![]() |
Ông Lê Quang Bình. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
- Ủy ban An ninh Quốc phòng Quốc hội vừa hoàn tất giám sát việc thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tại Hà Nội, TP HCM và một số địa phương. Ông đánh giá gì về tình trạng ùn tắc?
- Vấn đề giao thông, đặc biệt là ở các thành phố lớn đang gây bức xúc lớn với nhân dân. Đây là nội dung mà Quốc hội giao cho Ủy ban Quốc phòng An ninh giám sát và báo cáo trước Quốc hội. Vừa rồi, chúng tôi khảo sát thấy tình hình phát triển không cân đối, ở TP HCM, hằng năm phương tiện tham gia giao thông tăng 13-14% nhưng đường chỉ tăng 1%. Với tốc độ này, thời gian tới, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì TP HCM trong giờ cao điểm xe chỉ có đứng yên tại chỗ chứ không thể di chuyển được.
- Có nhiều ý kiến khác nhau về tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM. Theo kết quả qiám sát, nguyên nhân là ở đâu?
- Nguyên nhân cơ bản theo tôi là sự phát triển không đồng bộ trong lĩnh vực giao thông. Các đô thị như TP HCM, Hà Nội sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và phưong tiện giao thông còn chênh lệch nhau quá lớn. Các phương tiện giao thông tăng rất cao, nhưng đường giao thông chỉ tăng nhẹ. Ví dụ như TP HCM, một ngày có trung bình 100 ôtô, 1.000 xe máy đăng ký mới, chưa kể xe các nơi khác đổ vào.
Nguyên nhân thứ hai là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt. Nguyên nhân thứ ba là các chính sách của của chúng ta trong lĩnh vực giao thông chưa phù hợp. Nhà nước cần có chính sách cụ thể phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Chúng ta cũng cần có chính sách thu hút các thành phần kinh tế, kể cả trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông. Hiện nay hạ tầng giao thông toàn bộ là của nhà nuớc, tư nhân chưa có đầu tư...
![]() |
Xe buýt, ôtô, xe máy chen nhau trên đường phố Hà Nội. Ảnh: H.H. |
- Trong các dịp APEC 2006, khi có những biện pháp quyết liệt, giao thông ở Hà Nội khá thông thoáng. Ông nghĩ thế nào về vai trò của cảnh sát giao thông trong vấn đề chống ùn tắc?
- Nguyên nhân bùng phát ùn tắc giao thông vừa qua có phần do cảnh sát giao thông. Nhiều hành vi sai phạm của người tham gia giao thông không được xử lý kịp thời. Luật quy định đi xe máy không được đèo 3 người, nhưng nhiều thanh niên đèo 3, đèo 4 phóng nhanh, cảnh sát không xử lý.
Gần đây, Nghị quyết 32 của Chính phủ quy định đội mũ bảo hiểm trên các tuyến quốc lộ từ 15/9. Thế những vẫn có người đội người không, nếu cảnh sát không xử lý nghiêm thành ra cũng nhờn đi.
- Nghị quyết 32 của Chính phủ đã đưa ra những giải pháp cấp bách để kiềm chế tai nạn và chống ùn tắc, nhưng về lâu dài, theo ông, cần có những biện pháp gì đề cải thiện tình hình tại các đô thị?
- Hiện Chính phủ đã có những giải pháp cấp bách, theo tôi, nếu thực hiện như thế là tốt. Nhưng đề ra giải pháp lâu dài thì nhiều địa phương còn rất lúng túng. Giải pháp lâu dài thì phải liên quan đến quy hoạch thành phố, ví dụ một số cơ sở bệnh viện, trường học, các khu công nghiệp phải giãn ra xa trung tâm. Nếu không giãn ra được thì người dân ùn ùn tập trung vào trung tâm thành phố, như vậy khó tránh khỏi ùn tắc.
Còn về hạ tầng giao thông, các nước không chỉ có một tầng đường mà còn có đường ngầm, đường trên cao. Họ có 3 tầng đường đi vào trung tâm, như vậy có thể giảm ùn tắc.
- Trong thời gian giám sát tại Hà Nội, TP HCM, bản thân ông tham gia giao thông thế nào?
- Tôi đi làm việc, đi họp tắc đường thường xuyên, nhất là giờ cao điểm. Ví dụ ở TP HCM, giờ cao điểm hầu hết các tuyến đường đều tắc nghẽn. Ở HN giờ cao điểm, phải chờ 2-3 lần đèn đỏ mới đi được. Đó là chưa kể những hôm trời mưa hoặc có tai nạn giao thông thì phải 20-30 phút mới thoát khỏi một đoạn phố.
Việt Anh thực hiện