Tại Hội thảo lấy ý kiến dự án luật Xây dựng sửa đổi do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Bộ Xây dựng tổ chức cuối tháng 3, ông Dũng thừa nhận: "Thất thoát tại những công trình xây dựng đang rất lớn, đặc biệt là các dự án dùng vốn ngân sách. Để hạn chế điều này Luật hướng tới bắt buộc thành lập các ban quản lý dự án chuyên ngành".
Lãnh đạo Bộ Xây dựng phân tích, hiện nay đa số các dự án sử dụng vốn nhà nước đều lựa chọn áp dụng mô hình tổ chức ban quản lý dự án để trực tiếp quản lý từng dự án đầu tư xây dựng đơn lẻ. Cách làm này dẫn đến gia tăng về số lượng ban quản lý dự án, nhưng hạn chế về năng lực.
Để khắc phục, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hình thức ban quản lý chuyên nghiệp, ban quản lý khu vực đối với các công trình đầu tư công. Không chỉ áp dụng với các dự án vốn ngân sách, những dự án chuyên ngành sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng phải vận hành theo cơ chế này.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải thích thêm, việc đòi hỏi trình độ chuyên môn của các ban quản lý dự án sẽ giúp giám sát chặt, xuyên suốt những công trình vốn ngân sách trong thời gian dài, không đứt quãng như trước đây. "Điều này cũng hạn chế tình trạng có hàng nghìn ban quản lý dự án nhưng hoạt động không hiệu quả, tăng chi phí quản lý dự án đầu tư", ông Dũng nói.
Vũ Lê