Với thói quen lâu ngày ở Việt Nam, tôi đã xuề xòa: "Anh chạy đi tôi làm ngay ấy mà". Nhưng người tài xế đã dứt khoát đến mức tôi cảm thấy căng thẳng. Sau đó, trên đường đi, để lấy lại chút hòa khí, anh giải thích: "Tôi làm như vậy vì đó là trách nhiệm của tôi, là điều mà tôi phải làm khi nhận tiền của anh. Xem như anh làm điều đó vì tôi".
Chuyện của hơn chục năm trước không có gì đặc biệt nếu nhìn ở góc độ hành vi tham gia giao thông, nhưng tôi nhớ nhiều hơn lời giải thích của anh tài xế. Hãy hình dung tại Việt Nam, trường hợp như vậy thì sao? Có hai tình huống. Tài xế sẽ không nhắc bạn. Hoặc tài xế tuy lưu ý, nhưng khi thấy bạn khó chịu, họ sẽ bỏ qua và chạy tiếp. Cũng có hai cách để giải thích hành động của tài xế. Có thể ở Việt Nam, hiếm khi tài xế bị phạt vì để người ngồi trong xe không thắt đai an toàn nên dần dà không ai để ý. Hoặc nếu bị thổi vì lỗi này, tài xế năn nỉ một chút hoặc gửi tý tiền thì cảnh sát giao thông sẽ bỏ qua.
Nhưng tựu trung, tôi tin rằng cả tài xế lẫn người thực thi công vụ sẽ không nhìn sự việc dựa trên lợi ích của hành khách - người mà khi tai nạn không may xảy ra, nhận thiệt hại lớn nhất.
Năm 2015, Singapore đăng cai SEA Games. Có một thông tin khiến tôi đặc biệt chú ý trong kế hoạch công khai của ban tổ chức, đó là người ta dự kiến xây dựng các cơ sở vật chất mới nhân dịp SEA Games với tiêu chí "đảm bảo mỗi người dân chỉ di chuyển trong bán kính 80 đến 120 m từ nơi ở, làm việc sẽ đến một điểm có thể tập luyện thể thao".
Trước SEA Games 2015, Singapore đã tổ chức Đại hội Thể thao trẻ thế giới và tiêu tốn 387 triệu SGD. Năm năm sau, SEA Games tiếp tục ngốn khoảng 264 triệu SGD nữa. Nghĩa là chỉ trong vòng năm năm, Singapore bỏ ra số tiền tương đương hơn nửa tỷ USD cho hai sự kiện thể thao chỉ có tầm vóc vừa phải. Để người dân Singapore chấp nhận chi một số tiền như vậy, giới chức nước này phải công khai rõ ràng mục đích sử dụng và hiệu quả sử dụng đến mức chi tiết mà bất kỳ người dân nào cũng dễ dàng đọc và hiểu được.
Họ không dùng các tiêu chí "tỷ lệ diện tích đất dành cho thể thao trên đầu người" mang tính đánh đố như ở nước ta. Ai cũng biết, các chỉ số đó cho dù được tính toán đúng, đủ đi nữa, thì chỉ có ích cho các văn bản báo cáo giữa các cơ quan công quyền với nhau, hoàn toàn không có giá trị thực tế với người dân nếu xung quanh nơi họ cư trú không có lấy một công trình thể thao nào. Mọi chuyện sẽ càng mơ hồ hơn nếu hàng trăm triệu USD này chỉ được tiêu vì "hình ảnh, vị thế quốc gia".
Đó có thể chỉ là cách lập luận. Nhưng việc xây dựng và thực thi chính sách kiểu "lợi ích của dân làm gốc" khiến cho các hành động của chính phủ trở nên đáng tin tưởng hơn nhiều - so với việc lập luận dựa trên các chỉ tiêu và mục tiêu vĩ mô mà người dân không thể hiểu nổi. Cùng yêu cầu một việc, anh tài xế trở nên đáng tin hơn vì anh nói đó là lợi ích của tôi. Cùng tiêu hàng trăm triệu USD ngân sách, chính phủ trở nên đáng tin hơn vì khẳng định khoản chi đó là "cho việc tập luyện của người dân".
Hành trình để trở nên "đáng tin" của Singapore không trải hoa hồng. Tại Singapore, lương lãnh đạo, công chức nằm trong nhóm cao nhất thế giới và đương nhiên, hoàn toàn công khai. Bất kỳ người dân nào biết chữ, vào trang web của chính phủ đều có thể thấy lương của ông Lý Hiển Long một năm hiện này là 3,1 triệu SGD (khoảng 1,6 triệu USD), cấp bộ trưởng là 3 triệu SGD mỗi năm. Lương của cán bộ trung cấp trẻ và có triển vọng mới được tăng từ 372 nghìn SGD lên 384 nghìn SGD, gần ngang với thu nhập của người có độ tuổi 32 - 35 làm việc trong khu vực tư nhân.
Người dân Singapore từng phản ứng về mức lương quá cao của Thủ tướng Lý Hiển Long khiến chính phủ đã phải lập hẳn một website để đối thoại, đồng thời giải thích tiền lương của quan chức, công chức là thu nhập trọn gói, không phải chi trả thêm chi phí công vụ như các quốc gia khác. Ngoài ra, chính phủ Singapore cũng hủy bỏ kế hoạch tăng lương định kỳ, tiến tới cắt giảm một phần quỹ lương.
Nhưng tính hiệu quả của mức lương cao là không thể phủ nhận. Singapore chỉ cần 84 nghìn công chức để điều hành hệ thống, ít hơn nhiều so với Malaysia có tổng cộng 1,6 triệu công chức. Chỉ có 1,5% dân số Singapore làm việc trong các dịch vụ dân sự, trong khi đó Malaysia là 5,1% hay 2,3% ở Hồng Kông.
Từ đường lối ban đầu của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, sử dụng tiền lương cao để thu hút tài lực cho chính quyền, cách vận hành dòng tiền lương của Singapore chuyển từ "ba không" trong phòng chống tham nhũng: không dám (với cơ chế minh bạch) - không thể (bị giám sát chặc chẽ) - không cần (vì lương cao) dần dần hình thành tư duy để xã hội này vận hành. Anh làm đúng những gì đã được trả và tương xứng với giá trị đã nhận. Giữa một tài xế taxi cho đến ban tổ chức SEA Games có cùng điểm chung: vì người trả tiền cho mình để phục vụ.
Tiền lương là sự thể hiện minh bạch nhất của bản chất công việc. Khi người dân biết rõ công chức đang giải quyết việc cho mình nhận mức lương cao thế nào, họ có thể giám sát và đòi hỏi chất lượng kết quả tương xứng, hoặc có một thái độ cân bằng hơn với người đối trọng. Ở Việt Nam, tiền lương mang tiếng công khai nhưng đó là bảng lương cơ sở, không phải người dân nào cũng có khả năng tìm hiểu những cái gọi là "hệ số", "ngạch, bậc" của đặc thù từng nhóm ngành của công chức để tính ra anh này nhận bao nhiêu tiền thuế của chúng tôi mỗi tháng. Người dân càng không thể biết được lãnh đạo, công chức thu nhập thực sự là bao nhiêu. Thậm chí, xã hội đang nhận thức chung là thu nhập của người làm việc trong cơ quan công quyền rất thấp. Đã thấp thì việc gì phải giám sát chất lượng công việc, chưa nói tư duy này hình thành nên suy nghĩ: vì lương thấp nên quan chức, công chức kiểu gì cũng "ăn thêm", hay mình nên "cảm ơn" họ.
Minh bạch nửa vời như thế còn tạo ra hệ lụy lớn hơn cả việc không minh bạch. Nó triệt tiêu năng lực giám sát của xã hội và cổ súy tham nhũng nhiều hình thức. Hậu quả lớn nhất là người dân không chờ đợi gì từ trách nhiệm và chất lượng phục vụ của những người mà họ đóng thuế để trả lương. Vòng tròn nhũng nhiễu, quan liêu, tham nhũng cứ thế quay.
Thái độ có tính lây lan. Tinh thần phục vụ từ cơ quan công quyền sẽ tác động đến thái độ làm việc của khu vực tư nhân. Hành vi của một vị bộ trưởng hoàn toàn có thể tác động tới hành xử của một tài xế taxi với khách.
Những ai sống ở Singapore một thời gian có thể nhận ra nhiều người Singapore rất hay phàn nàn, đòi hỏi. Từ lóng được dùng miêu tả về một tính cách khá phổ biến của người Singapore là "kiasu" - giống kiểu cứ phải "bằng chị bằng em". Họ cạnh tranh nhau, lấy hàng xóm và đồng nghiệp làm thước đo. Văn hoá "kiasu" thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ sự phô trương của người giàu, tới kiểu làm việc hùng hục để được lòng sếp và thăng tiến trước người khác. Nghĩa là họ, như tập tính của phần lớn người Á Đông, cũng sống vì lợi ích cá nhân trên hết. Chính vì thế, một đường lối quản trị xã hội nghiêm khắc và nhất quán xuất phát từ trên xuống là nền móng để xây dựng nên một Singapore vừa có đặc tính Á Đông nhưng vẫn đủ sự năng động, cởi mở để phát triển. Một trong những cách ông Lý Quang Diệu đã làm là đưa quan chức, công chức trở thành người đi đầu để tạo lề lối cho một xã hội văn minh, trả thu nhập cao, công khai tiền lương và tuyên bố trách nhiệm sẵn sàng phục vụ người khác.
Sẽ ít công dân nào tin công chức ở Việt Nam nghèo. Nhưng chưa có một thống kê nào được công khai cho thấy công chức, quan chức Việt Nam là nghề có thu nhập cao. Cụ thể như lương "kịch trần" của chuyên viên cao cấp trong các ngành đòi hỏi trình độ và sự minh bạch cao như kiểm toán, thanh tra chỉ có 12 triệu đồng một tháng. Đây còn là nhóm ngành có lương cao nhất theo bảng lương cán bộ, công chức được áp dụng kể từ tháng 7/2020. Hãy khoan nói chuyện họ có thật sự giàu hay không, trước hết họ cũng là con người, làm một công việc nuôi bản thân và gia đình. Nhưng nếu bảng lương công khai của họ quá ít ỏi thì làm sao các cán bộ ấy có thể quên đi lợi ích bản thân mà chuyên tâm "vì dân phục vụ"?
Tôi tin một mức lương cao được công bố đi kèm với minh bạch trách nhiệm sẽ tạo ra tư duy "vì người khác" nhiều hơn trong quan chức, công chức và giữa người với người.
Việt Tâm