* Sevilla - Inter: 2h thứ Bảy 22/8, giờ Hà Nội.
Bây giờ, Ole Gunnar Solskjaer và Romelu Lukaku không còn nhìn mặt nhau nữa. Nhưng nếu không phải người chóng quên, hẳn HLV người Na Uy còn nhớ chính Lukaku từng cứu lấy chiếc ghế của ông.
Đó là buổi tối tháng 3/2019, khi Man Utd thắng ngược PSG trên sân Parc des Princes ở lượt về vòng 1/8 Champions League, nhờ cú đúp của Lukaku. Solskjaer lúc đó là HLV tạm quyền, nhiều khả năng bay ghế nếu thua PSG. Nhưng màn ngược dòng hôm đó được ca ngợi là gợi lại bản sắc thời Sir Alex Ferguson với quả phạt đền ấn định thắng lợi ở phút 90+4 của Marcus Rasford. Lukaku, lúc ấy, vẫn một lòng một dạ với Man Utd, hết lòng ủng hộ HLV tạm quyền của đội bóng.
"Tôi biết ông ấy sẽ ở lại", tiền đạo người Bỉ nói sau trận đấu. "Ole muốn ở lại và các cầu thủ cũng ủng hộ ông ấy. Hôm nay, chúng tôi đã chơi như cách Man Utd vẫn thường chơi".
Nhưng chỉ hơn 100 ngày sau, mọi chuyện thay đổi quá nhanh. Lukaku về Bỉ nghỉ hè, và không trở lại nữa. Một tuần trước khi Man Utd đá trận khai mạc Ngoại hạng Anh với Chelsea, chân sút sinh năm 1993 vẫn ngoan cố không sang Anh. Thay vào đó, anh tập luyện cùng CLB cũ Anderlecht, sẵn sàng ra sân tập hàng ngày với những cậu nhóc của đội U18, với lý do cần thời gian để khỏi hẳn một chấn thương đầu gối.
Đó là một "âm mưu đào tẩu" đã được lên kế hoạch kỹ càng từ tận tháng 4, tức là trước thời điểm thị trường chuyển nhượng mùa Hè mở cửa ba tháng. Một nguồn tin chia sẻ với The Athletic: Lukaku và người bạn thân Paul Pogba đã lên kế hoạch từ bỏ Ngoại hạng Anh để sang Serie A, nhưng vì một lý do nào đó, Pogba không tham gia vào kế hoạch, chỉ Lukaku thực hiện dự định đó với sự quyết liệt gây bất ngờ cho những ai biết về sự hiền lành của anh.
Việc một cầu thủ bất tuân lệnh tập trung trở lại vi phạm rất nặng các nguyên tắc hành xử của bóng đá chuyên nghiệp. Chi tiết hợp đồng giữa Lukaku với Man Utd không được tiết lộ, nhưng các luật sư cho rằng, khả năng Lukaku vi phạm các điều khoản là gần như chắc chắn. Đáp lại, vẫn là sự kháng cự của tiền đạo người Bỉ. Lukaku ngang nhiên chụp ảnh trong chiếc áo đấu màu tím của Anderlecht, trong khi các đồng đội căng sức hoàn thiện những buổi tập cuối cùng. Đấy là chưa kể về mặt thương hiệu: Man Utd được Adidas tài trợ, Lukaku có hợp đồng quảng bá giày cho Puma, còn chiếc áo Anderlecht lại do hãng Joma của Tây Ban Nha thiết kế.
Nó phản ánh sự tức giận của Lukaku với cách đối xử của Solskjaer. Khi bắt đầu kỳ tập huấn hè, Solskjaer đưa anh xuống đội U18 Man Utd. Chân sút người Bỉ buộc phải tìm đường ra đi vì cảm thấy không được tôn trọng. Khi anh đăng lên Twitter một bản thống kê tốc độ của "Quỷ Đỏ", với anh là người nhanh thứ hai - chỉ kém Diogo Dalot, còn Luke Shaw và Juan Mata chậm nhất, Solskjaer đã nổi giận đùng đùng. Ông yêu cầu Lukaku xóa bài đăng đó khỏi trang cá nhân, dạy anh một bài về cách cư xử trên mạng xã hội. Tiền đạo này đáp trả bằng một tấm hình cởi trần tiếp theo, với dòng chữ khiêu khích: "Không tệ với người bị chê béo".
Những gì Lukaku cảm thấy không hài lòng ở Man Utd được giải quyết triệt để khi anh khoác chiếc áo xanh đen của Inter. Từ đầu, Antonio Conte đã coi đó là mục tiêu số một của kì chuyển nhượng. Ông cũng đã kiên nhẫn khi Man Utd liên tiếp từ chối các mức giá mà Inter đưa ra, với mong muốn giữ Lukaku để làm "vật trao đổi" trong thương vụ mua Paulo Dybala với Juventus. Nhưng sau cùng, Dybala từ chối, còn Lukaku nổi loạn. Man Utd chỉ còn cách bán cho Inter để cắt lỗ.
Hợp đồng mua Lukaku được ký kết. Man Utd nhận 65 triệu euro, cộng thêm 10 triệu phụ phí tùy thành tích của Lukaku trong màu áo mới. Anh trở thành cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Inter, một dấu hiệu cho sự hồi sinh của CLB này, hoặc ở một góc nhìn khác, là sự mạo hiểm. Conte thở phào khi thấy Lukaku hòa nhập tốt, nuốt trọn các bài tập khắc nghiệt của ông, sẵn sàng ăn theo chế độ của chuyên gia dinh dưỡng Matteo Pincella mà ông thuê về, và chỉ lúc đó, Conte mới tâm sự rất thật với truyền thông Italy: "Chỉ mỗi tôi hiểu được những gì đã phải trải qua để có cậu ấy tại đây là khó khăn như thế nào", nhà cầm quân 51 tuổi nói gần đây. "Tin tôi đi. Hành trình đó không dễ dàng như ăn bánh".
Nó giống việc Conte tìm mọi cách chiêu nạp Lukaku về "băng" của ông vậy, vì Conte nhận thức được hành trình với Inter cần một người chia lửa xứng đáng. Conte và Lukaku là hai thành viên nhận lương cao nhất Inter, lần lượt 11 triệu và 7,5 triệu euro mỗi năm, nên hiển nhiên, phải là hai đầu tàu của đội bóng mùa này.
Dưới tay Conte, Lukaku lại là "sát thủ". Với 33 bàn, anh chỉ kém một bàn so với thành tích mùa đầu tiên của "Người ngoài hành tinh" Ronaldo tại Inter. Lukaku cùng Lautaro Martinez trở thành cặp song sát ghi nhiều bàn thứ hai châu Âu mùa này, chỉ kém cặp Robert Lewandowski - Serge Gnabry của Bayern.
Hệ thống chiến thuật 3-5-2 luôn duy trì ổn định, giúp Lukaku có 98% thời gian đá cặp cùng Lautaro (hoặc Alexis Sanchez), ổn định hơn hẳn dưới tay một Solskjaer rất hay loạn đao pháp, người luôn xáo trộn hàng công Man United mùa trước, với 55% thời gian bắt Lukaku đá cắm, 21% chơi cặp tiền đạo cùng ai đó, và 24% còn lại đá ở hệ thống ba mũi nhọn.
Conte cũng không bắt Lukaku pressing đối thủ quá nhiều. Thống kê của The Athletic cho thấy, Lukaku là tiền đạo pressing ít thứ hai Serie A, trung bình chỉ 7,31 lần mỗi trận, thậm chí ít hơn cả lão tướng 38 tuổi Zlatan Ibrahimovic của Milan (7,9), và chỉ bằng khoảng một nửa so với 14,7 lần mỗi trận thời còn dưới trướng Solskjaer ở Man Utd. Có thể, nó là một phần lý do Lukaku tạo ra cú đi bóng như muốn đè bẹp hậu vệ Davit Khocholava của Shakhtar ở phút 83 của trận bán kết Europa League mùa này, khi mọi cầu thủ đã thấm mệt.
Góp mặt ở chung kết Europa League hôm nay là phần thưởng cho nỗ lực cả một giải của Lukaku. Và dù ai có nói gì đi chăng nữa, anh không giấu sự hả hê khi Man Utd bị loại ở bán kết, và phải cảm thấy nuối tiếc, khi đánh mất một chân sút đẳng cấp như anh.
Có thể là đúng người, sai thời điểm. Hoặc cũng có thể, Man Utd đã quá phí phạm nhân tài.
Đỗ Hiếu