Chiều 21/12 tại TAND Hà Nội, trong phần tự bào chữa, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone Lê Nam Trà thừa nhận tội danh cáo buộc là đúng nhưng cho rằng hình phạt đề nghị quá nghiêm khắc. Khi nhắc về cấp dưới ở MobiFone, ông bật khóc và mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho họ, "những người từng là cán bộ ưu tú".
Ông nhận trách nhiệm khi không đủ khả năng dẫn dắt MobiFone vượt qua các sức ép, để cấp dưới phải ra trước vành móng ngựa. Theo ông, yếu tố chính ảnh hưởng dự án là sự chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Thông tin và Truyền thông về các trình tự, thủ tục tiến hành và thẩm định giá. Ông không tham vọng, đòi hỏi gì với cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ và cũng không tạo sức ép với Ban giám đốc MobiFone.
Bào chữa cho hành vi nhận hối lộ 2,5 triệu USD của ông Trà, luật sư Đặng Văn Minh cho hay ông Phạm Nhật Vũ đã tự nguyện "mang quà biếu ông Trà". Quá trình thực hiện dự án, hai bên không bàn bạc hay hứa hẹn gì về số tiền này. Hơn nữa, ngay khi nhận được 2,5 triệu USD, ông Trà có ý thức là tiền bất hợp pháp, đã trả lại song bị Phạm Nhật Vũ từ chối. Luật sư Minh đề nghị HĐXX có những tình tiết khoan hồng khi ông Trà đã tự thú trước khi bị cáo Vũ khai báo.
Ở khía cạnh bào chữa khác, luật sư Phan Trung Hoài mong HĐXX xem xét đến bối cảnh xảy ra vụ án và nhận thức của các bị cáo để có mức án phù hợp. Luật sư Hoài cho rằng MobiFone có văn bản đề xuất mua lại một kênh truyền hình chiến lược độc lập trước khi AVG muốn bán cổ phần. Chiến lược này đã được những người tiền nhiệm của ông Lê Nam Trà thống nhất từ năm 2014.
Hơn nữa, trong quá trình thực hiện dự án, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như MobiFone đều lúng túng trong việc áp dụng quy định pháp luật. Ông Hoài cho hay, các bộ cùng đồng ý với đơn vị phê duyệt dự án là Bộ Thông tin và Truyền thông khiến các bị cáo nghĩ rằng đang làm đúng. Riêng ông Trà, đến quá trình điều tra mới nhận thức được rằng thẩm quyền phê duyệt dự án thuộc Thủ tướng.
Theo luật sư Hoài, AVG gọi dự án này là mua bán cổ phần nhưng MobiFone lại coi đây là đầu tư mua lại hãng truyền hình kỹ thuật số. Cách hiểu khác nhau dẫn đến việc nhận thức về thẩm quyền phê duyệt dự án có sự khác biệt. Hơn nữa, điều lệ MobiFone quy định Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt các khoản đầu tư ngoài ngành vượt thẩm quyền của Hội đồng thành viên. Ban đầu lãnh đạo MobiFone đề xuất mua một hãng truyền hình song khi lãnh đạo bộ giới thiệu đơn vị mới làm biên bản ghi nhớ với AVG. MobiFone sau đó đã báo cáo rõ tình hình tài chính của AVG với Bộ.
Về việc ký hợp đồng, luật sư Hoài cho rằng cựu chủ tịch Trà đã bị động. Trong cuộc liên hoan cuối năm, ông Trà được bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói "cậu ký đi" dù nghị quyết của Hội đồng thành viên đã giao cho Tổng giám đốc Cao Duy Hải ký. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như ông Trà khi áp dụng luật điều chỉnh về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt dự án rất lúng túng.
Ngược lại với lời khai của ông Trà, trong phiên toà chiều 20/12, bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên (cựu phó tổng giám đốc phụ trách MobiFone) khai từng bị trù dập và gây khó khăn trong công việc vì phản đối trả nốt tiền cho AVG. "Ông Lê Nam Trà còn liên tiếp chỉ đạo ban giám đốc kỷ luật tôi. Ở MobiFone ít người nào dám phản đối chủ tịch", ông Nguyên nói.
Ngày mai, toà không làm việc.
Theo cáo trạng, ông Phạm Nhật Vũ đã bán được 95% cổ phần của AVG cho MobiFone với giá 8.900 tỷ đồng, cao hơn 6.500 tỷ đồng so với giá trị thật. Việc này mang lại lợi ích cho ông Vũ và các cổ đông AVG song gây thiệt hại gần 6.600 tỷ đồng cho nhà nước (tính cả tiền của các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được rút trước hạn để thanh toán cho AVG).
Ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn cùng cựu chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà, cựu tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải sau đó đã nhận "lót tay" khoảng 136 tỷ đồng từ ông Vũ. Theo vị trí và mức ảnh hưởng, ông Son nhận 3 triệu USD (hơn 66 tỷ đồng), ông Lê Nam Trà được đưa 2,5 triệu USD (hơn 55 tỷ đồng), ông Cao Duy Hải nhận 500.000 USD (hơn 11 tỷ đồng) và ông Trương Minh Tuấn nhận 200.000 USD (hơn 4 tỷ đồng).