Nhóm bị cáo trong vụ án giết Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng. |
Theo luật sư Nguyễn Văn Hòa (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Thịnh), nếu kết quả giám định là đúng thì vết thương chí tử với nạn nhân Hồ Phước Hưng không phải là do con dao của Thịnh gây ra. Lời khai của Thịnh là thiếu thống nhất, lúc nói có đưa dao cho Văn Công Tiến, lúc nói không. Do đó VKS không thể chỉ căn cứ vào những bút lục xác nhận có để dùng làm chứng cứ buộc tội. Luật sư cũng đề nghị giảm nhẹ hình phạt, do Thịnh phạm tội lần đầu không đến mức mất hết nhân tính. Ngoài ra, cái chết Phan Lê Sơn không phải chỉ do một mình bị cáo mà do nhiều người gây ra, không cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình.
Đáp lại lập luận này, đại diện công tố nói: “Việc bị cáo thay đổi lời khai là quanh co, không thành khẩn. Các bị cáo có cùng mục đích, cùng hành động gây ra hậu quả nghiêm trọng nên phải chịu trách nhiệm chung về hậu quả. Không phải chỉ bị cáo nào gây ra vết thương dẫn đến cái chết của nạn nhân mới phải chịu trách nhiệm". Theo cơ quan công tố, Thịnh phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (2 người chết) nên không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Hơn nữa mâu thuẫn giữa bị cáo và Phan Lê Sơn đã chấm dứt khi bị cáo bỏ đi và vụ án chỉ xảy ra khi Thịnh quay lại, có nghĩa la Thịnh chủ động gây án với vai trò cầm đầu. Tuy nhiên luật sư Hòa cho rằng trong vụ này, Phan Lê Sơn cũng có một phần trách nhiệm do khiêu khích bị cáo trước.
Về trường hợp bị cáo Hồ Thanh Tùng, luật sư Trần Trí Phú yêu cầu HĐXX coi biên bản giám định pháp y là chứng cứ. Theo lời khai của Tùng, bị cáo đã đâm nhầm vào Thọ "Đại Úy". Nếu sau này bắt được Thọ, và giám định đúng con dao gây ra vết thương trên người Thọ không phải là con dao gây ra vết thương dẫn tới cái chết của Hồ Phước Hưng thì bản án tử hình mà cấp phúc thẩm có thể tuyên y án sơ thẩm sẽ phải xem xét lại thế nào? Luật sư cho rằng Tùng chỉ là người làm công giữ xe, được Bảy Việt kêu chở đi công việc, không hề biết trước rằng đi để đánh nhau. Khi bị đến hiện trường, Tùng lại không biết đánh ai, và còn đâm nhầm Thọ. Như vậy không hề có sự câu kết chặt chẽ, phân công bàn bạc gây án giữa Hồ Thanh Tùng với các bị cáo khác. Do đó không thể quy kết bị cáo “giết người có tổ chức”. Ngoài ra, theo luật sư Phú, tình tiết tái phạm nguy hiểm mà cấp sơ thẩm đã áp dụng để định khung hình phạt thì không thể được nhắc lại một lần nữa trong bản án để làm tình tiết tăng nặng.
Bị cáo Phạm Văn Minh ngồi nghe luật sư bào chữa.
Bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Minh (Minh "Bu"), luật sư Hồ Quang Nghĩa cho rằng Minh có hai tiền án về cờ bạc, chứ không phải có tiền án gây thương tích. Trong vụ Phan Lê Sơn, bị cáo gây án là do thấy Thọ “Đại Úy” bị đâm nhầm, ra máu nhiều nên ngộ nhận bức xúc nhất thời xông vào tham gia. Bị cáo không có động cơ giết Phan Lê Sơn, thậm chí đã từng ngồi nhận chung mấy lần. Lời khai bất lợi do những bị cáo khác đưa ra là không đáng tín cậy. Bởi Lê Thị Kim Anh cũng đã thừa nhận “không nhớ rõ, do mất ngủ thường xuyên uống thuốc”, Hiệp "Phò Mã” thì cho rằng bị say rượu không biết, Kim Yến lại có tư thù với bị cáo.VKS bác bỏ và khẳng định chính Minh biết Phan Lê Sơn là người quen mà vẫn cứ đâm, nên thể hiện tính côn đồ. Bị cáo lại có nhân thân xấu, phạm tội nghiêm trọng với nhiều tình tiết tăng nặng nên bản án tử hình với bị cáo là có căn cứ.
Nguyễn Mạnh Trung đăm chiêu trước giờ tự bào chữa.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Mạnh Trung, chịu hình phạt sơ thẩm 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tự biện hộ cho mình, bị cáo khẳng định không hề chống lại chỉ đạo ông Võ Văn Măng, không bắt Thọ “Đại Úy”. Trung nhấn mạnh: “Tại sao không xác minh những người cùng tham gia cuộc họp ban chuyên án để xem bị cáo có cãi không? Hay ông Măng lo sợ nên đổ lỗi cho bị cáo. Trong quá trình điều tra, bị cáo được biết Võ Văn Măng đã 3 lần đến cơ quan điều tra và khai rất khác nhau, xin rút lại lời khai, vậy có minh bạch không?”.Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho Nguyễn Mạnh Trung cũng cho rằng, chỉ đạo của ông Võ Văn Măng “không bắt Thọ tội này thì bắt tội khác” trái với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Thọ có bỏ trốn, nhưng không phải trong giai đoạn điều tra nên không thuộc trách nhiệm của Trung. Thực tế, khi hồ sơ đã chuyển qua VKSND TP HCM rồi đến TAND thành phố, đến ngày 25/10/2001 tòa vẫn ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, tức là cho phép Thọ được tại ngoại mà không bắt. Mãi đến tháng 12/2001 khi Năm Cam bị bắt Thọ mới bỏ trốn.
Trong phần tự bào chữa, Nguyễn Mạnh Trung nêu ra một số "công trạng" của mình: Phát hiện Hà Thị Thu Giang tổ chức chạy tội cho Nguyễn Tuấn Hải (Hải Bánh) bằng cách cấu kết với điều tra viên và một cán bộ Vụ Pháp chế Bộ Công An (hiện nay đã bị kỷ luật). Chính bị cáo đã báo cáo với ông Võ Văn Măng và tướng Nguyễn Việt Thành đề xuất chuyển Hải Bánh về Công an Tiền Giang để tránh thông cung. Bị cáo Trung nhận xét: “Hải Bánh xảo quyệt đến mức sau khi giết Dung Hà đã chạy đến Cơ quan điều tra Bộ Công an xin làm cơ sở đặc tình”.
Ngoài ra theo Nguyễn Mạnh Trung tiếp, kết luận điều tra của Bộ Công an dùng để buộc tội mình chưa thuyết phục, bởi không thẩm tra lại thông tin. Có rất nhiều chiến sỹ công an biết mặt Năm Cam, sao không lấy lời khai họ để xác minh việc Năm Cam có đến dự sinh nhật con của Trung không? Số tiền 500 USD Năm Cam khai đưa cho Nam đi phúng viếng đám tang nhà Trung, nhưng Nam lại khai không biết. Việc qui kết bị cáo nhiều lần ăn nhậu với Năm Cam có mặt Tạ Đắc Lung, Nguyễn Thành Thảo tại sao không thẩm tra lại xem Lung và Thảo có xác nhận điều này?
Ngày mai, đại diện VKSND Tối cao giữ quyền công tố tiếp tục tranh luận với luật sư bào chữa cho các bị cáo Nguyễn Mạnh Trung, Lê Thị Kim Anh, Trương Tấn Phi, Võ Song Toàn, Trần Dương.
Thiên Nguyên