Tôi làm nghề kinh doanh tự do nên những các khoản chi tiêu trong nhà, tôi thường ghi rất chi tiết. Đối với gia đình tôi, gồm 2 vợ chồng và một em bé (một tuổi), trung bình mỗi tháng phải chi tiêu các khoản cố định mất hơn 8,3 triệu đồng.
Cụ thể: Tiền nhà 1,7 triệu đồng/tháng, các khoản chi tiêu cố định khác gồm: Tiền điện, nước, internet, điện thoại của hai vợ chồng là hơn 1,4 triệu đồng/tháng, tiền gửi trẻ 1,8 triệu đồng/tháng. Còn tiền sữa, tiền ăn của hai vợ chồng và con, cộng với tiền thuốc uống trung bình là 3,4 triệu đồng/tháng (gia đình ở ven nội thành nên khoản chi phí này thấp).
Đó là tôi chưa tính các khoản chi tiêu bất thường khác như: tiền khám bệnh của bé, tiền đi lại bệnh viện (do phải sử dụng taxi vì em bé còn nhỏ không thể đi bằng xe máy), tiền cỗ bàn cưới xin, tiền về quê thăm bố mẹ… Tôi tính nhẩm khoản này trung bình nhà tôi mất khoảng 3,8 triệu đồng/tháng (khoản này có thể xê dịch tháng nhiều, tháng ít).
Như vậy tổng mỗi tháng gia đình tôi phải chi tiêu các khoản mất gần 12 triệu đồng. Do con còn nhỏ nên chỉ có tôi làm việc (gần 2 năm nay), còn vợ tôi phải chăm sóc con nên không thể đi làm việc được.
Vậy nên, khi đọc xong bài viết “Lương dưới 10 triệu đồng vẫn dư tiền mua vàng tích lũy” tôi thật sự ngỡ ngàng và khâm phục các bạn có thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng mà có thể tích lũy được tiền để mua một chỉ vàng.
Có lẽ các bạn chẳng bao giờ phải sắm sửa gì cả. Tôi ví dụ như các thiết bị thiết yếu trong gia đình như nồi cơm, máy giặt, bình nước nóng, điều hòa, loa đài, ti vi, hay thậm chí vài cái chăn, bàn ghế ...
Còn tôi mỗi tháng thu nhập cũng tầm 15 đến hơn 20 triệu đồng/tháng. Thế mà gia đình tôi cũng chẳng có dư thì nghĩ sao đến chuyện mua vàng tích trữ. Bởi tháng nào cũng phát sinh các khoản chi trong nhà…
>> Xem thêm: Lương 5 triệu nhưng tôi tiết kiệm 1 triệu mua vàng
Tuannv
Chia sẻ bài viết của bạn về cách chi tiêu của bạn tại đây.