"Xanh hóa" trở thành đề tài được quan tâm vài năm gần đây khi các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp nhận thức rõ sự quan trọng của việc giảm tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Riêng công nghiệp - ngành chiếm đến 24% tổng phát thải toàn cầu (theo báo cáo 2021 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu) - được các quốc gia, trong đó có Việt Nam, ưu tiên đẩy mạnh trung hòa carbon, giảm dùng năng lượng, để nhanh chóng đón đầu xu thế.
Đẩy nhanh xanh hóa
Có nhiều lý do để các quốc gia đẩy nhanh quá trình xanh hóa công nghiệp. Đầu tiên là cam kết Net Zero (đưa lượng phát thải ròng về 0). Đến nay đã có khoảng 100 nước đưa ra cam kết này, trong đó có Việt Nam. Thống kê của nền tảng dữ liệu khí hậu Climate Watch (Mỹ) cho biết dẫn đầu tham vọng Net Zero là Phần Lan, với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2035. Iceland cũng hướng đến mục tiêu này khá sớm - vào năm 2040, trong khi Đức và Thụy Điển chọn thời điểm 2045. Ngoài châu Âu, những quốc gia cam kết sớm gồm Mauritania (2030) và Nepal (2045).
Mục tiêu Net Zero dẫn đến các chính phủ có hành động quyết liệt hơn để điều chỉnh các ngành nghề phát thải cao, trong đó có công nghiệp. Giải pháp chính được đưa ra là tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời cho quy trình sản xuất, vận hành; chuyển đổi kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn (phế phẩm của quy trình này sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào của một quy trình khác; ứng dụng công nghệ để tối ưu sản xuất; kiểm soát phát thải và bù đắp carbon. Một số quốc gia khuyến khích và chi ngân sách hỗ trợ các ngành công nghiệp công nghệ cao, ít phát thải.
Áp lực từ cam kết quốc tế và chính sách buộc công nghiệp phải đẩy nhanh quá trình xanh. Ở hướng ngược lại, việc chuyển dịch cũng mang đến nhiều lợi ích, cơ hội. "Xanh hóa" đòi hỏi mức đầu tư nhất định nhưng dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp, khu công nghiệp giảm chi phí năng lượng và nguyên liệu, đồng thời tăng cường hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh toàn cầu. Hàng hóa được sản xuất quy trình "xanh" dễ dàng thông hành đến những thị trường lớn, khó tính và có nhiều tiêu chuẩn.
Theo báo cáo của McKinsey cuối năm 2022, doanh thu tạo ra từ các sản phẩm phát thải ròng bằng 0 có thể đạt đến 12.000 tỷ USD mỗi năm, từ 2030. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của thị trường trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe và xu hướng bền vững.
Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cũng góp phần nâng cao vị thế, uy tín của doanh nghiệp ở các thị trường nội địa lẫn quốc tế. Chính sách của nhiều quốc gia hiện nay có ưu đãi cho công nghiệp xanh. Doanh nghiệp từ đó có thể tận dụng làm đòn bẩy để phát triển kinh doanh trong dài hạn.
Việt Nam bước đầu phát triển công nghiệp xanh
Công nghiệp xanh là bắt buộc tại Việt Nam khi nước ta đã đưa ra cam kết Net Zero đến 2050. Cụ thể hóa hóa cho mục tiêu này là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, xác định tăng trưởng xanh là định hướng quan trọng cho kinh tế - xã hội.
Trong tọa đàm về phát triển xanh ngày 28/11, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã đưa ra kiến nghị chọn dự án hoặc doanh nghiệp xanh để áp dụng cơ chế ưu đãi đặc thù, trong khi chờ hệ thống quy chuẩn xanh quốc gia. Doanh nghiệp tham gia vào tiến trình này sẽ được hưởng hai ưu đãi về tài chính và phi tài chính. Cụ thể, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, phát thải thấp, tận dụng và lưu trữ carbon... được hưởng ưu đãi thuế, tiếp cận tài chính, lãi suất. Đơn vị có cam kết về tiến trình tăng trưởng xanh được xem xét, phê duyệt để có quy trình thủ tục đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất.
Đây được xem là những bước đệm để thúc đẩy công nghiệp xanh trong dài hạn. Theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cả nước có khoảng 563 khu công nghiệp. Khoảng 397 khu đã thành lập, 292 khu đã hoạt động, rộng hơn 87.100 ha. Chưa có thống kê đầy đủ về khu công nghiệp xanh hay bền vững, sinh thái. Các khu hiện dựa vào một số công nhận hay tiêu chuẩn khác nhau.
Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang sinh thái, và 8% đến 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.
Đón đầu xu hướng chung của Việt Nam và toàn cầu, chủ đầu tư Prodezi gần đây đã công bố phát triển khu công nghiệp sinh thái Prodezi (Prodezi EIP), quy mô 400 ha tại Bến Lức, Long An.
Khu công nghiệp sinh thái này đưa ra cam kết thực hành và phát triển bền vững qua bốn nhóm trụ cột là sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng và tái chế nước, phát triển tòa nhà - kho bãi chứng nhận xanh, hình thành kinh tế tuần hoàn.
Trong đó, nguồn năng lượng chính cho toàn khu đến từ mặt trời, pin lưu trữ bên cạnh điện do EVN cung cấp. Nhà máy xử lý nước thải được đầu tư có công suất lên đến 13.000 m3/ngày, đêm. Nguồn nước sau mỗi chu trình xử lý sẽ được tái sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Tận dụng lợi thế của vùng nhiệt đới, mưa nhiều, khu công nghiệp cũng sẽ lưu trữ nước mưa cho mục đích tưới tiêu. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng hướng đến phát triển bền vững thông qua tái chế tài nguyên vật liệu, giảm phát thải. Hàng năm, đơn vị sẽ lập báo cáo về phát triển bền vững ESG, công khai đến các đơn vị thuê, cơ quan chức năng.
Trên tổng quy mô 400 ha, Prodezi EIP dành 289 ha cho đất công nghiệp, kho bãi, nhà xưởng, 17 ha cho đất thương mại, dịch vụ. Hơn 30% diện tích toàn khu là cây xanh, mặt nước được phân bổ trên khắp bình diện khu công nghiệp, len lỏi trong từng cụm nhà máy, kho bãi.
Chủ đầu tư cho biết khu công nghiệp đang chuẩn bị mặt bằng để có thể khởi công trong đầu năm 2025, dự kiến đi vào hoạt động một phần cuối quý II/2025. Prodezi EIP được kỳ vọng hút làn sóng FDI từ các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển dịch về vùng xanh, chú trọng các ngành công nghệ cao, ít phát thải.
Hoài Phương