Sau khi nhận đơn của bà Nguyễn Thị Thương đề nghị bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho chồng là ông Đoàn Văn Vươn, luật sư Nguyễn Duy Minh (Văn phòng Luật sư Duy Minh, TP HCM) đã ra Hà Nội. Luật sư này cho biết, trong ngày 29/1, ông sẽ về Tiên Lãng (Hải Phòng) sau đó làm việc với cơ quan điều tra Hải Phòng làm các thủ tục cần thiết nhận bào chữa cho ông Vươn và những người thân trong gia đình.
Sau vụ cưỡng chế, nổ súng ngày 5/1, sáu người trong gia đình ông Vươn đã bị khởi tố với các tội danh giết người và chống người thi hành công vụ.
"Sự việc xảy ra, dư luận bức xúc trong khi đó chưa ai đứng ra nhận trợ giúp pháp lý cho gia đình ông Vươn nên tôi làm. Đối với tôi, đây là một việc làm bình thường", luật sư Minh chia sẻ. Cũng theo vị luật sư này, do mới nhận bào chữa, chưa tiếp cận đầy đủ hồ sơ nên ông chưa thể đánh giá về các bước tiếp theo.
Trước đó, luật sư Nguyễn Duy Minh đã gặp gỡ nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ để tham khảo và trao đổi nghiệp vụ thêm về Luật Đất đai. Trước đó, ông Đặng Hùng Võ đã lên tiếng khẳng định, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng với gia đình ông Vươn vừa trái luật vừa trái đạo lý, cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân. Ông cho biết, sẵn sàng đối chất với huyện Tiên Lãng về vấn đề này.
Sau vụ nổ súng, cưỡng chế, ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn đã bị phá sập. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trong khi đó, bà Phạm Thị Hiền (em dâu ông Vươn) cho biết từ sau khi gửi đơn tố giác đoàn cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng về hành vi hủy hoại tài sản công dân đến nay, gia đình bà chưa nhận được hồi âm. Bà Hiền cho biết, đầu tuần gia đình sẽ tiếp tục gửi đơn đến tổng Thanh tra Chính phủ.
Theo đơn tố giác, người thân trong gia đình ông Vươn đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ hành vi hủy hoại ngôi nhà hai tầng và các tài sản trên phần đất không thuộc diện bị cưỡng chế. Không chỉ bị thiệt hại về ngôi nhà và các tài sản mà sau khi vụ án xảy ra, nhiều người lạ còn tháo cống và dùng kích điện để vét sạch tôm, cua, cá vược, cá trắm trong khu đầm gia đình ông Vươn nuôi thả, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Ngoài đơn tố giác này, bà Thương, bà Hiền cùng một số người dân xã Vinh Quang đã ký vào đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ phát ngôn của lãnh đạo thành phố Hải Phòng cáo buộc người dân xã Vinh Quang đập phá nhà ông Vươn.
Cũng theo bà Hiền, đến hết ngày 22/1 (29 tháng chạp), các lực lượng và người lạ mới rút khỏi khu vực đầm của gia đình, phần diện tích chưa có quyết định cưỡng chế (21 ha trong tổng số 40,3 ha). Sáng 23/1 (mùng 1 Tết, người nhà ông Vươn đã ra dựng lều ngay tại vị trí ngôi nhà hai tầng bị san phẳng để giữ đầm.
Ngày 5/1, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương. Vụ nổ súng không chỉ tồi tệ nhất trong lịch sử cưỡng chế ở Hải Phòng mà còn làm chấn động dư luận cả nước. Ngày 10/1, 4 bị can gồm Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được toại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú. Bên cạnh việc vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng của những người trong gia đình ông Vươn, nhiều vấn đề cũng đã được đặt ra như tính pháp lý của quyết định thu hồi đất khai hoang; thẩm phán ký vào thỏa thuận tạo cơ sở cho việc đình chỉ vụ kiện chính quyền của gia đình ông Vươn; cũng như việc chính quyền phá hủy nhà ông Đoàn Văn Vươn ngoài khu vực cưỡng chế. Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch UBND Hải Phòng kiểm tra làm rõ trách nhiệm vụ cưỡng chế đất. Bộ Công an, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã vào cuộc |
Nguyễn Hưng