Kẻ giết người có thể phi tang xác nạn nhân và lau sạch máu, nhưng nếu không có hóa chất lau dọn cực mạnh, các hạt máu li ti vẫn sẽ bám lại trong nhiều năm. Để tìm ra vết máu dù đã được lau sạch, một trong những chất điều tra viên sử dụng là luminol. Khi xịt luminol lên bề mặt khả nghi, tắt điện và đóng kín cửa sổ, bề mặt dính máu sẽ phát ra ánh sáng xanh dương ngả xanh lá trong khoảng 30 giây.
Theo Chemistry World, luminol được đặt tên từ thập niên 1930 nhưng thực tế đã được phát hiện từ đầu thế kỷ 20. Tới năm 1937, nó mới bắt đầu được sử dụng trong pháp y để tìm ra vết máu bởi nhà khoa học pháp y người Đức, Walter Specht. Nghiên cứu của ông chỉ ra vết máu càng lâu, ánh sáng tạo ra càng kéo dài và sáng.
Luminol (C8H7O3N3) có dạng bột, khi sử dụng được trộn cùng với hợp chất dạng lỏng chứa hidro peroxit (H2O2 – oxi già), hidroxit (OH-) và một số hóa chất khác.
Phản ứng giữa hidro perexit và luminol có khả năng phát sáng nhưng để ánh sáng phát ra đủ mạnh nhìn thấy được bằng mắt thường cần có chất xúc tác để làm tăng tốc độ phản ứng. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng huyết sắc tố hemoglobin trong máu có tác dụng như vậy. Vì thế mục đích thực sự của phản ứng hidrô perexi - luminol là để xác định liệu có tồn tại chất xúc tác hemoglobin hay không.
Bên cạnh luminol, điều tra viên cũng có thể sử dụng các hóa chất phát quang khác như fluorescein. Chất này có nguyên lý hoạt động tương tự luminol, chỉ khác biệt đôi chút ở quá trình phản ứng.
Nếu luminol có phản ứng, điều tra viên sẽ chụp ảnh hoặc ghi hình hiện trường vụ án để lưu trữ lại đường đi của máu. Thường luminol chỉ cho biết "có thể" có máu trên bề mặt, vì một số loại chất khác như nước tẩy, nước tiểu, phân, hợp chất có kim loại đồng, và khói thuốc lá,... cũng có thể khiến luminol phát sáng. Điều tra viên có kinh nghiệm có thể phân biệt được thật giả dựa trên tốc độ của phản ứng, nhưng vẫn cần phải thực hiện nhiều thí nghiệm khác để xác định đây đúng là máu hay không.
Việc sử dụng luminol có thể tiết lộ thông tin mấu chốt giúp đưa vụ án ra khỏi thế bế tắc. Chẳng hạn, đường đi vết máu bị che giấu có thể giúp điều tra viên xác định địa điểm tấn công và hung khí gây án (vết máu do đạn bắn rất khác với dao đâm). Luminol cũng có thể làm xuất hiện dấu giày dính máu rất mờ, cho biết hung thủ đã làm gì sau khi tấn công.
Tuy vậy, một trong những nhược điểm khi dùng luminol là phản ứng hóa học có thể phá hủy các chứng cứ khác tại hiện trường. Vì thế mà điều tra viên chỉ sử dụng luminol sau khi đã thử hết các phương án khác.
Luminol là công cụ đáng quý đối với cảnh sát, nhưng nó không hề là toàn năng như một số phim truyền hình thể hiện: Cảnh sát không thể cứ thế bước đến và xịt luminol lên hiện trường.
Có nhiều vụ án mạng đã được giải quyết bằng chất luminol. Oxygen đưa tin, sáng ngày 6/11/1994, cảnh sát Mỹ tìm thấy Kelly Lovera chết trong ô tô trên núi. Nguyên nhân tử vong ban đầu được cho rằng do anh này mất lái và đâm vào thân cây, tử vong do chấn thương đầu. Sau đó, cảnh sát nhận định vụ tai nạn được dàn dựng vì thi thể được thấy ở ghế sau, anh không phải người lái.
Phát hiện Shayne Loveran (vợ Kelly Lovera) ngoại tình và cô được nhận tiền bảo hiểm khi chồng chết, cảnh sát đã khám nhà. Nghi ngờ hiện trường vụ án đã bị lau sạch, điều tra viên xịt luminol để tìm vết máu. Ngôi nhà rực sáng, cho thấy máu bám khắp nơi, thậm chí trên khung treo tấm bằng thạc sĩ của nạn nhân. Đường đi của máu chứng minh hung thủ đã kéo thi thể đi dọc hành lang và ra ngoài qua cửa sổ phòng ngủ của hai đứa con.
Ngày 28/3/1996, Shayne Lovera và nhân tình đều thỏa thuận nhận tội để có cơ hội xin ân xá sau 25 năm tù.