên nghiệp nếu đồng lương không chuyên nghiệp.
Nguyễn Thành Vinh