Năm nay 27 tuổi, chị Hiền trọ ở quận 7 (TP HCM) chung với một người bạn cùng quê nên tiền phòng trọ, điện nước chỉ mất một triệu đồng. Quãng đường tới công ty Đài Loan nằm trong khu chế xuất, quận 7 chỉ cách nơi ở 2 km nên chị thường xuyên di chuyển bằng xe đạp, nhờ vậy, chi phí đi lại mỗi tháng có 150.000 đồng. Khoản ăn uống cũng được chị tiết kiệm tối đa bằng cách tự nấu và mang vào văn phòng, do đó tiền chợ cho cả 4 tuần khoảng 2 triệu đồng, thay vì 2,4 triệu như các đồng nghiệp khác.
"2 phòng ở sát nhau cùng góp tiền nấu ăn chung nên mỗi tháng, một người chỉ mất 2 triệu đồng tiền ăn", chị cho hay.
Những khoản chi cần thiết như vật dụng cá nhân, card điện thoại ở mức 400.000 đồng. Do đó, cô nhân viên văn phòng vẫn dư hơn 50% lương hàng tháng, tương đương gần 4 triệu đồng, đủ tiền mua một chỉ vàng cất trữ.
"Một năm tôi mua sắm quần áo một lần, bởi công ty quy định mặc đồng phục nên cũng chẳng sắm sửa gì nhiều. Tiền dư hàng tháng tôi gửi về quê cho mẹ mua vàng hoặc tích cóp gửi tiết kiệm", chị hào hứng chia sẻ.
Chưa lập gia đình nên với thu nhập 9,5 triệu đồng một tháng, anh Đăng, 34 tuổi, ở quận Bình Thạnh tích lũy 4 triệu đồng. "Trước đây, khi giá vàng trên 4 triệu mỗi chỉ, khoản tiền nhàn rỗi trong tháng chưa đủ mua vàng nhưng giờ đây, số tiền dư này đã có thể rinh về một chỉ làm của để dành phòng khi đau ốm hoặc những trường hợp đột xuất", anh kể.
Kinh nghiệm giữ tiền nhàn rỗi của anh là phải mua vàng ngay hoặc chuyển hẳn sang một tài khoản khác và không quan tâm tới nó. Bởi nếu để tiền rủng rỉnh trong túi hoặc vẫn giữ trong tài khoản mà công ty chuyển lương, thế nào anh cũng thâm lạm và chẳng còn dư bao nhiêu.
Không tằn tiện quá mức, theo anh Đăng, cuộc sống độc thân với gã trai hơn 30 như anh vẫn đảm bảo đủ về vật chất lẫn tinh thần với mức chi tiêu 5,5 triệu đồng trong tháng. Anh sống một mình trong căn phòng trọ ở đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức hết 1,7 triệu đồng, gồm cả chi phí điện nước. Xăng xe, cước Internet, sinh hoạt cá nhân 1,4 triệu đồng, ăn uống 2,4 triệu đồng. Thỉnh thoảng anh tổ chức nấu nướng tại nhà để vui vẻ cùng bạn bè nên không tiêu tốn nhiều như khi kéo ra quán xá.
Anh dự kiến sắp tới sẽ tìm chỗ dạy Tiếng Anh ở gần nhà để tiết kiệm tiền xăng hơn nữa và hạn chế ăn ngoài. "Tôi đang cố gắng tích lũy để cùng vợ sắp cưới mở tiệm kinh doanh nhỏ kiếm thêm thu nhập", anh chia sẻ.
Huân, 29 tuổi, nhân viên công ty truyền thông ở quận 7 quyết định mua ngay chỉ vàng, sau khi nhận lương hôm cuối tháng 6, dù thu nhập xấp xỉ 10 triệu đồng. Hàng tháng, tiền thuê nhà của anh khoảng 2,7 triệu đồng, gồm cả điện nước. Theo Huân, các chi phí thiết yếu gần như cố định trong tháng như: xăng xe 400.000 đồng, Internet 50.000 đồng, tiền ăn 3 triệu đồng, mua vật dụng linh tinh 100.000 đồng. Huân tâm sự dù có sở thích du lịch nhưng nếu tháng nào cũng vi vu sẽ bị hụt khoản tiền dành dụm nên anh chỉ làm một chuyến đi chơi vào cuối năm tầm 4 triệu đồng.
Anh dự định có thể giảm khoản ăn uống bên ngoài, bớt la cà cùng bạn bè để vừa tiết kiệm chi tiêu vừa không lo lắng về chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Còn chị Hậu, 26 tuổi, là viên chức tại một công ty nhà nước ở quận 4 cho biết, chi phí nặng nhất là sinh nhật, đám cưới, tán gẫu với bạn bè vào mỗi cuối tuần ngốn hết 2 triệu đồng mỗi tháng. Dù ở chung với bố mẹ nhưng chị vẫn góp một triệu đồng, và chỉ mất 600.000 đồng hàng tháng cho ăn trưa. Ngoài ra, nhờ cơ quan cấp phiếu xăng 15 lít mỗi tháng nên chị tiết kiệm đáng kể khoản chi cho đi lại.
Tự nhận mình là người ít sắm sửa quần áo, mỹ phẩm, nhưng chị vẫn dành 300.000 đồng mỗi tháng cho khoản này và 100.000 đồng cho card điện thoại. Chị cũng thường nhận làm thêm sổ sách kế toán ở ngoài, hàng tháng có thể kiếm trung bình 2-3 triệu đồng, nhờ thế mỗi tháng vẫn có thể “bỏ ống” được 4 triệu đồng.
Ông Đỗ Thanh Năm, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win – Win cho biết, lương dưới 10 triệu đồng một tháng hoàn toàn có khả năng dư dả để mua vàng tích lũy, có thể vài phân tới 1 chỉ. Theo ông, có những người lao động thu nhập chỉ 8 triệu đồng nhưng vẫn dành ra được một nửa lương tháng để gửi tiết kiệm hay sắm vàng. Điều này không khó với những ai biết dè sẻn, lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng và nỗ lực thực hiện.
Tuy nhiên, ông Năm cho rằng, người lao động không nên sống quá khắc khổ chỉ với mục đích dành dụm mà thỉnh thoảng cũng phải đi "đổi gió", giải trí với bạn bè. Bởi có nhiều cách thư giãn mà không mất nhiều tiền, chứ không phải nói tới chuyện đi du lịch, dã ngoại là tốn tiền triệu.
Ông đề xuất các doanh nghiệp cần trích ra ngân sách để tạo điều kiện và khuyến khích nhân viên đi chơi, giải trí, vì khi tâm trạng thoải mái, hiệu quả công việc sẽ được nâng cao. Khi đó, công ty được lợi nhiều hơn so với khoản phí bỏ ra cho mọi người xả stress và tăng độ gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp.
Mai Phương