Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 12/7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đồng thời chi trả số tiền chênh lệch tăng thêm của kỳ lĩnh lương tháng 7 ngay trong tháng 8. Việc này nhằm đảm bảo chế độ, chính sách cho người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hàng tháng.
Theo Nghị định 42, từ ngày 1/7 lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng tăng lên 12,5-20,8% so với mức hiện hưởng, tùy từng nhóm. Tuy nhiên, nghị định tới ngày 14/8 mới có hiệu lực. Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn đang lấy ý kiến, tới ngày 7/8 mới hết hạn.
Vì thế 3,4 triệu người về hưu, hưởng trợ cấp BHXH chưa nhận được tiền lương tăng thêm. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sau đó thông báo chi trả theo mức cũ trong kỳ lương hưu tháng 7-8. Đến tháng 9, người về hưu sẽ được truy trả toàn bộ phần tăng thêm của hai tháng này.
Việc Nghị quyết 69 của Quốc hội về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp được thông qua từ tháng 11/2022, đến tháng 7/2023 các cơ quan vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn để chi trả mức lương mới khiến nhiều người về hưu lo lắng, gọi điện đến các cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương thắc mắc.
Luật sư Phạm Thanh Hữu (Đoàn luật sư TP HCM) nói việc để người về hưu chậm nhận phần lương tăng thêm cho thấy sự chậm trễ của cơ quan chuyên môn trong quá trình xây dựng văn bản, từ lấy ý kiến, thẩm định cho đến trình ký ban hành. Các cơ quan cần rút kinh nghiệm để văn bản được ban hành sớm và thực hiện đồng bộ, tránh đợi nghị định ban hành mà thông tư hướng dẫn vẫn chưa lấy ý kiến xong hoặc mới xây dựng dự thảo.