Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm nay (13/6) để thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Trước đó, tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ đề nghị lùi thời gian tăng lương cơ sở từ 1/7 (dự kiến tăng 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng). Đồng tình với đề nghị này, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh, cho rằng "đây chỉ nên là giải pháp tình thế, không phải giải pháp căn cơ".
Theo bà Xuân, giải pháp căn cơ lúc này phải là tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí, chống thất thu và đẩy mạnh đầu tư công để phát triển kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Cũng đề cập tới đề xuất xin lùi thời gian tăng lương cơ sở từ 1/7, đại biểu Hoàng Đức Thắng nhận định "đây là quyết định tác động tới hàng triệu người". Ông Thắng nói Chính phủ cần "đánh giá tác động đầy đủ, báo cáo rõ chưa tăng lương kéo dài bao lâu, nguồn lực có được sẽ được dùng vào việc gì?".
"Trường hợp cân đối được nguồn lực thì cần xem xét tăng lương bởi đây cũng chính là chính sách an sinh", ông Thắng đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành bày tỏ lo lắng trước tình hình an ninh trật tự khi nhắc tới sự việc 200 thanh niên mặc áo khoác màu cam, cầm hung khí đi xe máy thành đoàn ập vào quán nhậu ở quận Bình Tân (TP HCM) đập phá, đánh người bị thương (xảy ra ngày 5/6)...
"Đây là vụ việc điển hình cho thấy tình hình tội phạm diễn biến phức tạp sau dịch Covid-19", ông Thành nói và đề nghị Chính phủ, Bộ Công an cần có ngay giải pháp quyết liệt với tình trạng này.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Phó bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, đánh giá cao công tác phòng, chống Covid-19 của Việt Nam giúp "cuộc sống nhân dân gần trở lại bình thường". Tuy nhiên, bà Yến phản ánh hiện giá thịt lợn vẫn còn cao, do vậy Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát, đưa ra gói hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ trang trại tái đàn lợn, tránh việc phải nhập khẩu khối lượng lớn thịt từ nước ngoài.
Cùng mạch ý kiến này, bà Nguyễn Thị Xuân đề cập đến việc mất kiểm soát cung cầu đã đẩy giá thịt lợn lên cao trong gần một năm qua, cùng với đó là sự lúng túng, thiếu nhất quán trong xuất khẩu gạo. "Tôi cho rằng các Bộ có chức năng giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước như Nông nghiệp, Công Thương phải chịu trách nhiệm về việc này", bà Xuân nói.
Đề cập tới gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị các bộ, ngành địa phương phải chỉ đạo kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, tăng cường thanh tra, giám sát công tác chi trả này. "Tránh tình trạng bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo", đại biểu Hải nói.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Ông Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội trăn trở, trong khi các bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến đầu phòng chống Covid-19 đã nỗ lực không biết mệt mỏi, giúp đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cảm giác an toàn cho người dân cả nước, thì ở nhiều địa phương, cán bộ chính quyền cơ sở trục lợi chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
"Họ nghĩ đủ mánh khoé để trục lợi trên số tiền hỗ trợ cho người dân. Nếu địa phương không làm nghiêm thì Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội hay Chính phủ cũng khó kiểm soát", ông Cương nói và đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới hiệu quả của chính sách và tiếp tục tháo gỡ vướng mắc liên quan đến gói 62.000 tỷ đồng cũng như gói 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương người lao động.
Chiều nay 13/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội.
Anh Minh - Hoàng Thùy - Viết Tuân