eVăn: Dưới đây là tiểu luận của J.M. Coetzee, nhà văn Nam Phi, giải Nobel Văn chương 2003, về tiểu thuyết Nửa cuộc đời (Half a Life, NXB Knopf, 2002) của V.S.Naipaul, nhà văn Anh gốc Ấn, giải Nobel Văn chương 2001.
Coetzee, J.M. -
Trong khi chờ độc giả của mình, Maugham lên cơn đau, có lẽ là đau tim. Khi Maharshi đến, ông nhận ra rằng nhà văn đã bị mất tiếng (cần lưu ý, Maugham là người mắc tật nói lắp kinh niên). Vị Maharshi an ủi nhà văn rằng "im lặng cũng là đối thoại".
Tin tức về cơn đau này, theo Maugham, đã nhanh chóng truyền khắp Ấn Độ: tương truyền rằng, thông qua năng lượng của vị Maharshi, người hành hương đã được chuyển nhập vào cõi vô hạn. Mặc dù Maugham không có chút ký ức nào về việc hạnh nhập cõi vô hạn này, nhưng sự kiện đó đã để lại dấu ấn trong ông: nhà văn kể lại chuyện này trong tác phẩm Ghi chép của một nhà văn (1949) và Các quan điểm (1958); ông cũng đưa chuyện này vào trong tác phẩm đã khiến ông nổi tiếng ở Hoa Kỳ, đó là cuốn tiểu thuyết Lưỡi dao cạo (The Razor"s Edge, 1944).
Lưỡi dao cạo kể về một người quốc tịch Mỹ, tự trang bị cho mình bằng việc kiếm được một màu da sạm và mặc trang phục của người ấn, đến gặp một "guru" [trưởng lão Hindu -ND] có tên là Shri Ganesha. Trong tay anh ta có một kinh nghiệm tinh thần rất mê ly, "một kinh nghiệm về cái đồng vị mà thần học có được trên toàn thế giới suốt những thế kỷ qua". với sự ban phúc của Shri Ganesha, vị tín đồ tiền-hippie (proto-hippie) này trở về Ilinois, nơi anh ta dự định thực hành tôn chỉ "điềm tĩnh, độ lượng, tình thương, vị tha và tiết dục" trong khi đang lái xe taxi. "Thật sai lầm khi nghĩ rằng những người đàn ông mộ đạo của nước ấn lại dẫn dắt những cuộc đời vô dụng", anh nói. " Họ là tia sáng chiếu rọi trong bóng tối".
Câu chuyện về sự cộng sinh hạnh phúc giữa Venkataraman - người sùng đạo - và Maugham - nhà văn, Venkataman cung cấp cho Maugham một phác thảo đáng ghi nhận về tinh thần duy linh ấn Độ, Maugham cung cấp cho Venkataraman công chúng và chuyến du hành, đã hình thành nên khởi điểm cho cuốn tiểu thuyết mới của V.S.Nailpaul mang tên Nửa cuộc đời (Half a Life).
Liệu Venkataraman trong lịch sử, người phân phát những tri thức uyên thâm, có phải là một kẻ lừa đảo? Đó không phải là điều liên quan đến Naipaul ở đây. Ăn kiêng, sống độc thân, trầm mặc: Vì sao người ta lại tự tiết dục [trong khi] thực hành các tín ngưỡng tôn giáo cơ bản của họ, ở Ấn Độ nói riêng, và cái gì là quan trọng đối với con người? Trong văn bản phóng tác này, theo phong cách tự do, câu chuyện của Somerset Maugham và người đàn ông mộ đạo nọ, chúng [những câu hỏi trên] trở thành một vấn đề để Naipaul khám phá.
Để hiểu câu chuyện, Naipaul gợi ý, chúng ta cần xem xét diễn biến của chủ nghĩa khổ hạnh (asceticism) Ấn Độ. Theo định kỳ đều đặn, các nhà thờ Hindu đã bao cấp cho đời sống của tầng lớp tăng lữ. Thế rồi, do hậu quả của các cuộc xâm lược, trước là người Hồi, sau là người Anh, các nhà thờ này mất đi nguồn sống của chúng. Các tăng lữ rơi vào một vòng luẩn quẩn: cảnh túng quẫn dẫn đến sự yếu đuối và thất vọng, điều này dẫn đến sự thụ động, thụ động khiến đã nghèo lại càng nghèo thêm. Tầng lớp này đứng bên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, thay vì đình chỉ hoạt động của nhà thờ, tầng lớp này lại đi đến một sự xét lại khá khôn khéo các giá trị: việc "tịch cốc" và cơ bản từ chối dục vọng, được tuyên truyền và biểu dương, xứng đáng được ngưỡng mộ và tụng ca. Đó là mô tả duy vật chủ nghĩa nghiêm ngặt của Naipaul về [kiểu] đức hạnh của Bà-la-môn giáo là tiết dục và thuyết định mệnh, cái đức hạnh vốn khinh thường hoạt động kinh doanh cá thể và lao động nặng nhọc, rất thịnh hành ở ấn Độ. Trong tác phẩm của Naipaul, một tín đồ Bà-la-môn tên là Chandran có đủ bản lĩnh thóat ra khỏi hệ thống ấy. Ông gom góp từng đồng cho hành trình tới thành phố lớn gần nhất - thủ phủ của một trong các bang "tự trị" khá tù túng của nước ấn thuộc địa - và tìm được nghề làm nhân viên trong sở nội vụ của vị hoàng tử. Con trai ông tiếp tục con đường tiến thân thông qua các thang bậc ở sở nội vụ. Mọi việc có vẻ thuận lợi: những người trong gia đình Chandran đã tìm thấy chỗ nương náu an toàn cho bản thân, họ không còn phải thực hiện nghi lễ hành xác nữa.
Nhưng người cháu nội (chúng ta bây giờ đang ở thập kỷ 30 của thế kỷ XX) lại là một kẻ nổi loạn không giống ai. Tin đồn về Gandhi và khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa của ông [lan tràn] khắp nơi. Vị thánh sống [Mahatma] này kêu gọi tẩy chay các trường đại học; người cháu (từ đây trở đi gọi đơn giản là Chandran) hưởng ứng bằng việc đốt sách của Shelley và Hardy trước cổng trường (cậu chẳng ưa văn học chút nào). Cậu chờ đợi một cơn bão nổ tung trên đầu mình, nhưng không ai nhận thấy.
Gandhi tuyên bố rằng hệ thống đẳng cấp là phi lý. Làm cách nào một tín đồ Bà-la-môn chống lại hệ thống đẳng cấp? Chandran liền chọn một cô gái đen đúa, xấu xí mà so với địa vị của cậu thì phải gọi là thuộc đẳng cấp chậm tiến - bằng lối nói hàng ngày thì thực sự là "chậm tiến"- và tán tỉnh cô ta một cách vụng về. Ngay lập tức, cô gái bằng những lời nói dối và đe doạ, đã buộc được cậu phải thực hiện những lời thề thốt.
Trong tình trạng bị ghét bỏ, Chandran được sắp xếp vào làm ở phòng thuế của ông hoàng (maharajah). Ở đó, cậu tự cho phép mình thực hiện những hành động lén lút mà cậu cho là sự phản kháng lịch sự của công dân, mặc dù động cơ thực sự của chúng là vu vơ và có hại. Khi trò quậy của cậu bị phơi bày và cậu sắp phải hầu tòa, trốn vào một ngôi đền, nơi cậu tự bảo vệ mình khỏi cái mà cậu gọi là "sự ngược đãi" bằng cách tuyên thệ sẽ giữ im lặng. Lời thề của cậu biến cậu thành một người anh hùng ở địa phương. Mọi người đến để xem cậu "mặc niệm" và đem đồ tiến cúng.
Đó chính là cái ổ lừa đảo và đạo đức giả mà người phương Tây cả tin Somerset Maugham đã đặt chân vào. "Ông hạnh phúc chứ?"- Maugham hỏi vị thánh sống. Dùng bút chì và giấy thấm, Chandran đáp: "Trong im lặng của mình, tôi cảm thấy tự do. Đó chính là hạnh phúc."Thật hiền minh làm sao!" - Maugham thầm nghĩ. Tấn trò thật hay: Tự do mà Chandran say mê là tự do thóat khỏi vụ kiện tụng.
Maugham cho xuất bản một cuốn sách, và Chandran đột nhiên nổi tiếng - nổi tiếng vì được một người nước ngoài đưa vào sách. Các du khách ngoại quốc đua nhau theo bước chân của Maugham. Chandran kể lại tỉ mỉ với họ, cậu ta đã từ bỏ sự nghiệp rực rỡ ở sở nội vụ như thế nào để đổi lấy một cuộc sống tu hành, cầu nguyện và tự hiến. Ngay Chandran cũng nhanh chóng tin lời nói dối của chính mình. Theo sự hướng dẫn của các bậc tiền bối Bà-la-môn, cậu tìm ra cách khước từ thế giới ngay cả khi nó đang thịnh vượng. Cậu chẳng thấy có gì hài hước trong đó. Trái lại, cậu cảm thấy một niềm kính sợ; cậu đinh ninh rằng có một "thế lực cao hơn" đang dẫn dắt cậu.
Giống như nhân vật nhà hoạ sĩ tuyệt thực của Kafka, Chandran sống một cuộc sống mà cậu thầm cho là dễ dàng: từ bỏ dục vọng (mặc dù dục vọng của cậu không eo hẹp đến nỗi cậu không thể sinh hai đứa trẻ với cô vợ "chậm tiến"). Trong truyện của Kafka, mặc dù nhà nghệ sĩ tuyệt thực tuyên bố ngược lại, nhưng rõ ràng có một thứ anh hùng chủ nghĩa nào đó trong việc tuyệt thực, một chủ nghĩa anh hùng tối thiểu phù hợp với thời đại hậu anh hùng (post-heroic times). Ở Chandran không có chủ nghĩa anh hùng nào cả: đó đích thị là sự nghèo nàn về tinh thần, sự nghèo nàn cho phép cậu ta bằng lòng với những điều nhỏ bé như vậy.
Trong cuốn sách đầu tiên và hầu như mang tính phê phán về Ấn Độ, Một vùng bóng tối (An Area of Darkness, 1964), Naipaul mô tả Gandhi là một người chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo lý Thiên Chúa giáo, có khả năng, sau hai mươi năm sống ở Nam Phi, nhìn đất nước Ấn Độ với con mắt phê phán của một người bên ngoài (outsider), và theo nghĩa đó là của "nhà lãnh đạo Ấn Độ ít chất Ấn độ nhất". Nhưng Naipaul nói, Ấn độ đã hủy hoại Gandhi, biến ông thành một vị thánh sống, một thần tượng, và lờ đi thông điệp xã hội của ông.
Chandran thích xem mình là một người kế tục Gandhi. Song, Naipaul ngầm gợi ý, câu hỏi mà Chandran đặt ra cho mình không phải là câu: "Ta sẽ làm như thế nào?" kiểu Gandhi mà là câu "Ta sẽ từ bỏ cái gì?" theo tinh thần Hindu. Cậu ta ưa từ bỏ vì "từ bỏ" chẳng đòi hỏi cậu phải mất cái gì.
Để tỏ lòng kính trọng vị bảo trợ người Anh, Chandran đặt tên đầy đủ cho mình là William Somerset Chandran. Vì đứa con nhỏ Willie ra đời từ cuộc hôn nhân hỗn dung (hỗn dung đẳng cấp), nên khôn ngoan nhất là gửi nó vào một trường học Thiên chúa. Willie nhanh chóng trở thành một nhà truyền giáo và một người Canada giống như các thầy giáo của nó. Trong bài luận tiếng Anh của mình, nó mơ màng viển vông rằng nó là một cậu bé Canada bình thường, có "Ba" (Pop), có "Má" (Mom) và một chiếc xe hơi. Thầy giáo cho điểm bài luận rất cao, nhưng cha nó thì đau đớn nhận ra mình đã bị gạt bỏ ra khỏi cuộc sống của đứa con mình.
Tuy nhiên, đến một lúc, Willie nhận ra những người truyền giáo thực sự theo đuổi cái gì: cải đạo Cơ đốc, hủy diệt tôn giáo ngoại đạo. Cảm thấy mình bị lừa, cậu bỏ học.
Nhớ đến ân nghĩa cũ, Chandran viết thư cho Maugham yêu cầu ông làm người bảo trợ cho cậu con trai. Anh nhận được một bức thư hồi âm đánh máy như sau: "Chandran thân mến, Rất hân hạnh khi nhận được thư của anh. Tôi có những kí ức đẹp về đất nước anh, và thật tuyệt vời khi nhận được thư từ những người bạn Ấn Độ. Nay kính thư..." Những người bạn ngoại quốc khác thì bày tỏ sự thóai thác một cách bình đẳng [hơn]. Rồi một ai đó trong Thượng nghị viện Anh vẫy cây đũa thần và Willie, ở tuổi 20, nhanh chóng rời tổ quốc nhờ một suất học bổng du học.
Đó là năm 1956. Thủ đô London đang phình ra với dòng người di cư tới từ vùng Caribe. Trước khi cuộc náo loạn chủng tộc òa vỡ, những thanh niên da trắng trong những bộ quần áo mô phỏng trang phục thời Edward lang thang khắp các đường phố, tìm đánh người da đen. Willie lẩn trốn trong các phòng học. Lẩn trốn không phải là một kinh nghiệm mới lạ đối với cậu: cậu từng trốn ở nhà khi có các cuộc loạn đả vì [phân biệt] đẳng cấp.
Cái mà Willie học ở London chủ yếu là về tình dục. Bạn gái của một người bạn cùng học với cậu người Jamaica đã lấy làm tiếc cho cậu và giúp cậu "phá trinh". Rồi cô ta dạy cho cậu một bài học "giao lưu văn hóa" nhỏ thông dụng. Cô nói: hôn nhân ở Ấn Độ bị sắp đặt, bởi vậy đàn ông ở đây không nghĩ rằng họ cần phải thỏa mãn nhu cầu tình dục của phụ nữ. Nhưng ở Anh thì khác. Cậu cần phải nỗ lực hơn nữa. Willie tham khảo một cuốn sách có tên "Triết học của tình dục" và học được rằng người đàn ông bình thường có thể duy trì trạng thái cương cứng trong vòng 10 hoặc 15 phút. Cậu từ chối đọc tiếp.
"Bạn học kiến thức tình dục như thế nào?"- cậu hỏi người bạn Jamaica. Tình dục là một việc đầy thú tính - nguời bạn trả lời - cậu phải bắt đầu [từ khi còn] trẻ. Willie hoảng hốt. Ở Jamaica, thanh niên thực hành [tình dục] bằng cách "sờ mó sau đó hãm hiếp các thiếu nữ". Đến từ một nền văn hóa không có những khái niệm như "quyến rũ" hay "nghệ thuật tình dục", cậu sẽ kiếm bạn gái bằng cách nào?
Cậu ta lấy hết can đảm tiếp cận một gái điếm. Cuộc giao hợp của họ thiếu khóai cảm và nhục ê chề: "Hãy đ. như một người Anh ấy!", người phụ nữ ra lệnh khi thấy cậu cứ lóng nga lóng ngóng.
Chandran - vị thánh (sadhu) bịp bợm và con trai ông ta - kẻ tình nhân bất lực: họ dường như là chất liệu của hài kịch, nhưng không phải trong tay Naipaul. Naipaul là một bậc thầy văn xuôi Anh ngữ, và văn xuôi trong Nửa cuộc đời sáng và lạnh như một lưỡi dao. Những người đàn ông nhà Chandran là những sinh vật-người khiếm khuyết khiến người đọc rùng mình hơn là thú vị; người vợ "chậm tiến" và đứa em gái của Willie, người sau này trở thành trong một người lữ hành thân cánh tả khó gần, thì khá hơn một chút.
Cả hai cha con đều tin rằng họ hiểu thấu người khác. Nhưng họ nhận ra sự lừa dối và tự lừa dối tràn ngập xung quanh mình bởi vì họ không thể tượng tượng ra một ai đó khác họ [tự kỷ ám thị - ND]. Khả năng nhìn thấu [người khác] không dựa trên cái gì khác ngoài một biểu hiện của tính đa nghi luôn tự phòng thủ. Nguyên tắc hành động của họ là luôn đưa ra cách hiểu ít tính độ lượng nhất. Sự ích kỷ (tự yêu mình), nhỏ nhen về tinh thần hơn là sự thiếu kinh nghiệm, là căn nguyên cho thất bại của Willie trong tình yêu.
Với bố cậu, một minh chứng cho tính ích kỷ bẩm sinh của ông ta là thái độ đối với sách vở. Là một sinh viên, cậu không "lĩnh hội" được các chương trình học cậu đang tham gia, và đặc biệt cậu không "hiểu" được văn học. Sự giáo dục mà ông ta buộc phải theo, chủ yếu là học văn học Anh như một con vẹt, hiển nhiên là chẳng liên quan gì tới cuộc sống của ông ta. Tuy nhiên, trong ông ta có một động lực sâu sắc khiến cậu không muốn biết, muốn hiểu. Khắt khe mà nói, ông ta là loại "nan hóa" (khó dạy). Hành vi đốt sách kinh điển của ông ta không phải là một phản ứng có tính phê phán lành mạnh đối với nền giáo dục nô thuộc đang dẫy chết. Nó không mở đường cho ông ta tới một kiểu giáo dục khác tốt hơn, bởi ông ta không hề có ý tưởng gì về diện mạo của một nền giáo dục tốt hơn. Trên thực tế, ông ta chẳng có ý tưởng nào cả.
Willie cũng có đầu óc rỗng tuếch như vậy. Ngay khi vừa đến Anh, cậu đã nhanh chóng nhận ra sự ngu dốt của mình. Nhưng bằng một hành động phản xạ mẫu mực cậu tìm kiếm một ai đó để đổ lỗi, và ở đây người đó là mẹ cậu: cậu không hứng thú [tìm hiểu] thế giới vì mẹ cậu là một "giống chậm tiến". Thừa kế là định mệnh của nhân vật.
Cuộc sống học đường cho cậu thấy rằng phép xã giao [nghi thức] của người Ấn vô lý và kỳ quặc cũng như của người Anh. Nhưng nhận thức đó không nói lên sự manh nha của một học vấn tự thân. Cậu lý giải: tôi hiểu về cả nước Ấn lẫn nước Anh trong khi người Anh chỉ hiểu về nước Anh thôi, vì vậy tôi có thẩm quyền để nói tôi thích nước tôi ở điểm nào. Cậu bịa ra một lý lịch (nguyên văn: quá khứ, past) mới ít tủi nhục hơn cho chính mình, trong đó cậu biến mẹ mình thành một thành viên của cộng đồng Cơ đốc giáo cổ xưa và biến cha thành con trai của một triều thần. "Cậu bắt đầu tự lột xác. Nó lôi cuốn cậu, và bắt đầu đem lại cho cậu cảm giác về sức mạnh."
Vì sao cặp đôi chán ngắt này tìm được con đường cho mình? Họ phát hiện được gì về cái xã hội đã sản sinh ra họ? Ở đây, từ khóa chính là sự dâng hiến. Willie đã nhanh chóng nhận ra nỗi buồn trong sâu thẳm chi phái của chủ nghĩa Gandhi nơi người cha bởi vì cậu hiểu ngay cái gì có chiều hướng bị từ bỏ. Một trong những câu chuyện thời học trò của Willie là về một quý tộc Bà-la-môn, người đã hiến sinh những đứa bé "hạ tiện" trong các nghi lễ vì lợi ích của người giàu, kết cuộc là ông ta hiến sinh hai đứa con của chính mình. Chính câu chuyện này, có tiêu đề Một cuộc đời dâng hiến (A Life of Sacrifice), với sự kết tội không đến nỗi công khai chống lại ông ta, đã khiến cho Chandran - kẻ sống bằng cái mà ông ta gọi là sự tự hiến dâng - quyết định gửi cậu con trai sang Anh: Thằng bé sẽ đầu độc những gì còn lại của cuộc đời tôi. Tôi phải đưa nó đi xa khỏi nơi này."
Điều Willie đã nhận ra là: dâng hiến những dục vọng của bạn trong thực tế có nghĩa là không yêu những người mà bạn phải yêu. Chandran đáp lại hiểu biết đó bằng cách đẩy sự dâng hiến của con trai mình đi xa hơn một bứơc. Đằng sau câu chuyện bịa của Chandran về việc ông ta đã dâng hiến cả sự nghiệp cho cuộc đời hành xác là cả một truyền thống Hindu giáo, được hiện thân nếu không phải trong Gandhi thì cũng trong cái mà người Ấn muốn Chandran phát triển từ Gandhi bằng việc biến ông ta thành thánh nhân của cả đất nước; truyền thống đó hiện thân một cách phổ quát hơn trong một triết lý định mệnh thường dạy người ta rằng tối thiểu là tốt hơn hết, rằng phấn đấu để tự hoàn thiện rút cuộc cũng là vô nghĩa.
( Còn nữa)