Bộ Tài chính vừa có đề xuất đánh thuế sở hữu với người có nhà, đất giá trị từ 700 triệu đồng với mức 0,4% mỗi năm (cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng). Hai phương án định giá đất để tính thuế được Bộ này đề ra đó là theo bảng giá do UBND cấp tỉnh công bố thời điểm tính thuế hoặc theo giá trị trường.
Bộ Tài chính lý giải 174 trong số 193 quốc gia đã triển khai hoạt động này nhiều năm. Hơn nữa, người được hưởng lợi từ việc sử dụng kết cấu hạ tầng, giao thông, phúc lợi xã hội phải có nghĩa vụ với nhà nước. Bộ sẽ lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan và người dân về đề xuất này.
Người dân lo thuế chồng thuế
Trước đề xuất này, một số người dân cùng chuyên gia luật đều tỏ ý quan ngại. Anh Đào Mạnh Huy (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, làm việc ở một cơ quan nhà nước với mức lương 6 triệu đồng một tháng, sau 10 năm ở Hà Nội, anh tích cóp được gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên để mua căn chung cư 1,1 tỷ đồng ở tận khu đô thị Kiến Hưng, ở nơi xa trung tâm Hà Nội, anh phải vay 70% giá trị căn hộ của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ của ngân hàng.
Khi nhận nhà, anh Huy mất gần 20 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ, làm sổ đỏ, thuế thu nhập cá nhân... Nếu phải đóng thêm 0,4% tiền thuế một năm cho phần vượt 700 triệu đồng của căn nhà, anh tính sẽ mất thêm 2 triệu đồng mỗi năm.
“Thuế chồng thuế, còn biết bao khoản khác người dân lao động như chúng tôi phải lo. Có cái nhà, tôi tưởng đã yên thân khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước đó”, anh chia sẻ.
Muốn có chỗ ở kiên cố, rộng rã nhưng không có nhiều tiền để mua trong nội thành, vài tháng trước anh Phạm Hoàng An (36 tuổi) mua căn nhà hai tầng 2,7 tỷ đồng ở khu đô thị mới thuộc địa phận huyện Hoài Đức (Hà Nội). Hôm nay, anh sững người trước thông tin phải nộp thuế cho phần vượt giá trị vượt quá 700 triệu đồng của căn nhà. Nếu chế tài này áp dụng, mỗi năm anh phải đóng 8 triệu đồng.
“Khi mua nhà đã đóng khá nhiều loại thuế nên giờ phải gánh thêm thuế suất như Bộ Tài chính đề xuất tôi thấy rất bất hợp lý”, anh An nói và cho hay đang phải trả món nợ 1,5 tỷ đồng từ người thân, bạn bè và ngân hàng.
Luật sư Nguyễn Xuân Anh: 'Quy định đi ngược tinh thần Hiến pháp'
Luật sư Nguyễn Xuân Anh (Hà Nội) cho rằng Bộ Tài chính thiếu cơ sở pháp lý khi đề xuất việc đóng thuế như trên, mặt khác khi không đủ cơ sở pháp lý thì cũng phải có cơ sở thực tiễn. "Nhưng cơ sở thực tiễn mà Bộ Tài chính chỉ căn cứ vào việc đem về nguồn thu cho nhà nước mà quên quyền lợi của người dân", luật sư nói.
Theo ông Xuân Anh, đề xuất này nếu được thông qua sẽ làm triệt tiêu hoặc phương hại tới quyền lợi của đại đa số người dân sở hữu nhà. "Đây là quy định đi ngược lại tinh thần Hiến pháp, bởi mọi người dân đều có quyền có nơi ở", ông nêu quan điểm.
Đánh giá việc giải thích học hỏi kinh nghiệm từ các nước, luật sư Xuân Anh cho rằng "lý giải" này chưa chặt chẽ bởi các quốc gia văn minh thường áp dụng đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi.
Luật không phù hợp dễ dẫn đến trốn thuế
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Hà Nội) cho hay dự thảo cần đánh giá tác động đến nền kinh tế, đời sống xã hội của người dân. Sẽ bao nhiêu gia đình sẽ chịu ảnh hưởng của đạo luật này? Vấn đề an sinh xã hội sẽ bị tác động thế nào nếu đạo luật được thông qua?...
Pháp luật hiện nay quy định người có thu nhập có thể phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Khi nhận chuyển nhượng đất đai, nhà ở thì họ phải chịu lệ phí trước bạ và một số phí, lệ phí khác. Trong quá trình sử dụng, chủ tài sản phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (nộp hàng năm). Khi chủ sở hữu chuyển nhượng cho người khác thì họ phải chịu thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc đối tượng và diện chịu thuế). Như vậy, chủ sở hữu tài sản chịu thuế cho toàn bộ quá trình từ khi có thu nhập, mua tài sản đến khi bán tài sản.
Ông Vinh cho rằng ở nhiều nước phát triển, luật này không phải là mới, việc áp dụng cũng khá thuận lợi, không gặp nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, để có được điều đó thì họ đã phải bỏ ra nhiều năm để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản của công dân và một loạt các chế định để hệ thống dữ liệu luôn được cập nhật kịp thời. Với nước ta, do nhiều nguyên nhân, nếu được thông qua thì việc thực thi không được thuận lợi như vậy.
Dù Bộ Tài chính mới chỉ nêu đề xuất, song theo ông Vinh nội dung này còn "quá nhiều vấn đề phải giải quyết, làm rõ".
Thứ nhất, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn của mức 700 triệu đồng? "Hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có quy định liên quan đến hạn mức này. Câu hỏi đặt ra là tại sao không phải là 500 triệu hay 1 tỷ mà lại là 700 triệu?", ông Vinh nói.
Thứ hai, về nguyên tắc thu nhập có được để sở hữu nhà đất, người dân đã phải chịu thuế. Nếu mặc nhiên cứ trên 700 triệu là thu thì sẽ là thuế chồng thuế, rất thiệt thòi cho người dân.
Theo ông Vinh, trước mắt chỉ có thể đánh phần giá trị tăng thêm thì mới hợp lý. "Ví dụ, trước đây, tôi mua nhà một tỷ, bây giờ quy hoạch mở đường hoặc vì lý do nào đó giá trị nhà đất tăng lên hai tỷ thì tôi chỉ nộp thuế của phần tăng thêm. Nếu giá nhà đất không tăng thì tôi không phải nộp. Cách tính này tương tự như thuế nhu nhập hiện nay, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách cũng đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế", luật sư đề xuất.
Ông Vinh cho rằng luật chỉ cần quy định các đối tượng thuộc diện mua nhà có thu nhập thấp không thuộc diện phải chịu thuế tài sản. Mở rộng ra, người được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ thuộc diện miễn, giảm thuế tài sản.
Thứ ba, rất nhiều nhà đất hiện nay chưa được cấp giấy chứng nhận. Việc quản lý biến động cũng còn nhiều bất cập. Trên giấy chứng nhận là nhà cấp bốn nhưng thực tế là nhà nhiều tầng kiên cố, có thể xây có phép hoặc không phép. Cơ sở dữ liệu không đầy đủ, không đồng bộ trên phạm vi cả nước. Nếu nhà đất không có giấy chứng nhận, không có giấy phép xây dựng mà thu thuế thì có vô tình hợp pháp hóa cho vi phạm? Vấn đề này phải được làm rõ giữa nghĩa vụ của người quản lý, sử dụng tài sản với việc nhà nước công nhận quyền tài sản cho người dân.
Hơn nữa, các quy định về định giá hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Nếu thu trên giá nhà nước quy định thì không tiếp cận đúng bản chất của đạo luật này. Nếu tiến hành định giá theo giá thị trường thì ngành tài chính khó có thể triển khai đồng loạt.
Thứ tư, yếu tố lạm phát, trượt giá. Chủ sở hữu tài sản phải được miễn thuế đối với phần này thì mới đảm bảo công bằng giữa một bên chủ thể là nhà nước và một bên chủ thể là người dân.
Thứ năm, nếu thuế này được thông qua thì nhà nước cần xem xét lại việc có tiếp tục thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở nữa hay không? Mặc dù tiền thuế đất phi nông nghiệp không lớn nhưng không thể một tài sản đồng thời chịu hai khoản thuế.
Chốt lại vấn đề, ông Vinh đánh giá: "Để luật khả thi thì các quy định phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; phải phù hợp với nguyện vọng của phần lớn người dân. Nếu không tất yếu sẽ phát sinh việc lách thuế, trốn thuế".