Đại biểu thảo luận các dự luật tại hội trường. |
Theo đại biểu Trần Mạnh Tiến, cán bộ địa chính, xây dựng xã không thể đủ sức lập quy hoạch xây dựng điểm dân cư, kế hoạch sử dụng đất. Nếu phải làm, họ sẽ phải thuê đơn vị chuyên môn làm. Các đơn vị này lại không trực tiếp ở địa phương, nên nhiều khi quy hoạch của họ thiếu thực tiễn. Giải quyết vấn đề này, ông Tiến cho rằng cần lập ở cấp huyện tổ chức dịch vụ công chuyên giúp các xã vấn đề quy hoạch đất đai, xây dựng.
Việc phân cấp mạnh, nhưng thiếu thực tế như vậy có thể tiếp tục gây ra những bất hợp lý trong quy hoạch đô thị hiện nay. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải dẫn con số thống kê của Bộ Tài nguyên và môi trường: hơn 1/4 dân số cả nước sống ở các đô thị đang chỉ hưởng diện tích cây xanh 0,5 m2/người, thấp hơn 30-40 lần so với các nước trên thế giới. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, ít nhất 3 vấn đề đầu tư xây dựng, đấu thầu, giải phóng mặt bằng phải được nêu nay trong dự thảo nghị định, và dự thảo đó cần được gửi tới đại biểu trước khi biểu quyết thông qua Luật Xây dựng. Còn cách thảo luận "chay" mà Quốc hội đang làm, theo lời ông Trân là "không đúng với tinh thần Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật".
Liên quan đến dự án Luật Xây dựng, đại biểu Mạc Kim Tôn đề nghị không nên cấm việc bỏ giá thầu dưới giá thành xây dựng, dù đây là vấn đề lâu nay dư luận rất bức xúc. Ông lập luận: "Giá thành là do nhà nước thẩm định, phê duyệt theo quy chuẩn, định mức. Nếu nhà thầu tổ chức thi công tốt, phương án tối ưu vẫn có thể giá thành thấp. Điều này cần khuyến khích". Tuy nhiên, để ngăn chặn việc nhà thầu bỏ giá thấp phi thực tế để thắng thầu, cần tăng cường giám sát ở tất cả các khâu thi công, đồng thời không cho phép nhà thầu biện bạch đòi nâng giá khi quyết toán công trình.
Toàn bộ buổi chiều nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủy sản. Tổng cộng có 15 ý kiến tham gia trong đó hầu hết tán thành với các nội dung cơ bản của luật. Luật Thủy sản cùng Luật Xây dựng sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua trong vài ngày tới.
Nghĩa Nhân