Mở đầu phần tranh luận, luật sư bảo vệ quyền lợi của cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm là Đào Hữu Đăng, Nguyễn Huy Thiệp nêu quan điểm bào chữa cho thân chủ.
OceanBank là nhà băng duy nhất bị xử lý hình sự
Luật sư Đào Hữu Đăng cho rằng thời điểm năm 2011 theo thống kê có tới 29/30 ngân hàng chi lãi suất ngoài hợp đồng để huy động vốn của khách hàng. Tuy nhiên đến nay chỉ có duy nhất OceanBank bị xử lý hình sự về việc này.
"Phải chăng thiệt hại ở OceanBank quá lớn còn các ngân hàng khác thì không? Tôi cho rằng không phải", luật sư nói và cho hay Ngân hàng Nhà nước khi đó đã chấn chỉnh các ngân hàng lớn về việc chi lãi ngoài. Tuy nhiên trong số này không có tên OceanBank.
"OceanBank là nhà băng nhỏ, kế toán minh bạch, nghiêm túc nhưng cũng là ngân hàng duy nhất bị xử lý hình sự", ông Đăng nói.
Cùng nhận định đây là "ngân hàng duy nhất bị xử lý", luật sư Nguyễn Huy Thiệp nói căn cứ tính thiệt hại là số liệu đơn phương từ cơ quan điều tra. Ông cho rằng đây là việc "hình sự hoá quan hệ kinh doanh ngân hàng".
Luật sư Đỗ Mạnh Trường bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên tổng giám đốc OceanBank) cùng quan điểm, cho rằng sai phạm của các bị cáo đã bị hình sự hóa.
Các luật sư nói con số trong sổ sách thể hiện nhà băng này không bị thiệt hại, thậm chí còn lãi cao trong suốt nhiều năm thực hiện chủ trương chi lãi ngoài hợp đồng.
Ông Đinh La Thăng ký công văn "đề nghị" các công ty thành viên gửi tiền tại OceanBank
Chiều nay, bào chữa cho cựu tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho hay trước khi ông Sơn về OceanBank, ông Đinh La Thăng vào ngày 18/9/2008 đã ký văn bản hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí (PVN) và OceanBank. Theo đó, bên A là PVN hỗ trợ bên B là OceanBank. Bên A sử dụng dịch vụ tài chính do bên B cung cấp.
Nội dung này sau đó còn phát triển thành bản thoả thuận tháng 6/2009 với việc nêu rõ các đơn vị thành viên tập đoàn PVN mở tài khoản thanh toán tại OceanBank.
"Tháng 9/2010, ông Đinh La Thăng khi đó là Chủ tịch HĐQT PVN ký công văn gửi các nhà thầu dầu khí, các đơn vị thành viên yêu cầu mở tài khoản tại OceanBank, các dịch vụ tài chính khác. Tất cả những chủ trương này đã được thực hiện trước khi ông Sơn được giới thiệu sang OceanBank. Ở PVN không ai có thể làm trái chủ trương đó, kể ông Sơn. Vì thế không thể quy kết ông Sơn lợi dụng uy thế của PVN để chiếm đoạt tài sản", luật sư Tâm nói.
Trước đó trong phần xét hỏi ngày 11/9, VKS cũng đề cập đến "chủ trương" này khi hỏi đại diện PVN rằng: Tài liệu, hồ sơ vụ án thể hiện năm 2009-2010, PVN có văn bản yêu cầu các tổng công ty, tổ chức liên quan trong tập đoàn thực hiện các giao dịch tài chính thông qua OceanBank. Cơ sở nào ra văn bản như vậy?
Ông Hoàng Văn Dũng, đại diện PVN trả lời: Thực hiện thoả thuận giữa PVN và OceanBank khi tập đoàn này trở thành cổ đông chiến lược của nhà băng. Một trong những nhiệm vụ của cổ đông chiến lược là hỗ trợ ngân hàng phát triển kinh doanh.
Ông Dũng khẳng định PVN không có văn bản nào mang tính ép buộc các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank mà "chỉ khuyến khích, đề nghị, mang tính tự nguyện".
Đại diện VKS khi đó dẫn văn bản ký ngày 22/6/2009 của Tổng giám đốc PVN yêu cầu các công ty thành viên giao dịch tài chính với OceanBank và thắc măc "đó có phải là tính pháp lý bắt buộc, cản trở tính tự chủ của các doanh nghiệp, tập đoàn?".
Ông Dũng trả lời, quyền tự chủ hoàn toàn thuộc về các đơn vị thành viên. "Họ có quyền tự quyết và việc sử dụng thế nào là quan hệ của các đơn vị thành viên với ngân hàng", ông nói.
Trước câu trả lời này, đại diện VKS vẫn cho rằng chủ trương của PVN có tính áp đặt và thực tế đã tạo ra rủi ro khi 100% các đơn vị thành viên tập trung nguồn lực tài chính khổng lồ vào OceanBank.
Thẩm phán Trương Việt Toàn ngay sau đó giải thích thêm, văn bản của PVN là công văn mà công văn không phải văn bản quy phạm pháp luật, chỉ mang tính hướng dẫn. Tuy nhiên công văn này có lại có từ "đề nghị". Dù vậy, nam thẩm phán cho cho biết nội dung trên không thuộc phạm vi xét xử của vụ án.
Bản luận tội không phản ánh không khí của 11 ngày xét hỏi
Luật sư Nguyễn Minh Tâm (bào chữa cho bị cáo Sơn) cho rằng bản chất của nhiều vấn đề trong vụ án đã được làm rõ trong quá trình xét hỏi. "Nhưng sáng nay nghe phần luận tội của VKS, chúng tôi thực sự buồn, vì không phản ánh không khí xét hỏi sôi nổi", ông Tâm nói.
Luật sư này cho rằng VKS đã bảo vệ bản cáo trạng nên lời luận tội không khác gì bản cáo trạng rút ngắn, chưa đảm bảo hoạt động chứng minh tội phạm khi thực hiện quyền công tố.
Với phần bào chữa dài 22 trang giấy, ông Tâm khẳng định đây là lần đầu tiên ở Việt Nam một hành vi chi lãi ngoài hợp đồng bị xử lý hình sự thành tội Cố ý làm trái.
Theo luật sư, các bị cáo đều thừa nhận tình thế nào bắt buộc phải làm trái song không gây "hậu quả" mà mang lại "hiệu quả". "Thường thì làm trái người ta che giấu, nhưng ở đây lại công khai minh bạch, đưa vào hệ thống sổ sách. Phải chăng tính minh bạch mới đưa bị cáo đến phiên toà hôm nay?", luật sư nói.
Luật sư cho rằng nếu chứng minh ông Sơn lợi dụng là người đại diện quản lý nguồn vốn của Tập đoàn Dầu khí ở OceanBank, lợi dụng vị thế để chiếm đoạt tiền, gây ảnh hưởng uy tín PVN như phần luận tội đã nêu thì công tố viên phải đưa ra căn cứ. "Theo tôi, VKS đưa ra cáo buộc "nguy hiểm" khi đánh giá việc làm của ông Sơn gây bất bình, ngoan cố, coi thường pháp luật... là không thuyết phục".
Luật sư tố một hành vi bị truy tố nhiều tội danh
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Phạm Danh Tín nói ngỡ ngàng vì một hành vi chi lãi ngoài hợp đồng mà thân chủ bị cáo buộc tới ba tội: Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Tín nói: Nhìn tổng quan, toàn bộ vụ án này chỉ có mấy hành vi chính: chi 69 tỷ đồng từ BSC, chi 1.500 tỷ đồng lãi suất ngoài hợp đồng và cho vay 500 tỷ đồng.
Việc chi lãi ngoài "đúng là vi phạm Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước", nhưng đã được chứng minh là "không thiệt hại". "Chưa có cơ quan pháp lý nào xác định 1.500 tỷ là thiệt hại của OceanBank. Nếu thực sự chứng minh được thiệt hại, ông Sơn chỉ phạm một tội là Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", luật sư nói.
Tương tự, luật sư Đỗ Mạnh Trường bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên tổng giám đốc OceanBank) nói cùng một hành vi chi lãi ngoài song thân chủ bị truy tố thành hai tội: Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
"Quá trình xét xử vẫn chưa làm rõ với khoản tiền 1.500 tỷ đồng thì ai bị thiệt hại, ai phải bồi thường và bồi thường cho ai? Nguyên nhân là sự thiếu hợp tác trong quá trình xét xử của đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng như đại diện Đoàn giám sát Ngân hàng Nhà nước", luật sư nêu quan điểm và bày tỏ nguyện vọng "tha thiết mong HĐXX cho trở lại phần xét hỏi ở bất cứ thời điểm nào".
Luật sư nói thân chủ mình không phải là đồng phạm giúp sức cho cựu tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn trong việc chi 69 tỷ đồng qua Công ty BSC của Hà Văn Thắm bởi bà Thu không biết nguồn tiền như thế nào, không biết ông Sơn chi ra sao. Nhiều khoản tiền bà Thu bị cơ quan điều tra cáo buộc đã chi song không được đối chất để làm rõ trước tòa.
"Ví dụ khoản 116 tỷ đồng, chưa cơ quan nào xác định được Thu hay cựu phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh Phương chi, trong khi hai bị cáo này chưa một lần được đối chất. Tại phiên toà này lại không có mặt bị cáo Phương", luật sư nói.
Theo luật sư, bà Thu là thế hệ giám đốc đi làm thuê đầu tiên ở Việt Nam vì thế "hoàn toàn bị chi phối bởi ông chủ ngân hàng". Nếu bà Thu bị kết tội thì đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Ngày mai, tòa tiếp tục phần tranh tụng.