Trong cuộc sống hằng ngày, khoảng thời gian tí hon đó hầu như là vô nghĩa. Ông chủ sẽ không rầy la nếu bạn gửi một e-mail muộn hơn 0,05 giây. Còn nếu bạn phải chờ đợi thêm 0,05 giây để có được món xúp ưa thích, bạn sẽ không mất đi cảm giác thèm nó.
Nhưng trong thể thao, những khoảng cách nhỏ như vậy có thể vạch ra ranh giới giữa người thắng và kẻ bại, giữa kỷ lục thế giới với những nỗ lực tầm thường. Các phép đo tinh xảo này chỉ có thể thực hiện được với công nghệ hiện đại, khi đó, thời gian sẽ được chia thành các phần thậm chí còn nhỏ hơn nữa.
Olympic Stockholm 1912 đã chứng kiến chiếc đồng hồ bấm giây chạy điện đầu tiên được đưa vào sử dụng thay cho các thiết bị cầm tay thô sơ. Một chiếc camera, chụp ảnh các vận động viên khi về đích, cũng đã xuất hiện.
Tuy nhiên vì thiết bị này được con người vận hành nên vẫn còn sai số đáng kể, khoảng 0,2 giây. Trong cuộc đua 100 mét kéo dài khoảng 10 giây, sai số đó có thể tương đương với 2 mét - một khoảng cách khổng lồ đối với sự kiện như vậy.
Mãi đến năm 1972, tại Olympic Munich, chiếc đồng hồ bấm giây điện tử đầu tiên mới được sử dụng, dù rằng nguyên tắc hoạt động của đồng hồ bấm giây thạch anh đã có từ những năm 1920. Những dao động đều đặn đến kỳ lạ của thạch anh đã mang lại cho đồng hồ bấm giây một đẳng cấp mới, nâng độ chính xác lên 0,01 giây.
Ngày nay, thiết bị loại này có thể ghi lại những khoảng thời gian tới một phần nghìn giây, hay 0,001 giây, trên bảng điểm tại Olympic. Ở Athens, người ta đã lắp một camera có thể quét qua vạch đích tới 2000 lần mỗi giây và ghi lại thời điểm phần cơ thể của vận động viên vượt qua.
Khi chế độ luyện tập khắc nghiệt hơn, thiết bị hiện đại hơn và các vận động viên chuyên nghiệp hơn, các kỷ lục liên tiếp bị phá vỡ. Giờ đây, cuộc đua của cánh mày râu trên chặng đường 100 mét không chấp nhận những ai về đích sau 10 giây. 4 năm trước, Maurice Green, người Mỹ, thậm chí còn đạt tới ngưỡng 9,87 giây. Nhưng ở thế vận hội hiện đại đầu tiên vào năm 1896, thành tích cũng của nhà vô địch Mỹ Thomas Burke chỉ là 12 giây.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu các kỷ lục không bị phá vỡ nữa? Vì dù sao, công nghệ và sức bền của con người cũng có giới hạn? Trong trường hợp đó, dường như các đơn vị thời gian nhỏ hơn sẽ trở nên quan trọng hơn, và các vận động viên sẽ ngày càng khó để lập được kỷ lục mới.
Các nhà khoa học đã phát minh ra những cái tên mới đặt cho những đơn vị thời gian nhỏ hơn này. Chúng có thể được đo chính xác ở các mức nhỏ nhất, từ miligiây (phần nghìn giây) đến attogiây (phần tỷ của một phần tỷ của một giây).
David Rooney, người hiệu chỉnh đồng hồ thời gian tại Đài quan sát Hoàng gia Greenwich, cho biết đồng hồ bấm giây đã trải qua một "thay đổi nhảy vọt" trong 50 năm qua. "Các đơn vị thời gian đã chuyển từ phép đo thiên văn trở thành phép đo vật lý", ông nói. 'Vật lý' ở đây có nghĩa rằng thời gian trong thế giới hiện đại được tính theo những yếu tố như sự dao động của các nguyên tử, thay cho các quan sát thiên văn.
Trên khắp thế giới, đồng hồ được căn chuẩn theo tín hiệu từ các đồng hồ nguyên tử mới nhất. Tại Phòng thí nghiệm vật lý quốc gia Anh, các nhà khoa học đang chế tạo một chiếc đồng hồ chính xác tới mức nó chỉ chậm một giây trong toàn bộ quãng đời còn lại của vũ trụ.
Nhưng có lẽ còn khá lâu nữa trước khi chúng ta có thể thấy những tiến bộ vượt bậc này được ứng dụng tại các thế vận hội. Xác suất để hai vận động viên đạt thành tích chênh nhau theo đơn vị attogiây là rất nhỏ.
Mặc dù vậy, tiến bộ kỹ thuật trong việc đo thời gian đã thực sự có ích. Hãy trở lại với Kelly Holmes. Thời gian chạy 800 mét của cô là 1 phút 56 giây 38, so với thành tích của Hasna Benhassi là 1 phút 56 giây 43. Nếu những khoảng thời gian đó được đo vào năm 1912, khi mà độ chính xác chỉ đến một phần mười giây, cả hai sẽ có thời gian là 1 phút 56 giây 4. Và nếu Kelly tham gia trong kỳ Olympic đó, thành tích của cô không bao giờ được sáng tỏ.
Tại thế vận hội Los Angeles năm 1984, Nancy Hogshead và Carrie Steinseifer người Mỹ cùng được trao huy chương vàng môn bơi 100 mét tự do, sau khi thành tích của họ là như nhau tính đến phần trăm giây. Không ai biết người đã chiến thắng đến đơn vị phần nghìn giây.
Thuận An (theo BBC)