![]() |
Một con lươn Moray. |
Đó là lời kể của Redouan Bshary, chuyên gia về hành vi động vật tại Đại học Neuchâtel (Thụy Sỹ). Ông và cộng sự tình cờ chứng kiến hành vi hợp tác săn mồi thú vị nói trên khi lặn xuống biển Đỏ để theo dõi những loài cá chuyên kiếm ăn trong miệng cá ăn thịt.
Redouan Bshary khẳng định rằng đây là bằng chứng đầu tiên về việc phối hợp săn mồi giữa hai loài động vật sống dưới nước khác nhau.
Thân của lươn Moray có thể to như bắp đùi người và chúng có thể dài tới hơn 3 m. Chúng thường nấp trong những khe đá và san hô để rình mồi vào ban đêm. Vì thế, cách tốt nhất để tránh những kẻ săn mồi này là bơi ở vùng nước nông gần mặt biển vào ban ngày.
Trong khi đó, loài cá Grouper (ở Việt Nam gọi là cá mú) thường săn mồi vào ban ngày ở vùng nước nông. Thói quen đó đồng nghĩa với việc, muốn không đụng độ với chúng, con mồi phải trốn trong những rặng san hô hoặc đá ngầm nằm sâu dưới đáy.
Bshary và cộng sự dùng phương pháp lặn ống thở để theo dõi. Họ phát hiện ra rằng, khi con mồi trốn vào khe đá, lũ cá Grouper thường tới những khe đá, nơi những con lươn Moray đang ẩn nấp. Khi cách lươn khoảng 3 cm, chúng lắc đầu rất nhanh để "rủ" lươn cùng săn mồi.
![]() |
Lươn Moray có thể to bằng bắp đùi người. Ảnh: divegallery.com |
Nếu lươn đồng ý và bơi ra khỏi nơi ẩn nấp, cá Grouper sẽ dẫn nó tới khe đá mà con mồi đang lẩn trốn. Đôi khi, cá còn làm động tác "trồng cây chuối" và lắc đầu trước khe đá có mồi để chỉ dẫn cho lươn. Khi con mồi bơi ra khỏi khe đá, nếu lươn không xơi thì cá sẽ làm việc đó, nhưng chẳng mấy khi cả hai con cùng ăn.
Trước đây, người ta chỉ quan sát được hành vi hợp tác săn mồi ở động vật có vú và gia cầm. Ngoài ra, hành vi hợp tác săn mồi ở hai loài khác nhau chỉ xuất hiện giữa người và chó, hoặc giữa người với cá heo, Bshary cho biết.
Các nhà nghiên cứu chưa rõ sự phối hợp săn mồi là hành vi bản năng hay có được qua học hỏi. Bshary phán đoán rằng đó là hành vi do học hỏi mà có. Ông khẳng định rằng hợp tác săn mồi luôn tồn tại ở mức độ nào đó giữa các cá thể ở lươn biển, đặc biệt là loài Moray. Ông và cộng sự sẽ tiếp tục tìm hiểu xem hành vi hợp tác đó có xảy ra ở những nơi khác trong biển Đỏ hay không, hay chỉ xuất hiện ở khu vực mà họ nghiên cứu.
Lươn Moray có hình dạng khá giống cá chình nhưng không có vi ngực, da dày và trơn, xương sọ nhô cao, răng khỏe và sắc. Chúng sống ở vùng san hô cạn và khe đá ngầm. Ban ngày, lươn Moray nấp kín, ban đêm mới đi kiếm mồi. Chúng không tấn công người, nhưng có thể cắn nếu bị kích động. Trong cơ thể của lươn Moray có chất độc ciguatera nên chúng có thể gây ngộ độc cho con người.
Việt Linh (theo LiveScience)