6h, ông Lê Văn Từ, 45 tuổi, ngư dân phường Hàm Tiến lái thuyền thúng cập vào bến cá Đá Ông Địa. Lưới đóng nhiều cá, ông gọi điện nhờ người thân xuống bến phụ gỡ để kịp bán trong buổi sớm. Vợ, con trai, người em họ ông Từ có mặt sau đó ít phút rồi tất bật cùng gỡ cá khỏi lưới.
Cá gỡ đến đâu, được thương lái chờ sẵn gom vào thùng đến đó. Chuyến này, chủ thúng cân được tất cả gần 50 ký, phần lớn là cá trao tráo. Ông Từ bán tại bến cho thương lái với giá 35.000 đồng một kg loại nhỏ, 40.000 đồng một kg loại lớn. Trừ chi phí xăng dầu, chuyến này ông kiếm được 1,7 triệu đồng. "Mấy hôm nay chịu khó chạy xa. Vừa trúng cá vừa bán được giá, nên thu nhập rất ổn", ông nói.
Theo ngư dân này, mùa gió Nam, biển êm chỉ cần đánh cách bờ chừng một hải lý. Hiện, đã vào mùa gió bấc (tháng 11 đến tháng 4), các đàn cá rất ít vào bờ, nên ông cũng như đồng nghiệp phải chạy thúng ra xa hơn 3 hải lý mới có cá. Mùa này gió mạnh, sóng lớn, phải đi ngược sóng, nên thúng di chuyển rất chậm để đảm bảo an toàn. "Đi từ nửa đêm, phải mất gần 2 giờ, mình mới ra tới bãi đánh", ông Từ nói.
Gần đó, anh Nguyễn Văn Lợi, 28 tuổi, ngư dân phường Phú Hài cũng đang nhanh tay gỡ cá từ lưới ra. Ngoài cá trao tráo, lưới của anh còn dính thêm nhiều loại khác như: ngân, sòng, đối... Tất cả được hơn 20 kg. Dù số lượng ít, nhưng bán được giá 35-50.000 đồng một ký tùy loại. Trừ chi phí, anh kiếm được hơn 700.000 đồng.
Gỡ cá xong, anh Lợi cũng như các như dân làm nghề đi thúng ở bến này xếp lại dải lưới gọn gàng vào trong thuyền thúng, rồi trở về nhà ăn trưa, nghỉ ngơi. Đến giữa khuya, họ lại thức giấc ra biển tiếp tục hành trình để kịp về bờ lúc hừng đông bán cá cho thương lái
Anh Lợi học nghề đánh cá bằng thuyền thúng từ bố mình. Không nhiều vốn đầu tư, nên chỉ sắm được thuyền thúng đi đánh lưới vùng biển gần. Một chiếc thúng composite có gắn động cơ khoảng 60 triệu, thêm giàn lưới gần 20 triệu, là cần câu cơm hàng ngày của gia đình anh.
Theo anh Lợi, mùa này gió trên biển mạnh, đi thúng đánh cá vào ban đêm khó khăn hơn mùa khác rất nhiều. Tuy nhiên, cá mùa này bán được giá gần gấp đôi mùa khác, nên những người trẻ thường cố gắng kiếm tiền lo cho gia đình. "Giữa đêm khuya chạy thúng ra biển, gió rất lạnh, nhưng đi riết cũng quen", anh Lợi cho hay.
Ở bãi đá Ông Địa có khoảng 100 thúng làm nghề lưới gần bờ. Vào mùa gió Nam, các thúng làm nghề rất nhộn nhịp, nhưng qua mùa gió bấc, nhiều người tạm nghỉ đi làm công việc khác. Thúng chèo bằng tay và thúng của những người lớn tuổi thường nghỉ trong mùa này.
Bà Nguyễn Thị Ba, người chuyên mua cá lưới ở Phan Thiết, cho biết vào mùa gió bấc, sóng gió lớn, ít thuyền đi làm nghề. Lượng cá về các chợ khan hiếm, nên giá cá tăng hơn so với mùa gió nam. Các loại cá trao tráo, ngân, sòng nhỏ... bán trong mùa gió nam tại bến chỉ khoảng 20.000 đồng một kg; nhưng nay lên 35.000-40.000 đồng. Cá bạc má bình thường 40.000-50.000 đồng, nhưng nay đã lên 80.000-100.000 đồng một kg...
"Cá lưới đánh trong ngày tươi rói, không ủ lâu ngày như các thuyền đánh bắt xa bờ, nên bán rất chạy", bà Ba nói và cho biết không chỉ bán ở các chợ, một số người buôn cá ở Phan Thiết còn đóng thùng chuyển vào TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Lạt... cho các khách ở xa có nhu cầu ăn cá tươi.
Ngoài ra, gần đây, không những người địa phương, mà khách du lịch khi đến Phan Thiết cũng thường tìm đến bến mua cá lưới đóng thùng mang về. Nhờ đó, cá lưới bán tại chỗ ở các bến như: Rạng, bãi đá Ông Địa, Bờ đê Mũi Né... luôn hút hàng.
Tư Huynh