Trong nhà, hai đứa con gái thi nhau cầm cúp giơ cao, miệng reo vang "bố con là lực sĩ". Anh Thái cười, rồi nhẹ nhàng xếp gọn lại từng kỷ vật thi đấu. "Ngày trước, chỉ có một vài tấm huy chương nên tôi treo, gió lùa vào kêu leng keng thích lắm. Bây giờ thì nhiều quá, nặng trĩu nên cứ vài tháng phải dọn một lần", anh nói.
Từ nhỏ, Tạ Đình Thái đã đam mê thể thao. Học lớp 8, anh được chọn vào đội tuyển bóng ném Hà Nội. Hai năm sau, anh tham gia đội bóng đá và tiếp tục thể hiện tài năng trên sân cỏ. Khi đó, Thái cao 1,7 m, nặng 59 kg. Sau, anh chuyển sang học nghề xây dựng, công việc vất vả nay đây mai đó nên anh nghỉ hẳn rồi lập gia đình.
Một lần, Thái cùng anh trai vào sân tập thể hình của đội tuyển Hà Nội rồi lọt "mắt xanh" ban huấn luyện. Chàng trai gầy có "khung form như mắc áo, eo nhỏ, đùi to, vai rộng", được đặc cách vào đội tuyển.
Cuối năm 2005, Thái được ban huấn luyện gọi đi thi đấu, thất bại. Hai năm sau, anh tham dự giải thể hình Hà Nội, có thành tích thấp nhất. "Có giải phong trào cũng thi không xong", Thái nhớ lại những bẽ bàng khi chập chững đến với thể hình. Quá trình tập luyện giúp anh nhận ra rằng trở thành vận động viên thể hình chính là tương lai. Chàng trai quyết tâm tập luyện để cải thiện hình thể và hoàn thành ước mơ của mình.
"Thái đến với thể hình muộn hơn mọi người nhưng tin là tập luyện đúng cách sẽ giúp mình bứt tốc và rút ngắn thời gian về đích", Thái nói.
Để đạt được mục tiêu, anh phải tập luyện cả tuần. Tập không phải để cơ thể to lớn, cồng kềnh mà giúp cơ bắp và các múi nét phải nổi lên như rễ cây. Trước giải thi đấu, anh dành ba tháng ăn, ngủ, nghỉ tại phòng tập. Anh cân đối và căn thời gian thi đấu để tạc body đẹp và ưng ý nhất.
Sau này, giải thể hình mở rộng nhiều loại hình mới fitness, bikini... để nhiều người tham gia hơn. Trong đó, body building được giới thể hình đánh giá là giải đấu khó nhưng danh giá nhất. Do đó, ngoài tập luyện anh còn học cách biểu diễn, múa trên nền nhạc, gương mặt tươi tắn, động tác chuyên nghiệp, bước đi hài hòa.
"Đã lên sân khấu là phải quyết liệt, tôn trọng đối thủ và không khoan nhượng", anh nói.
Năm 2009, Thái nhận giải thưởng đầu tiên, giải thể hình toàn quốc hạng B. Năm 2010, anh giành tấm huy chương vàng thể hình toàn quốc. Liên tiếp 8 năm sau, Thái đều giành huy chương vàng và trở thành vị vua của hạng cân 85 kg.
Anh nằm trong Top 5 vận động viên thể hình đẹp nhất tại giải vô địch châu Á 2013, huy chương đồng Đông Nam Á 2017. Sau đó, anh sang Hungary để tập luyện cùng các vận động viên thế giới. "Hầu hết mọi người tập hạng cân trên 100 kg nên Thái bị quá sức, đứt dây chằng cùi chỏ khiến cánh tay không thể tự chủ, giơ lên là tự rơi xuống", Thái kể. "Lúc đó, Thái đã nghĩ mình phải giã từ sự nghiệp".
Hai tuần sau, Thái trở về Việt Nam và được ban huấn luyện chăm sóc đặc biệt. Anh tự nhủ "không bỏ cuộc" và kiên trì tập những động tác nhẹ nhàng, lấy lại cảm giác. Cuối năm 2018, Thái lên đường sang Thái Lan dự giải thể hình thế giới. Đối thủ của anh là các nước mạnh về thể hình như Iran, Ấn Độ, Uzbekistan...
Ban đầu, anh đặt mục tiêu là được đi bài biểu diễn. Lúc ban tổ chức công bố top 5, Thái thất vọng khi vị trí thứ 5, 4 và 3 đều không phải tên mình, để rồi sững sờ với vị trí á quân. "Tranh nhất nhì là giấc mơ ngoài mong đợi khi lần đầu ra biển lớn", anh nói. Chàng trai mang về tấm huy chương bạc cho đội tuyển Việt Nam. Cái tên "Tạ Đình Thái" được biết đến nhiều hơn trên các giải đấu thể hình trong và ngoài nước.
Theo Thái, huy chương là giải thưởng mà mọi vận động viên ao ước. Nhưng, bộ môn khác ao ước một thì người tập thể hình lại ao ước gấp 10 lần. Bởi, thời gian chuẩn bị cho mỗi giải đấu của vận động viên thể hình là một hành trình rất dài.
Hiện tại, anh học thêm kiến thức về thể hình tại trường Đại học Thể dục, Thể thao Từ Sơn - Bắc Ninh để hướng theo con đường giảng dạy chuyên nghiệp.
"Ước mơ của tôi giờ đây là tấm huy chương vàng SeaGames sau nhiều năm lỡ hẹn. Thái sẽ chứng minh, sự thành công ngày hôm nay không phải là may mắn mà đến từ sự khổ luyện và yêu nghề", anh nói.
Thùy An