Tôi năm nay 30 tuổi, đang là nhân viên văn phòng, lương khoảng 25 triệu đồng mỗi tháng. Tôi đã mua bảo hiểm nhân thọ, đóng 24 triệu đồng mỗi năm.
Gần đây, bạn môi giới có giới thiệu tôi về bảo hiểm sức khỏe với quyền lợi chi trả phí khám chữa bệnh, nằm viện hoặc có tai nạn nghiêm trọng. Mức phí dao động 3,5-5 triệu đồng mỗi năm.
Tôi vẫn phân vân có nên mua không, trong khi bản thân còn trẻ, sức khỏe vẫn tốt. Nhờ chuyên gia cho tôi lời khuyên.
Thoại
Chuyên gia tư vấn:
Chào bạn Thoại, thắc mắc của bạn cũng là thắc mắc chung của nhiều người về việc một người tạo ra thu nhập nên sở hữu những loại bảo hiểm nào. Tôi sẽ giải đáp thắc mắc trên như sau.
Đầu tiên, nhất thiết phải sở hữu bảo hiểm y tế. Nếu chưa có, bạn nên mua trong thời gian sớm nhất. Nếu có rồi, đây là bảo hiểm bạn nhất thiết phải giữ, mặc dù chi phí bảo hiểm y tế sẽ tăng lên 972.000 đồng mỗi năm từ ngày 1/7 tới đây cho người thứ nhất trong gia đình mua bảo hiểm. Người thứ hai, thứ ba và thứ tư lần lượt đóng bằng 70%, 60% và 50% mức phí của người thứ nhất. Lý do tăng phí là mức đóng bảo hiểm y tế được quy định bằng 4,5% mức lương cơ sở. Từ ngày 1/7, Việt Nam sẽ tăng cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng mỗi tháng. Do đó, mức đóng phí bảo hiểm y tế cũng tăng theo.
Chúng ta đang có hệ thống bảo hiểm toàn dân rất tốt so với thu nhập và chi phí sinh hoạt. Điều kiện duy nhất là thời gian chờ 30 ngày (thời gian chưa được bảo hiểm kể từ ngày mua), không phân biệt tình trạng sức khỏe, bệnh tồn tại trước đây hay tuổi tác quá cao. Nếu so sánh với các nước, để được hưởng bảo hiểm y tế tương tự, người dân sẽ phải đóng phí với tỷ lệ khá cao so với thu nhập. Nếu so với mức thu nhập 25 triệu đồng mỗi tháng của bạn, bảo hiểm y tế chỉ chiếm 0,32% thu nhập, trong khi ở các nước có thể mất 10 lần con số trên hoặc hơn.
Tiếp theo, hiểu về rủi ro và cách đối phó với các loại rủi ro. Các loại rủi ro về tài sản và con người có thể phân chia theo hai tiêu chí: tần suất xuất hiện và mức độ ảnh hưởng. Từ đó, chúng ta có thể phân loại thành bốn nhóm rủi ro.
Nhóm thứ nhất, rủi ro có tần suất thấp, ảnh hưởng ít. Đây là những rủi ro ít khi xảy ra và nếu có cũng không có hậu quả lớn, nên có thể chấp nhận được. Ví dụ, bạn bị bỏ quên hay đánh rơi đồ với giá trị vài chục nghìn cho đến vài trăm nghìn đồng.
Nhóm thứ hai, rủi ro có tần suất cao, ảnh hưởng ít. Ví dụ, trong năm có đôi lần chúng ta lại bị bệnh vặt, nhẹ thì nghỉ ngơi sẽ khỏi, nặng thì nằm viện vài ngày. Với loại rủi ro này, chúng ta nên tìm cách giảm thiểu.
Nhóm thứ ba, những sự kiện có thể gọi là "thiên nga đen" đối với mỗi cá nhân hoặc gia đình, tuy khả năng xảy ra rất thấp, nhưng mức độ ảnh hưởng lớn, hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đây là những rủi ro tử vong, tai nạn, bệnh hiểm nghèo với thiệt hại tài chính tính bằng thu nhập của nhiều năm, hoặc bằng phần lớn cho đến toàn bộ tài sản. Cách đối phó với nhóm rủi ro này là chuyển giao rủi ro cho bên thứ ba, tức mua bảo hiểm.
Ngoài ra nhóm thứ tư là rủi ro có tần suất cao, ảnh hưởng lớn. Ví dụ, chúng ta đầu tư toàn bộ tài sản vào một thương vụ kinh doanh nào đó hay khi thực hiện các công việc nguy hiểm như nhảy dù, leo núi... Cách quản trị chỉ có thể là tránh né các rủi ro này.
Như vậy, sau khi đã có bảo hiểm y tế, bạn nên quản trị rủi ro bằng cách mua bảo hiểm cho các sự kiện tử vong, tai nạn, bệnh hiểm nghèo. Theo thông tin được chia sẻ, bạn đã có bảo hiểm nhân thọ và đang đóng phí ở mức 24 triệu đồng, tương đương với 8% thu nhập năm. Mặc dù không được biết cụ thể hơn về quyền lợi bảo hiểm, nhưng xét về tỷ lệ thu nhập dành để mua bảo hiểm, đây là mức rất hợp lý.
Vậy có bảo hiểm nhân thọ rồi có nên mua thêm bảo hiểm sức khỏe? Với thu nhập 25 triệu đồng một tháng, nếu không có người phụ thuộc hoặc chỉ có một người, bạn có thể tiết kiệm được 20% thu nhập, khoảng 5 triệu đồng. Hiện bạn đã dùng 2 triệu để mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế và còn khoảng 3 triệu đồng. Nếu mua thêm bảo hiểm sức khỏe bạn có thể phải chi thêm 300.000-400.000 đồng mỗi tháng cho khoản này. Đổi lại, nếu phải nằm viện bạn có thể chọn điều trị tại các bệnh viện có điều kiện giường, phòng tốt hơn và chi phí cũng cao hơn.
Thay vì nghĩ có nên thêm mua bảo hiểm sức khỏe hay không, bạn có thể tự hỏi bản thân: Nếu không chi cho bảo hiểm sức khỏe, bạn sẽ dùng số tiền này vào việc gì và việc đó có ý nghĩa với bạn ở mức độ nào? Chúng ta gọi điều này là chi phí cơ hội.
Nếu chi phí cơ hội lớn, nghĩa là số tiền này được dùng vào những việc quan trọng và có ý nghĩa, bạn có thể cân nhắc tạm hoãn mua bảo hiểm sức khỏe. Bạn đang 30 tuổi, chưa phải là tuổi đạt độ chín muồi trong nghề nghiệp (thường ở tuổi 35) và vẫn có khả năng tăng thu nhập trong những năm sắp tới, khoản này có thể hoãn mua 2-3 năm đến khi có mức thu nhập cao hơn.
Nhưng nếu chi phí cơ hội thấp, nghĩa là bạn sẽ tiêu số tiền này để đầu tư những tài sản mà bản thân chưa thật sự hiểu rõ hoặc là sẽ chi tiêu mua sắm trên mức cơ bản để đáp ứng những nhu cầu ngắn hạn trước mắt. Vậy nên chăng dùng số tiền này ưu tiên sở hữu thêm bảo hiểm sức khỏe ngay tại thời gian này?
Nguyễn Thu Giang
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT