Lương Đình Dũng bắt đầu viết thơ, truyện từ năm 1985, cần mẫn hơn 10 năm, đến năm 1996, truyện ngắn đầu tiên Người bán củi dở hơi của anh mới được đăng báo. Trước khi đỗ Đại học Sân khấu Điện ảnh, anh từng lăn lộn từ Nam ra Bắc, làm đủ thứ nghề từ đào vàng, đào đá đỏ, đi buôn, mở lò dạy võ đến thợ rèn, phụ xe, thợ cơ khí, công nhân bốc xếp… Sự va đập với cuộc sống khiến chàng trai gốc Nam Định có vốn lận lưng khá dầy là những câu chuyện, những số phận, sự từng trải và am hiểu để bước chân vào nghệ thuật.
“Con hãy đi về phía mặt trời” của Lương Đình Dũng ra mắt cuối năm 2012 gồm 58 bài thơ và 24 truyện ngắn. Những sáng tác của Lương Đình Dũng đều xuất phát từ những kỷ niệm, đầy ắp hình ảnh gần gũi, chân chất và mộc mạc. “Tôi không thể nhớ tất cả lý do hay cảm hứng của từng câu chuyện và mỗi bài thơ nhưng chuyện nào, bài thơ nào cũng gần gũi với tôi. Có thể nó không gắn với những gì quá sâu sắc nhưng là những khoảnh khắc đáng nhớ của mình” - vị đạo diễn sinh năm 1973 chia sẻ.
Chọn “Con hãy đi về phía mặt trời” đặt cho tập thơ, truyện ngắn, Lương Đình Dũng giải thích cái tên này chứa đựng những điều rất lớn của người Cha muốn nói với con. Con hãy đi về phía mặt trời còn là một câu chuyện đặc biệt với anh. Là người nặng tình cảm gia đình nên một tác phẩm khác mà Lương Đình Dũng mỗi lần đọc lại đều xúc động khôn nguôi là truyện ngắn Bán chị tôi. “Tôi viết nó trong đúng một đêm, nhưng ấn tượng buồn và xót xa của nhân vật để lại trong tôi khá sâu đậm” - anh tâm sự.
Mỗi tác phẩm trong tập truyện thơ đều ẩn chứa một thông điệp nhưng theo tác giả, nhiều nhất chính là thông điệp tha thứ. “Khi được tha thứ mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Các nhân vật của tôi, khi nhận được sự tha thứ sau mỗi lỗi lầm, họ trỗi dậy bản năng hướng thiện”.
Lần đầu xuất bản một nghìn cuốn “Con hãy đi về phía mặt trời”, Lương Đình Dũng không ngờ trong một thời gian ngắn tập truyện thơ này đã nhận được khá nhiều tình cảm của khán giả. Bởi vậy một người bạn của anh đã đề nghị hỗ trợ in tái bản hai nghìn cuốn nữa. Các tác phẩm trong tập truyện thơ được viết từ lâu nhưng Lương Đình Dũng chủ trương không sửa lại bất cứ chi tiết nào để giữ lại nguyên sự hồn nhiên, mộc mạc.
Nhiều người đọc phản hồi với Lương Đình Dũng các tác phẩm của anh đọc rất dễ hình dung bằng hình ảnh. Việc đưa ngôn ngữ điện ảnh vào truyện, thơ theo Lương Đình Dũng không phải một sự cố tình mà là “nhiễm bản năng nghề nghiệp”. Tuy vậy, trong số 24 truyện ngắn, anh chỉ mới chuyển thể Gõ cửa lần thứ 29 thành kịch bản nhưng chưa có dự định làm phim từ truyện này vì đang bận với dự án phim Cha cõng con.
Sau khi hoàn thành bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của mình và được biên kịch nổi tiếng Hollywood Pilar Alessandra biên tập, Lương Đình Dũng dự định xuất bản một một tiểu thuyết và một tập truyện ngắn nữa mà anh đã viết từ năm 1997.
Huy Phạm