Sau khi đọc xong hai bài “Lương 5.000 đôla chỉ tiêu 3 triệu một tháng”, “Lương 150 triệu nhưng chỉ tiêu 3 triệu đồng tiền ăn”, tôi thấy hai tác giả như đang đề cao sự tiết kiệm một cách thái quá.
Mặc dù cũng có nhiều người đồng tình về cách chi tiêu này của các bạn, nhưng cá nhân tôi thì tôi hoàn toàn không đồng ý. Vì các bạn cũng đã thấy tình hình kinh tế đất nước chúng ta gần đây ngày càng khó khăn là vì sao? Có rất nhiều lý do, tôi không phải là nhà kinh tế học nên tôi không thể liệt kê tất cả những nguyên nhân, nhưng tôi biết chắc chắn một trong những nguyên nhân đó là sức mua trên thị trường.
Nếu các bạn làm ít tiền thì tiết kiệm là điều nên làm, nhưng các bạn làm ra tiền nhiều như thế mà không tiêu xài thì sẽ tốt cho bạn nhưng sẽ làm hại cho sự phát triển kinh tế xã hội. Vì sức mua thị trường sẽ giảm sút, dẫn đến sản xuất bị đình đốn.
Thử nghĩ nếu tất cả chúng ta chỉ biết ôm tiền mà không tiêu xài, chỉ ăn cơm bình dân, uống trà đá, ở nhà trọ, đi xe đạp, xem tivi , xài di động đời cũ… thì hàng loạt nhà hàng, xí nghiệp, công ty… sẽ đóng cửa, công nhân sẽ thất nghiệp và chính các bạn cũng sẽ mất việc hoặc lương của bạn sẽ không còn cao ngất ngưởng như vậy nữa.
Chẳng ví dụ đâu xa, trước mắt chúng ta hiện nay là ít người mua nhà dẫn đến hàng loạt Công ty bất động sản đang phá sản hoặc thu hẹp kinh doanh. Theo đó là hàng ngàn công ty, xí nghiệp ăn theo như sắt thép ,vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, thiết bị gia dụng… cũng theo đó mà bị điêu đứng, nhiều nhân viên đã bị sa thải.
Còn ngành ăn uống, giải trí và du lịch sẽ ra sao nếu cũng không ai sử dụng các dịch vụ này? Còn bao nhiêu các ngành ăn theo khác như: vận tải, chăn nuôi, trồng trọt, thủ công mỹ nghệ… sẽ như thế nào nếu tất cả đều chỉ tiêu xài 2-3 triệu đồng một tháng?
Do đó, tôi nghĩ tiết kiệm là đúng nhưng nếu các bạn làm ra nhiều tiền thì cũng nên hưởng thụ một chút như: đi xem ca nhạc, ăn nhà hàng, du lịch, đổi xe, tivi, di động… Một mặt vừa giúp bạn có một cuộc sống sung túc hơn, hợp với công sức mà bạn bỏ ra kiếm tiền, mặt khác vừa kích cầu cho nền kinh tế đất nước phát triển.
Bởi chúng ta có xài thì các doanh nghiệp mới sản xuất, buôn bán được. Có vậy chúng ta mới có công ăn việc làm. Từ đó, tôi muốn các bạn hiểu rằng: “Đồng tiền trong xã hội phải luân chuyển thì xã hội mới phát triển và phồn vinh. Đồng tiền mà “chết” thì xã hội cũng chết”.
>> Xem thêm: 'Lương 150 triệu mà chỉ tiêu 3 triệu thì thật tội nghiệp'
Nguyễn Hữu Tuấn
Chia sẻ bài viết về chi tiêu, sinh hoạt của bạn tại đây.