Tại họp báo chiều 20/6, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện 4/6 nội dung đã rõ trong đề án cải cách tiền lương, trong đó tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng; tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024).
Với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì sẽ được tăng 300.000 đồng/tháng. Người có mức hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng. Bộ Nội vụ giải thích mức điều chỉnh này giống như năm 2023 khi trợ cấp ưu đãi người có công cao hơn 5,7% mức tăng lương cơ sở.
Từ ngày 1/7, Chính phủ cũng điều chỉnh chuẩn trợ giúp xã hội, tăng 38,9% từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng.
Chính phủ đề nghị cho phép mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương và địa phương nhằm chi cho tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội, chính sách an sinh xã hội và tinh giản biên chế.
Bộ trưởng Trà cho hay quan điểm "làm lương" là làm từng bước theo lộ trình, rõ đến đâu làm đến đấy. Cái gì khó khăn, bất cập thì không được nôn nóng mà cần nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Liên quan tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính 2 tháng trước từng đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tính toán lại mức đề xuất tăng. Bộ này cho rằng nếu tăng nhiều sẽ gấp 2,3 lần nguồn kinh phí được Quốc hội phê duyệt, vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách nhà nước nửa cuối năm 2024.
Hiện cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Từ năm 1995 đến hết 2023, Quốc hội, Chính phủ đã 23 lần điều chỉnh lương hưu. Hiện, mức bình quân của người hưởng lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội là 5,6 triệu đồng/tháng; người hưởng lương hưu từ ngân sách Nhà nước là 4,7 triệu đồng/tháng.