Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ra văn bản số 932 về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020. Theo đó, học sinh đã được giáo dục nhưng vẫn vi phạm luật giao thông nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.
Luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng việc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội ban hành Thông tư có thể xuất phát từ động cơ tốt, nhằm chấn chỉnh ý thức tham gia giao thông của học sinh. Tuy nhiên căn cứ Thông tư 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và đào tạo) về hướng dẫn khen thưởng và kỷ luật học sinh các trường phổ thông thì quy định mới này "là trái pháp luật". Thông tư 08/TT không có quy định nào cho phép Sở giáo dục các địa phương được phép mở rộng các hành vi vi phạm của học sinh để thi hành kỷ luật.
Luật sư cho rằng học sinh vi phạm luật giao thông không liên quan trực tiếp đến hoạt động giáo dục của nhà trường nên không thể áp dụng hình thức đuổi học cũng như bất kỳ hình thức nào khác. Việc vi phạm luật giao thông đã có cảnh sát xử lý theo quy định của pháp luật (xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự).
“Nếu học sinh vi phạm mà bị cảnh sát xử phạt, đồng thời bị nhà trường kỷ luật thì rõ ràng một hành vi vi phạm nhưng bị xử lý hai lần. Điều này trái với nguyên tắc pháp luật nói chung”, luật sư Vinh nhận định.
Luật sư Nguyễn Thân, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng quy định này là "vi hiến và không phù hợp với pháp luật". "Học sinh vi phạm trật tự giao thông chứ không vi phạm trong việc học tập", ông Thân nêu quan điểm phản đối quy định tại văn bản 932.
Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Nguyễn Văn Chiến nhìn nhận việc Sở Giáo dục Hà Nội ra quy định như vậy là hướng tới mục đích chung tốt đẹp giúp học sinh tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, việc học sinh không tuân thủ, vi phạm pháp luật là vấn đề "nóng" mà nhà trường, gia đình, xã hội phải chung tay quản lý, giáo dục. Nếu Sở Giáo dục Hà Nội buộc học sinh nghỉ học để gia đình, xã phường giáo dục thì vô hình trung đang đùn đẩy phần trách nhiệm của nhà trường.
Trao đổi với VnExpress, Cục trưởng Kiểm tra văn bản vi phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba cho hay Cục mới chỉ biết thông tin về quy định này qua báo chí. Lãnh đạo Cục đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra văn bản gốc từ Sở Giáo dục Hà Nội theo đúng trình tự rồi mới đưa ra kết luận cụ thể.
Ngày 7/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra văn bản số 932 về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020. Văn bản yêu cầu: 100% cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học được quán triệt quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ký cam kết với nhà trường chấp hành nghiêm túc các quy định này. Phụ huynh học sinh cũng phải ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho con khi chưa đủ điều kiện, thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy và xe đạp điện. Các nhà trường để xảy ra tình trạng cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên vi phạm pháp luật, không có biện pháp xử lý kịp thời, không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm. Các học sinh, sinh viên khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Nếu biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần hai, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú. Trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe. |
Bảo Hà