Người dân cho biết đêm 6/3, rạng sáng 7/3, binh lính và cảnh sát di chuyển vào một số quận ở Yangon và nổ súng. Họ bắt ít nhất ba người ở quận Kyauktada, song người dân không biết lý do bắt.
"Họ đòi đưa cha và anh trai tôi đi. Sẽ không có ai giúp chúng tôi sao? Không được đụng vào cha và anh trai tôi. Hãy đưa cả chúng tôi đi nếu các người muốn bắt họ", một phụ nữ hét lên khi hai người trong số họ, gồm một diễn viên và con trai ông, bị dẫn đi.
Các binh sĩ cũng đột kích nhà của luật sư từng làm việc cho đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, nhưng không tìm thấy ông, cựu nghị sĩ Sithu Maung đăng Facebook.
Cả quân đội và cảnh sát Myanmar đều chưa bình luận về thông tin trên.
Thêm nhiều cuộc biểu tình được lên kế hoạch diễn ra hôm nay sau khi truyền thông địa phương đưa tin cảnh sát bắn hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán một cuộc biểu tình ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, hôm 6/3. Hiện chưa có báo cáo về thương vong.
Nhóm biểu tình của Ủy ban Quốc gia Tổng đình công cho biết các cuộc biểu tình sẽ diễn ra tại Yangon, Mandalay và Monywa, những thành phố là trung tâm các cuộc biểu tình mà Liên Hợp Quốc cho biết hơn 50 người đã thiệt mạng. Theo số liệu từ nhóm vận động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân chính trị (AAPP), hơn 1.700 người đã bị bắt từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2.
"Họ bị đấm, bị binh lính đi ủng đá, bị đánh bằng dùi cui cảnh sát, rồi bị kéo vào xe cảnh sát", AAPP cho biết trong một tuyên bố. "Lực lượng an ninh đến khu dân cư và cố bắt thêm người biểu tình, bắn vào các ngôi nhà, làm hư hại rất nhiều".
Chính quyền quân đội Myanmar hôm qua cho biết họ đã khai quật thi thể Kyal Sin, 19 tuổi, nữ sinh viên bị bắn chết trong cuộc biểu tình ở Mandalay. Kênh truyền hình nhà nước đưa tin giải phẫu pháp y cho thấy cô không thể bị cảnh sát bắn, dựa trên loại đạn được tìm thấy trong đầu cô, cũng như việc cô bị bắn từ phía sau, trong khi cảnh sát ở phía trước.
Tuy nhiên, những hình ảnh hiện trường cho thấy Kyal Sin quay sau đầu về phía lực lượng an ninh ngay trước khi cô bị bắn. Những người phản đối đảo chính cáo buộc chính quyền âm mưu che đậy sự việc.
Nhà vận động hành lang người Canada gốc Israel, Ari Ben-Menashe, được quân đội Myanmar thuê, nói rằng các tướng lĩnh muốn rời chính trường và tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ, tách khỏi Trung Quốc. Theo ông, bà Suu Kyi đã thúc đẩy mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc để "lấy lòng" các tướng quân đội. Ben-Menashe cũng cho biết ông được giao nhiệm vụ tìm kiếm sự hỗ trợ của Arab Saudi để hồi hương những người tị nạn Rohingya.
Huyền Lê (Theo Reuters)