Bộ Dân chính Trung Quốc tuần trước công bố số liệu cho thấy số lượng cặp đôi kết hôn năm ngoái ở nước này là 7,68 triệu, tăng 845.000 cặp so với năm 2022. Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh là 13,47 triệu trong năm 2013.
Đây là lần đầu tiên số lượng cặp đôi kết hôn tại Trung Quốc tăng sau 9 năm, trong bối cảnh nhiều thanh niên quyết định tổ chức đám cưới sau khi phải trì hoãn do đại dịch Covid-19.
Thông tin này là tín hiệu tích cực với giới hoạch định chính sách, do tỷ lệ kết hôn tăng sẽ giúp tăng tỷ lệ sinh, góp phần giảm bớt đà suy giảm dân số đang diễn ra ở nước này.
Dân số Trung Quốc cuối năm 2023 là 1,409 tỷ người, giảm khoảng hai triệu người so với cuối năm 2022. Đây là năm thứ hai liên tiếp dân số Trung Quốc suy giảm trong hơn 60 năm qua. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm 2023 cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1949, ở mức 6,39 trẻ em trên 1.000 dân, so với mốc 6,77 năm 2022.
Giới hoạch định Trung Quốc lo ngại tình trạng suy giảm dân số, giảm tỷ lệ sinh và già hóa xã hội sẽ ảnh hưởng lớn tới tiềm năng phát triển kinh tế của Trung Quốc. Ước tính khoảng 300 triệu người dân nước này sẽ bước vào tuổi nghỉ hưu trong một thập kỷ tới, gần tương đương dân số Mỹ.
Truyền thông Trung Quốc cho biết đang có nhiều trẻ em được sinh ra hơn trong năm Giáp Thìn do người dân quan niệm những người sinh trong năm rồng sẽ gặp nhiều may mắn.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc chọn sống độc thân hoặc trì hoãn kết hôn do lo ngại về triển vọng việc làm kém, tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp cao kỷ lục và chỉ số niềm tin người tiêu dùng duy trì ở mức thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đang chậm lại.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hồi tháng 3 cam kết rằng chính phủ nước này sẽ hướng tới xây dựng "xã hội thân thiện với việc sinh con, thúc đẩy phát triển dân số một cách cân bằng và lâu dài", cũng như giảm chi phí sinh nở, nuôi con và giáo dục.
Phạm Giang (Theo Reuters)