Sáng 17/5, phiên toà xét xử 14 bị cáo trong vụ buôn bán 838.100 hộp thuốc giả của VN Pharma tiếp tục với phần đối đáp của VKS với phần bào chữa của các luật sư.
Với cáo buộc là chủ mưu, cựu chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị đề nghị 20 năm tù, mức án cao nhất trong 14 bị cáo. Là người trình bày đầu tiên trong phiên tranh tụng trước nội dung buộc tội, luật sư Nguyễn Đình Hưng, bào chữa cho bị cáo Hùng, nói "không tranh luận về tội danh" song đưa ra hai đề nghị với HĐXX.
Đầu tiên, luật sư kiến nghị làm rõ "thuốc giả của VN Pharma giả đến đâu?". Trước việc cựu chủ tịch Hùng bị truy tố về hành vi "sử dụng các giấy tờ giả mạo để làm sai lệch nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất thuốc", luật sư cho rằng cơ quan công tố mới chỉ nêu "vi phạm về nhãn hiệu hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ hàng hoá" mà chưa đề cập "chất lượng của hàng giả đó ra sao và hậu quả là gì?".
Viện dẫn các bút lục, luật sư nói kết quả kiểm nghiệm với các loại thuốc này do Viện kiểm nghiệm thuốc TP HCM xác định "tính chất, định chất, thể chất, hạn sử dụng, độ vô khuẩn, tính bất thường, định lượng... tất cả đều đạt tiêu chuẩn".
Luật sư do đó cho rằng thuốc của VN Pharma "chỉ giả về mặt xuất xứ, không vi phạm quy định về chất lượng". Theo ông, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu thập thông tin trên diện rộng, tại các quốc gia và các cơ quan quản lý liên quan song "không thu được tài liệu nào chứng minh các loại thuốc giả trong vụ án đã gây ra hậu quả nào đó cho người tiêu dùng".
Thứ hai, về vai trò của bị cáo Hùng trong vụ án, luật sư cho rằng, cựu chủ tịch VN Pharma và các bị cáo tại doanh nghiệp này ở trong thế "rơi vào ma trận" của Nguyễn Lê Xuân Khang (hiện bỏ trốn) cùng cháu trai là bị cáo Võ Minh Hùng và đối tác người Philippines Raymundo (tài liệu điều tra cho thấy năm 2009-2012, người này 13 lần nhập cảnh Việt Nam, do chưa có kết quả tương trợ tư pháp nên chưa đủ căn cứ xử lý).
Theo quan điểm bào chữa của luật sư Hưng, ba người này chủ động tiếp cận VN Pharma và đưa ra các giấy tờ con dấu giả trong hồ sơ nhập thuốc. Hùng cùng nhân viên "không ý thức được đây là giả" vì ngay chính cán bộ Cục Quản lý Dược cũng không thể phát hiện ra. "Các giấy tờ này chỉ được phát hiện là giả khi cơ quan điều tra khởi tố và áp dụng các biện pháp khoa học pháp lý", luật sư suy luận.
Ngoài ra, tháng 12/2012, các bị cáo đã giao kết hợp đồng song đến tháng 11/2013, Chính phủ mới ban hành nghị định 185 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. "Như vậy là vi phạm này có trước, các bị cáo không thể nhận thức được đó là tội hình sự, mà chỉ nhận thức đó là một vi phạm hành chính", nội dung bào chữa nêu.
Về chủ quan, luật sư cho rằng cựu chủ tịch VN Pharma "rất hạn chế về hiểu biết pháp luật", vì trong phiên tòa này còn có cựu cán bộ ngành dược và một là cựu cán bộ cục Hải quan TP HCM - những người am hiểu và có kiến thức.
"Điều này để nói rằng các bị cáo nói chung và thân chủ tôi nói riêng, bị chi phối bởi các quy định pháp luật mà chính mình không nhận thức được, chứ không phải cố ý phạm tội", ông lập luận.
Theo cáo trạng, cựu chủ tịch VN Pharma bị VKSND Tối cao cáo buộc cấu kết với bị cáo Võ Mạnh Cường chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm giả 15 hợp đồng mua bán và 26 phụ lục hợp đồng, nâng khống giá thuốc, làm giả chứng từ thay đổi nguồn gốc xuất xứ thuốc, hợp thức chứng từ thanh toán để thông quan, nhập khẩu các thuốc, thu lợi bất chính 31,5 tỷ đồng.
Sáng nay, 17/5, VKS đã đối đáp về quan điểm trên của luật sư của Hùng. Trước nội dung bào chữa VN Pharma chỉ buôn bán hàng giả xuất xứ, không ảnh hưởng đến người bệnh và chất lượng thuốc, VKS nói: "Health 2000 không sản xuất thuốc, Công ty Helix của Raymundo cũng không sản xuất thuốc nhưng lại có thuốc của hai công ty này". Do đó, VKS kết luận đây là thuốc không rõ nguồn gốc và giả nhãn mác Health 2000.
Trong vụ án này, 4 loại thuốc bị làm giả đều không thu được mẫu nên không giám định được về chất lượng. Vì thế cáo trạng không kết luận các thuốc trên "giả về chất lượng".
Về hậu quả, VKS và cơ quan điều tra chỉ kết luận hậu quả là số lượng thuốc với giá 1,2 triệu USD lên gần 2,6 triệu USD, được nhập khẩu vào Việt Nam. Thiệt hại được tính, hơn 31 tỷ đồng, là giá trị hàng hoá đã được buôn bán, còn VN Pharma không có thiệt hại trong vụ án.
Đây là vụ án thứ hai bị cáo Hùng vướng lao lý. Năm 2019, bị cáo cùng nhiều nhân viên tại VN Pharma cũng phải hầu toà vì hành vi buôn lậu 9.300 hộp thuốc điều trị ung thư giả, H-Capita 500mg. Trong phiên xét xử này, những tranh luận quanh việc thuốc H-Capita 500mg là "thuốc giả", "thuốc kém chất lượng", hay "thuốc thật, chỉ giả về xuất xứ" đã diễn ra gay gắt ra giữa cơ quan công tố và phía còn lại, gồm đại diện Bộ Y tế và luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Khi đó, Cục Quản lý Dược gửi công văn khẩn tới TAND TP HCM xác định lô thuốc H-Capita do VN Pharma nhập về là "thuốc thật" do Ấn Độ sản xuất. Hùng và đồng phạm chỉ đã làm giả xuất xứ lô hàng này là của Canada nhằm trục lợi.
Song cuối cùng, quan điểm trên bị VKS bác bỏ, do những tài liệu này được Cục Quản lý dược tự ý thu thập và cung cấp cho cơ quan điều tra, không tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng. Hơn nữa, Cục Quản lý Dược khi đó cũng đang bị điều tra sai phạm liên quan việc cấp phép nhập khẩu thuốc cho VN Pharma nên VKS đánh giá tài liệu "không đảm bảo tính khách quan".
Tháng 10/2019, Hùng bị TAND TP HCM tuyên 17 năm tù về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg được toà kết luận "giả về nguồn gốc xuất xứ nơi sản xuất; kém về chất lượng".
Sáng nay, cơ quan công tố đang tiếp tục đối đáp với các luật sư còn lại.
Mức án VKSND Hà Nội đề nghị với 14 bị cáo trong vụ án đang xét xử tại TAND Hà Nội
1. Nhóm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2, điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999:
Ông Trương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Y tế) 7- 8 năm tù; Lê Đình Thanh (cựu cán bộ hải quan TP HCM) 2-3 năm tù và Nguyễn Việt Hùng (cựu cục phó Quản lý Dược) 3-4 năm tù.
Ba bị cáo bị đề nghị cấm hành nghề trong các lĩnh vực liên quan 3-5 năm, sau khi chấp hành xong án phạt.
2. Nhóm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2, Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999:
Hai cựu cán bộ Cục Quản lý Dược Nguyễn Thị Thu Thủy và Phạm Hồng Châu lần lượt bị đề nghị mức án 7-8 năm và 4-5 năm tù.
Cả hai bị cấm hai bị hành nghề trong các lĩnh vực liên quan y dược 3-5 năm, sau khi chấp hành xong án phạt.
3. Nhóm tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo điều 157, Bộ luật Hình sự năm 1999:
Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch HĐQT VN Pharma) 20 năm; Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc công ty H&C) 20 năm; Nguyễn Trí Nhật (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma) 15-16 năm; Ngô Anh Quốc (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma) 14-15 năm; Phan Cẩm Loan (cựu phó trưởng phòng xuất nhập khẩu VN Pharma) 11-12 năm, tổng hợp chung 18-19 năm; Lê Thị Vũ Phương (cựu kế toán trưởng VN Pharma) 10-11 năm; Phạm Anh Kiệt (cựu tổng giám đốc Công ty Dược Sài Gòn) 11-12 năm; Phạm Quỳnh Trang (cựu nhân viên công ty H&C) 9-10 năm; Nguyễn Thị Quyết (cựu nhân viên VN Pharma) 8-9 năm.
VKS cũng đề nghị HĐXX cấm 9 bị cáo trên đảm nhiệm, hành nghề hoặc làm công việc liên quan lĩnh y dược trong vòng 3 năm, sau khi chấp hành xong án phạt.
Thanh Lam