Vị chủ tịch 72 tuổi Jean-Claude Mas hiện bị chính quyền Costa Rica truy nã về tội liên quan đến "cuộc sống và sức khỏe", nhưng không rõ có liên quan đến vụ scandal túi ngực hay không.
Một phụ nữ Pháp giơ chiếc túi ngực PIP được lấy ra từ ngực của bà. Ảnh: thejournal.ie. |
Nhiều năm qua, công ty PIP của ông này đã cung cấp túi ngực giá rẻ cho hàng chục nghìn phụ nữ ở châu Âu và Nam Mỹ. Cơ quan y tế Pháp mới đây cho biết túi ngực PIP có nguy cơ nứt vỡ cao hơn các loại khác. Ngoài ra, chúng còn chứa silicone công nghiệp thay cho silicone y tế để tiết kiệm tiền, và người ta e ngại rằng khi chúng vỡ ra sẽ gây hại cho người dùng.
Chính vì thế, mới đây, Pháp đã đồng ý tài trợ hoàn toàn cho khoảng 30.000 phụ nữ nước này để họ tháo bỏ túi ngực PIP do lo ngại sản phẩm này có thể nứt vỡ và làm rò rỉ loại silicone công nghiệp vào cơ thể.
Theo Guardian và ABC, tại Anh, ít nhất 40.000 phụ nữ cũng đã cấy sản phẩm này để nâng ngực. Tuy nhiên, nhà chức trách nước này không bắt chước lời khuyên của Pháp, và cho rằng "không có bằng chứng" để phải lo ngại về sự an toàn của chúng.
"Những chị em đã cấy túi PIP không nên lo lắng quá mức. Chúng ta không có bằng chứng nào cho thấy mối liên quan giữa chúng và bệnh ung thư, hay làm gia tăng nguy cơ nứt vỡ. Dù tôn trọng quyết định của chính phủ Pháp, song không có quốc gia nào hành động tương tự, bởi hiện chúng tôi không có bằng chứng ủng hộ điều đó", người đứng đầu cơ quan y tế Anh cho biết.
Số liệu của cơ quan y tế Anh cho thấy có khoảng hơn 84 nghìn túi ngực PIP đã được bán ra tại nước này từ năm 2001. Nước Pháp thông báo tỷ lệ vỡ túi khoảng 5%, trong khi ở Anh là 1%.
Sản phẩm này năm ngoái đã bị rút khỏi thị trường các quốc gia trên khắp châu Âu và Nam Mỹ. Website của công ty cho biết họ đã xuất khẩu sản phẩm tới hơn 60 công ty và là một trong những nhà sản xuất túi ngực hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, chủ tịch hiệp hội phẫu thuật plastic Brazil cho biết sẽ là quá vội vàng nếu các chị em đi tháo bỏ túi ngực PIP trong khi họ chẳng có vấn đề gì. Khoảng 25.000 phụ nữ nước này cấy PIP.
Tại Argentina và Venezuela, quan chức y tế đề nghị theo dõi chặt chẽ các chị em từng cấy loại túi ngực này.
Tại Mỹ, mối lo ngại về túi cấy bằng silicone đã dẫn tới một lệnh cấm kéo dài 14 năm qua tại nước này, mà hướng tới loại túi ngực chứa muối. Túi ngực silicone chỉ xuất hiện lại trên thị trường từ năm 2006, sau khi các nghiên cứu loại trừ mối liên quan giữa chúng với bệnh ung thư, lupus ban đỏ và một số lo ngại khác.
T. An