- Ra rạp từ tháng 4, tình hình doanh thu tác phẩm điện ảnh đầu tay của anh hiện tại thế nào?
- Cha cõng con là một cuộc chơi không đặt nặng doanh thu. Trên thực tế, khi làm phim này tôi đã chấp nhận khó khăn, nhưng doanh thu phim vượt xa kỳ vọng của tôi và dự đoán của nhiều người.
Khi gặp khó khăn phát hành, tôi mong sao chỉ cần ra rạp một tuần nhưng đến nay, tổng thời gian trụ rạp lên đến 37 ngày. Sắp tới, tác phẩm sẽ được chiếu lại ở một số rạp trên toàn quốc và chúng tôi đang liên hệ phát hành phim ra nước ngoài cũng như kỳ vọng bán bản quyền. Dù chưa thể xác định được doanh thu hiện tại, chúng tôi bắt đầu đưa ra kỳ vọng cứ đà này, tổng doanh của phim sẽ vượt mức 13 tỷ.
* Phim "Cha cõng con" có hình ảnh đẹp mắt
- Với kinh phí 18 tỷ đồng, tác phẩm được coi là lỗ. Vậy anh thu được gì từ dự án này?
- Đầu tư gần 10 năm thực hiện, Cha cõng con khiến tôi hài lòng về mọi mặt, cho tôi nhiều bạn bè làm phim quốc tế và quan trọng nhất là các đối tác - những người tiếp tục đặt niềm tin và khuyến khích tôi làm phim mới.
Nhiều đạo diễn phim nghệ thuật không quan tâm đến việc quảng bá tác phẩm để chiếu rạp. Tôi chọn hướng khác là vừa gửi phim đi thi, vừa chiếu rộng rãi ở Việt Nam để có nhiều người xem và đồng cảm.
- Anh từng gây sốc khi trả bằng khen Cánh Diều Vàng hồi tháng 4. Sau thời gian nhìn lại, anh thấy hành động đó như thế nào?
- Tôi hành động không phải để gây chú ý dư luận, mà chỉ vì thấy mình không phù hợp với giải. Lúc về nhà, tôi cũng hơi lo lắng không biết có bị “khó khăn” ở Cánh Diều Vàng về sau không (cười). Tuy nhiên, tôi nghĩ có lẽ mọi chuyện đã qua thì không ai để tâm đến nữa. Có khi, năm sau ban giám khảo sẽ thay đổi quan điểm chấm giải, nếu có phim tôi vẫn có thể tham gia.
Thế giới bây giờ rất “phẳng” khiến việc tiếp cận các liên hoan nước ngoài không khó khăn. Nó tạo cơ hội tốt hơn cho các nhà làm phim khẳng định mình. Theo tôi, chất lượng thật sự của một tác phẩm điện ảnh sẽ tồn tại theo thời gian. Khán giả Việt Nam giờ đã tiếp cận nhiều phim nước ngoài, họ thừa sức đánh giá được sự hay dở của phim.
- Theo anh, dòng phim nghệ thuật Việt Nam cần gì để phát triển?
- Tôi nghĩ thế hệ trước đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của họ là làm phim phục vụ lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh của dân tộc. Lớp trẻ thì chưa hoàn thành nhiệm vụ tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao để quảng bá đời sống văn hóa dân tộc. Các nhà làm phim bây giờ có điều kiện, tiếp cận công nghệ hiện đại nhiều hơn, nhưng nước ta chưa có phong trào làm phim nghệ thuật mạnh mẽ nên có sự thiệt thòi.
Tôi không cho rằng vấn đề do kiểm duyệt, vì cơ chế ở Việt Nam thật ra khá thoáng trong việc làm phim. Ở các quốc gia khó khăn như Iran, họ vẫn làm được phim gây tiếng vang. Điều tôi trông chờ là những chính sách của Nhà nước để hỗ trợ vốn cho giới làm phim nghệ thuật. Nhìn chung, đơn vị tư nhân làm đến phim thứ ba mà vẫn lỗ thì khó tiếp tục cuộc chơi.
- Dự án mới của anh - "Thành phố ngủ gật" - sẽ xoay quanh chủ đề gì?
- Tác phẩm được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tôi, có nhân vật chính làm nghề mổ gà thuê, sau đó mọi chuyện rắc rối khi có ba gã đàn ông đến lẩn trốn trong ngõ. Dù mang tên như vậy nhưng phim không ám chỉ hiện trạng xã hội mà chỉ xoay quanh số phận một vài con người.
Chủ đề tác phẩm là sự bùng nổ của những người tưởng chừng rất bình thường, còn phong cách sẽ ngược hẳn so với Cha cõng con, nhấn mạnh vào màu sắc hình ảnh. Tôi đặt mục tiêu chính cho dự án mới là hướng đến các liên hoan quốc tế, chinh phục các giám khảo khó tính nhất. Tác phẩm cũng sẽ phát hành rộng rãi trong nước, không đánh đố nhưng hơi “bức bách” người xem.
- Anh lấy kinh phí từ đâu để làm phim mới?
- Thành phố ngủ gật có kinh phí chưa bằng một phần mười Cha cõng con nên dễ xin tài trợ và không sợ lỗ (cười). Nguyên nhân là phim chỉ quay ở thành phố và dùng ánh sáng tự nhiên. Cũng như phim trước, nội dung cần tính chân thật, giản dị. Tôi không cần diễn viên nổi tiếng nên cũng tiết kiệm được kinh phí.
- Phong cách điện ảnh của Lương Đình Dũng được định nghĩa thế nào?
- Từ khi học điện ảnh, tôi đã thuộc dạng “cứng đầu”, thích chọn con đường riêng trong nghệ thuật nên rất khó gọi tên phong cách của tôi. Tôi không bắt chước đạo diễn nào, thậm chí khi thực hiện dự án mới còn tránh xem những phim nổi tiếng cùng thể loại. Có người nhận xét cách kể chuyện của tôi khá lạ, khó phù hợp số đông, nhưng có lẽ tôi vẫn tiếp tục con đường riêng của mình.
Lương Đình Dũng sinh năm 1973, là nhà văn, biên kịch và đạo diễn phim. Năm 2017, phim Cha cõng con của anh gây chú ý tại một số liên hoan phim quốc tế. Ở LHP Tallinn Black Nights - một trong 15 liên hoan phim lớn nhất thế giới, tác phẩm được lựa chọn vào vòng cạnh tranh chính thức. Tuy nhiên, ở Cánh Diều Vàng 2016, phim chỉ nhận bằng khen "Phim truyện xuất sắc" (tương đương giải ba). Trong buổi trao giải ngày 9/4, đạo diễn đã trả lại giải thưởng vì thấy không công bằng. |
Ân Nguyễn