Chị Vũ Thị Hạnh ở Hà Nội là người đầu tiên trúng giải đặc biệt một chuyến du lịch sang Mỹ nhờ bộ hồ sơ xin việc ấn tượng nhất so với hàng nghìn ứng viên gửi thông tin tham gia chương trình “CV Hay, có ngay Cơ Hội” tại Mạng Việc làm và Tuyển dụng CareerBuilder.vn.
Chị đang là Giám đốc quan hệ công chúng và tiếp thị một công ty về nhân lực với thu nhập hàng tháng vượt 1.000 USD. Theo tiết lộ của chị, mức lương đề xuất cho vị trí Giám đốc marketing không dưới 1.000 USD một tháng.
Ông Paul Nguyễn – Tổng Giám đốc CareerBuilder Vietnam đánh giá, bộ hồ sơ xin việc (CV) của chị nổi trội hơn hẳn những ứng viên khác, thể hiện bản lĩnh, cá tính cần có của người làm truyền thông.
"Bề dày kinh nghiệm, kiến thức sâu rộng và các kỹ năng cần thiết trong nghề nghiệp mà chị có là "át chủ bài" quan trọng thu hút sự chú ý của doanh nghiệp", ông Paul Nguyễn nói. Bên cạnh những ưu điểm, chị không ngần ngại kể lại những lần vấp ngã đáng nhớ. Quan trọng hơn, chị cho nhà tuyển dụng thấy cách vượt qua khó khăn đó như thế nào, đúc kết kinh nghiệm gì cho bản thân.
Thất bại trong lần xin việc 4 năm trước buộc chị phải tự "làm mới" hồ sơ của mình. Khi đó, chị ứng tuyển vị trí Trưởng phòng truyền thông với sự chuẩn bị khá sơ sài, lấy lại CV mẫu có sẵn trên mạng. Sau buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đánh giá cao kinh nghiệm, khả năng chuyên môn nhưng chê hồ sơ xin việc. Kết quả, chị bị loại khỏi vị trí này chỉ vì CV thiếu sự chỉnh chu và lãnh đạo công ty còn góp ý "nên thử sức ở một vị trí thấp hơn".
Hồ sơ xin việc là cánh cửa đầu tiên giúp ứng viên lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Hồ sơ xin việc của chị Lê Thị Cẩm, hiện phụ trách nhân sự của một tập đoàn đa quốc gia cũng gây chú ý với các nhà tuyển dụng hàng đầu, bởi cách trình bày thông tin có hệ thống, diễn đạt mạch lạc, sinh động các công việc đã và đang đảm trách. Lợi thế làm việc tại các tập đoàn, công ty đa quốc gia; kỹ năng, kiến thức chuyên môn sâu và những trải nghiệm có được trong giai đoạn kinh tế toàn cầu khó khăn giúp chị tỏa sáng hơn các ứng viên khác ở ngay vòng đầu.
Trong khi đó, sự táo bạo là điểm nhấn của CV anh Trần Duy Công, Giám đốc marketing Công ty Trí Việt JSC. Ở phần mục tiêu nghề nghiệp, anh Công mong muốn trở thành giám đốc điều hành một công ty quảng cáo nổi tiếng thế giới. Khi đó, anh sẽ xây dựng đội ngũ cộng sự chuyên nghiệp để khẳng định đẳng cấp của doanh nhân Việt. Với lợi thế từng giữ những vị trí chủ chốt tại các công ty, tập đoàn lớn cùng thành tích học tập xuất sắc, CV của anh dễ dàng lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng.
Theo ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc CareerBuilder Vietnam, cả 3 ứng viên này có cơ hội trúng tuyển rất cao, dù mức lương đề xuất 1.000-4.000 USD. Hồ sơ xin việc là “phương thức giao tiếp” đầu tiên giữa ứng viên và nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng đều ấn tượng các CV trình bày chuyên nghiệp, đẹp mắt nên phần trăm để họ chú ý đến và mời phỏng vấn cao hơn hẳn những ứng viên thiếu chăm chút. Ngoài CV, ứng viên cũng phải chứng minh được khả năng, kinh nghiệm, kiến thức sao cho xứng đáng với mức lương nghìn đô.
Ông Paul Nguyễn cho hay, quá trình tìm việc thường trải qua 2 giai đoạn. Đầu tiên, nhà tuyển dụng xem xét hồ sơ, sau đó mời ứng viên đến phỏng vấn. Một bản lý lịch tốt khiến nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu thêm về ứng viên, đóng góp 50% khả năng thành công. 50% còn lại, chủ yếu là sự thể hiện tại buổi phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng.
Ông cũng cho biết, bản lý lịch không chỉ đơn thuần cho nhà tuyển dụng biết ứng viên từng làm những công việc gì. “Tương tự như lúc bạn mặc trang phục đẹp và lịch sự nhất đến với buổi phỏng vấn, khi chuẩn bị hồ sơ, ứng viên cần tiếp thị bản thân một cách chuyên nghiệp nhất”, ông nói.
Theo ông, những khuyết điểm ứng viên hay mắc phải là trình bày khá sơ sài dù họ có nhiều năm kinh nghiệm. Ngoài ra, những lỗi cơ bản như: CV sử dụng nhiều phông chữ, nhiều màu, sai chính tả sẽ khiến nhà tuyển dụng loại hồ sơ ngay vòng đầu.
Phương Mai