Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Khánh Vân (34 tuổi, quận 9, TP HCM) về việc nhận ra đã chi tiêu chưa khoa học sau biến cố phải nghỉ việc và vay ngân hàng mua nhà.
Tôi từng là đứa con gái mê mua sắm để thể hiện sự sành điệu. Suốt bốn năm đại học, tôi đi làm gia sư, phục vụ quán ăn để trang trải cuộc sống sinh viên.
Năm 2008, tôi ra trường và phải mất hai năm sống chật vật vì công việc không ổn định. Khi có thu nhập 16 triệu/tháng từ công việc làm truyền thông và viết bài cộng tác, tôi nghĩ, mình phải biết hưởng thụ để bù đắp cho những khó khăn trước đây. Mỗi tháng tôi gửi bố mẹ ở quê 2 triệu phụ nuôi em trai học. Số còn lại, ngoài thuê nhà, ăn uống, tôi tiêu hết vào quần áo, giày dép, son phấn, túi xách, du lịch, la cà quán xá, đồ điện tử...
Tháng nào tôi cũng đi mua đồ và chỉ chọn các mặt hàng tốt. Có những món, mua về rất ít khi dùng đến nhưng tôi vẫn chi tiền chỉ để bổ sung vào bộ sưu tập đủ màu sắc, kiểu dáng. 30 tuổi, nhìn bề ngoài tôi đi xe tay ga, mặc đồ đẹp, nhưng có tháng phải vay tiền bạn tiêu, dù thu nhập không thấp.

Ảnh: colourbox.
Năm 2014, tôi lập gia đình. Chồng tôi khác vợ, anh biết chi tiêu, quản lý tiền và tiết kiệm. Hai chúng tôi thỏa thuận, lương anh để dành, dự tính mua nhà. Còn của tôi thì ăn uống, chi tiêu. Nhiều lần được chồng nhắc khéo, tôi vẫn giữ thói tiêu hoang.
Hai năm sau đám cưới tôi hạnh phúc khi biết mình có em bé. Thai ở tháng thứ ba thì có dấu hiệu dọa sẩy. Bác sĩ khuyến cáo tôi phải thật cẩn thận mới giữ được em bé. Phải ở nhà để chồng lo kinh tế, hầu như không còn tiền dự trữ, bấy giờ tôi mới áy náy và thấy tiếc vì trước đây không biết để dành tiền.
Thời điểm đó, Sài Gòn đang trong cơn sốt đất. Một người bạn giới thiệu, có miếng đất rộng 52m2, giá 1,3 tỷ, ở Phú Hữu, quận 9. Chỉ mới tiết kiệm được 500 triệu nhưng chúng tôi liều mua, vì e ngại giá nhà đất sẽ tiếp tục tăng.
Được người thân hỗ trợ 100 triệu, chúng tôi thế chấp chính miếng đất sẽ mua vay ngân hàng 800 triệu (dự tính trả trong vòng 5 năm) đi làm hợp đồng mua nhà. Để con có không gian chơi và giảm bớt tiền thuê trọ hàng tháng, chúng tôi xây nhà cấp bốn ngay.
Là kỹ sư xây dựng, chồng tôi tự thiết kế, chọn mua vật liệu, đi đường điện nước. Bố tôi vào giúp hai vợ chồng xây nhà và biếu luôn khoản tiền công. Tiền xây nhà hết 150 triệu, tôi phải vay thêm bạn bè 60 triệu bù vào. Toàn bộ đồ gia dụng chúng tôi đã mua hết lúc ở trọ, vì thế chỉ dọn vào nhà mới ở.
Con sáu tháng tuổi, tôi đi làm trở lại với lương 15 triệu. Vì muốn mình phải cố gắng và học được cách chi tiêu hợp lý, tôi để chồng gánh phần trả ngân hàng, còn lương tôi thì trả khoản vay ngoài (7 triệu/tháng), còn lại 8 triệu lo chi phí sinh hoạt, con ăn học. Để thực hiện, tôi cai dần tính thích gì mua đó, bằng cách cứ đến kỳ lương là mang trả nợ, mua tã, sữa, đóng học cho con luôn và không mang tiền nhiều khi đi ra ngoài.
Sau sinh, tôi nhanh chóng lấy lại vóc dáng, vì thế, toàn bộ quần áo mua thời con gái đã được tận dụng. Đồ ăn, tôi chỉ mua vừa đủ. Việc tìm niềm vui bằng cách la cà quán xá, đi du lịch không còn nữa. Thay vào đó, tôi tích cực nấu ăn ở nhà. Cuối tuần, ngày nghỉ lễ, gia đình tôi cùng nhau đi cà phê, về ngoại (nhà ngoại cách 150km) chơi.
Để tiết kiệm hơn, mỗi sáng tôi dậy sớm nấu cơm để hai vợ chồng mang đi làm. Số tiền được thưởng cuối năm, vào các dịp lễ, vợ chồng tôi mang trả nợ, dành một ít mở tài khoản tiết kiệm phòng lúc cần thiết. Tuy nhiên, lâu lâu tôi vẫn tự thưởng cho mình và chồng con một món đồ hay một bữa ăn bên ngoài bằng tiền làm thêm được. Hoặc năm rồi, công ty chồng tổ chức cho nhân viên đi du lịch, chúng tôi đăng ký cho cả nhà đi để thay đổi không khí.
Hơn một năm qua, vón vén chi tiêu chỉ với 8 triệu/tháng, tôi phải thắt đầu này buộc đầu kia, nhưng đổi lại, tôi nhận ra, phải để dành tiền trang trải cho lúc gặp khó khăn, những điều bắt trắc. Với quần áo, giày dép... thì chỉ cần hợp với mình và an toàn là được.
Hiện tôi đã trả xong khoản nợ vay bạn và đang góp để trả khoản đã vay của người thân.
Công thức chia thu nhập vào 6 chiếc lọ khuyên mỗi người nên dành 10% thu nhập cho tiết kiệm để tự do tài chính (đầu tư sinh lời) và 10% cho tiết kiệm dài hạn.
Còn công thức quản lý tiền của chuyên gia phát triển con người Tony Robbins khuyên rằng, khi kiếm một khoản tiền, bạn nên chia vào 2 quỹ Tiêu dùng và Đầu tư. Ông không quy định mỗi quỹ là bao nhiêu %, nhưng tỷ lệ đó nên là một con số cố định. Khoản Đầu tư lại chia làm ba phần:
1. Đầu tư rủi ro, đó là những khoản có nguy cơ thất bại nhưng cũng có thể mang lại lãi suất cao, ví dụ đầu tư chứng khoán.
2. Đầu tư an toàn, có thể là trái phiếu chính phủ, gửi ngân hàng...
3. Ước mơ, dùng tiền cho những thứ mà bạn mơ ước như ô tô, mua nhà, điện thoại... những khoản chi tiêu đắt tiền.
Thảo Nguyên (ghi)