![]() |
Luật sư Phan Trung Hoài: "Thân chủ của tôi không đủ quyền hạn để lợi dụng". |
Lý giải cho việc sử dụng bản photo lệnh bắt với trường hợp Nguyễn Mạnh Trung, cơ quan điều tra của Bộ Công an cho rằng vì việc bắt được tiến hành trong tình huống khẩn cấp. Theo luật sư Hoài, làm vậy là không đúng thủ tục luật định, và trường hợp của Nguyễn Mạnh Trung không phải là khẩn cấp vì không có dấu hiệu bỏ trốn. Ngoài ra, bị cáo đã yêu cầu được tiếp xúc với luật sư ngay từ giai đoạn điều tra nhưng đã không được chấp nhận.
Về phần buộc tội sai phạm của Trung trong vụ án Phan Lê Sơn, luật sư cho rằng thân chủ của mình chỉ là phó ban chuyên án. Mà với luật tố tụng hiện hành, cơ quan điều tra mới là cơ quan tiến hành tố tụng và điều tra viên là người tiến hành tố tụng, còn phó ban chuyên án không phải là người tiến hành tố tụng. Là phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Nguyễn Mạnh Trung chỉ làm theo lệnh ủy quyền của thủ trưởng cơ quan điều tra, cũng là trưởng ban chuyên án - ông Võ Văn Măng, phó giám đốc Công an TP HCM lúc đó. Tuân thủ các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của phó, trưởng ban trong cơ quan điều tra, bị cáo Trung đã luôn xin ý kiến của ông Võ Văn Măng. Luật sư Hoài đặt nghi vấn: “Vậy cần phải xem xét Nguyễn Mạnh Trung có làm sai trong phạm vi công vụ của mình hay không?”.
Luật sư Phan Trung Hoài đưa ra những chứng cứ để khẳng định rằng điều tra hiện trường vụ án Phan Lê Sơn thực sự rất khó khăn. Bản tường trình của điều tra viên Đặng Hải Tương và của các ông Bùi Quốc Huy, Võ Văn Măng cho thấy hiện trường vụ án không còn, các điều tra viên không thu giữ được hung khí, bản thân bên cảnh sát hình sự cũng không nắm hết được các băng nhóm tội phạm. Trong điều kiện đó, Nguyễn Mạnh Trung đã có văn bản gửi cấp trên đề xuất biện pháp điều tra (đề nghị ra quyết định khởi tố vụ án, chủ động lên kế hoạch, phương án đề xuất thành lập ban chuyên án…). Ngày 31/1/2000, điều tra viên Đặng Hải Tương lập phiếu điều tra đề xuất thì Nguyễn Mạnh Trung đã có bút phê: “Dựng lại hiện trường, xác định lời khai của các nhân chứng, áp dụng những biện pháp nghiệp vụ điều tra để xác minh số điện thoại của Nguyễn Văn Thọ và những điện thoại liên lạc giữa Thọ, Thịnh, Việt, Tiến…”.
![]() |
Nguyễn Mạnh Trung cúi mặt nghe luật sư của bào chữa cho mình. |
“Trong quá trình điều tra vụ án này, bóng dáng ông Võ Văn Măng ở đâu?” - luật sư hỏi, và cho rằng đây là mấu chốt để xác định Nguyễn Mạnh Trung có làm trái phạm vi công vụ không. Luật sư Hoài công bố nhiều lời khai của ông Măng và ông Huy cho thấy Võ Văn Măng mới là thủ trưởng trực tiếp chỉ huy và phân công nhiệm vụ trong ban chuyên án, và là người quyết định những vấn đề quan trọng trong điều tra vụ giết Phan Lê Sơn. “Vì vậy, người chịu trách nhiệm trực tiếp, quyết định trong việc điều tra vụ án Phan Lê Sơn là ông Võ Văn Măng chứ không phải Nguyễn Mạnh Trung” - luật sư nói.
Ngoài ra, việc bỏ lọt tội các bị cáo trong vụ án này còn liên quan tới các điều tra viên và cán bộ VKSND TP HCM. Trong cuộc họp liên ngành tố tụng ngày 13/2/2001, kiểm sát viên Lê Thị Xuân Hoa từng phát biểu: “Theo quan điểm của tôi, hành vi của Thọ chưa phải là giết người mà chỉ là gây rối trật tự công cộng”. Ông Phạm Thanh Xuân, Trưởng phòng Kiểm sát điều tra thuộc VKSND TP HCM, chốt lại: “Với chứng cứ như thế thì khởi tố Nguyễn Văn Thọ về tội đồng phạm giết người là chưa thỏa đáng. Chỉ có thể khởi tố Thọ về tội gây rối trật tự công cộng và không cần thiết phải bắt giam, cho tại ngoại”. Tình tiết này có lợi với bị cáo Trung nhưng đã không được nêu trong kết luận điều tra cũng như trong cáo trạng và bản luận tội của cơ quan công tố.
Về mối quan hệ của Nguyễn Mạnh Trung với Năm Cam, theo luật sư Hoài không có căn cứ để chứng minh. Vì Nguyễn Mạnh Trung không hùn vốn vào nhà hàng với Năm Cam. Chính Năm Cam cũng thừa nhận không có số điện thoại, không thể liên lạc được với Nguyễn Mạnh Trung sau khi vụ án xảy ra… Và Trung chỉ có mối quan hệ với Năm Cam trong một trường hợp đặc biệt theo lệnh của ông Võ Văn Măng: cùng Dương Minh Ngọc gặp trực tiếp, động viên Năm Cam khai con cháu có dính líu trong vụ án. Võ Văn Măng, Dương Minh Ngọc và Đặng Hải Tương xác nhận điều này.
Luật sư Phan Trung Hoài còn nêu việc trong quá trình điều tra vụ án Năm Cam, VKSND Tối cao trong 3 tháng thay đổi tội danh của Nguyễn Mạnh Trung 2 lần. Chứng tỏ tội danh của bị cáo có thể thay đổi trong quá trình điều tra và tùy nhận thức của những người tiến hành tố tụng. Vì vậy việc thay đổi tội danh với Nguyễn Văn Thọ trong vụ Phan Lê Sơn cũng là bình thường.
Luật sư kết luận Nguyễn Mạnh Trung bị hàm oan về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điểm c, khoản 2, Điều 281 Bộ luật Hình sự 1999, mức án 5-7 năm tù giam. Ông đề nghị đại diện công tố tranh luận cụ thể từng vấn đề với mình.
Sau gần 2 giờ đồng hồ bào chữa cho Nguyễn Mạnh Trung, luật sư Phan Trung Hoài chuyển sang bào chữa cho bị cáo Trần Lệ Nguyên - nguyên giám đốc Công ty Kinh Đô. Ông nói: “Mức án mà VKS đề nghị cho bị cáo Nguyên làm chúng tôi hết sức bất ngờ và ngạc nhiên. Điều khoản áp dụng về tội danh cho bị cáo Trần Lệ Nguyên cũng không đúng”. Trần Lệ Nguyên đánh bạc, thua bạc trong tháng 6/2000, còn những khoản tiền sau đó đưa cho Năm Cam là trả nợ tiền thua. Như vậy không thể áp dụng Bộ luật Hình sự 1999 (có hiệu lực từ 1/7/2000) để truy tố. Nếu đủ căn cứ VKS cũng chỉ có thể buộc tội theo khoản 1, Điều 200 Bộ luật Hình sự 1985, với các mức án cảnh cáo, cải tạo không giam giữ tới 1 năm hoặc phạt tù 3 tháng - 3 năm, và không áp dụng mức phạt tiền.
Luật sư cũng cho rằng bản luận tội của VKS đã bỏ qua nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội của Trần Lệ Nguyên mà trước đó cáo trạng đã đề cập. Bị cáo không mang số tiền 170.000 USD đến sòng bạc mà đó là số tiền bị thua được ghi trên sổ sách. Việc thua bạc cũng là do có gian lận của Năm Cam. Luật sư Hoài đề nghị HĐXX xem xét đến những tình tiết khác để giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo như Trần Lệ Nguyên đã ra đầu thú bất chấp thanh danh, uy tín của mình và của công ty, khai báo thành khẩn với Cơ quan điều tra, suy cho cùng bản thân bị cáo cũng là nạn nhân và Kinh Đô đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế của TP HCM. “Xin HĐXX xem xét áp dụng hình phạt cảnh cáo cũng đủ làm cho bị cáo Nguyên rút ra được bài học chua xót cho mình”.
Thân chủ thứ 3 của luật sư Phan Trung Hoài là Lê Minh Hùng - nguyên đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 8, bị buộc tội nhận hối lộ. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì, mức án đề nghị là quá nặng.
![]() |
Luật sư Hoàng Huy Được bào chữa cho Trúc "Mẫu Hậu" - vợ Năm Cam. |
Với bài bào chữa kéo dài gần 1 giờ đồng hồ, luật sư Hoàng Huy Được bảo vệ cho Phan Thị Trúc (Trúc “Mẫu Hậu”) về 3 tội danh: đưa hối lộ, cho vay lãi nặng và che giấu tội phạm. Luật sư cho rằng bị cáo Trúc không chủ định đến thăm và cho tiền Bảy Việt khi đang trốn ở nhà Kim Anh, mà đó chỉ là một sự tình cờ khi bị cáo đến thăm người em bị mù ở gần nhà Kim Anh. Bà Trúc cho Bảy Việt 100 USD cũng nhằm mục đích tiêu dùng chứ không phải để làm phương tiện chạy trốn. Về số tiền đưa hối lộ nêu trong bản luận tội, theo luật sư còn nhiều mâu thuẫn với các lời khai của Dương Ngọc Hiệp, Trần Văn Thuyết. Theo Hiệp, chính bà Trương Thị Sẩm (chị Năm Cam) mang số tiền 720 triệu đồng ra Hà Nội cho Hiệp, còn Phan Thị Trúc không hề tham gia vào cuộc họp nào của gia đình bàn việc chạy tội cho Năm Cam sau khi y bị đưa đi cải tạo. Những điều đó cho thấy vai trò, vị trí của bị cáo Trúc trong việc đưa hối lộ là hạn chế. Người giữ vai trò chủ chốt, tích cực có chăng là bà Trương Thị Sẩm.
Ở tội danh cho vay lãi nặng, luật sư Hoàng Huy Được lập luận: “VKS cho rằng bị cáo Trúc dựa vào uy thế của chồng là trùm xã hội đen để cho vay lãi nặng là chưa ổn”. Những lời khai tại phiên tòa của Lê Thị Hồng Ngọc (người vay nợ) cho thấy Trúc không phải là người cho vay chuyên nghiệp, mà chỉ để kiếm thêm tiền chữa bệnh và phụ cho các con. Tình tiết này là có cơ sở và tòa cần xem xét. Ông Được cũng nêu tình trạng sức khỏe hiện nay của bị cáo Trúc (bệnh tiểu đường, thiểu năng động mạch vành), bị cáo đã qua tuổi lao động và cũng tỏ ra khai báo thành khẩn trước tòa. Vì vậy HĐXX cần xem xét giảm nhẹ hình phạt, đồng thời phân định rõ phần của bị cáo Trúc trong tài sản sở hữu chung với Trương Văn Cam.
![]() |
Tôn Vĩnh Đắc và các bị cáo khác được cảnh sát bảo vệ chu đáo. |
Luật sư Trần Trí Phú bào chữa cho bị cáo Tôn Vĩnh Đắc (Long “Đầu Đinh”). Ông phân tích: Bùi Anh Việt trốn đi nước ngoài ngày 14/2/2000, và 3 ngày sau Cơ quan điều tra TP HCM mới ra quyết định khởi tố. Lúc đó Tôn Vĩnh Đắc đang ở thành phố Vinh (Nghệ An), không chứng kiến hành vi phạm tội của các bị cáo khác. Vì vậy không thể quy kết Đắc phạm tội che giấu tội phạm. Điều này phù hợp với lời khai của Dương Ngọc Hiệp: “Việc tổ chức cho Việt trốn sang Campuchia, tôi không nói gì với Long, chỉ nhờ Long chuyển tiền cho Nguyễn Tấn Lộc (lái xe chở Bảy Việt và Tư Miên đến biên giới)”.
Cũng theo luật sư Trần Trí Phú, Tôn Vĩnh Đắc không phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi mà công tố viên cáo buộc. Đắc quan tâm đến việc Dương Ngọc Hiệp bị bắt giam trong vụ Năm Cam là hoàn toàn hợp lý vì là cả hai cùng mở doanh nghiệp làm ăn chung. Hơn nữa Đắc không có yếu tố trục lợi trong việc nhờ Nguyễn Thập Nhất hỏi thăm tình hình của Hiệp. Sau khi đưa cho Nguyễn Thập Nhất 2.000 USD, Đắc đã điện thoại nói rõ cho Trương Thị Lan (vợ Hiệp) biết, như vậy về mặt ý thức Trương Thị Lan cũng biết rõ Đắc đang còn giữ 8.000 USD của mình. Sau đó chính Tôn Vĩnh Đắc đã viết giấy biên nợ 10.000 USD với Lan, đã tự ý chấm dứt quan hệ với Nguyễn Thập Nhất và căn dặn Lan thôi quan hệ. Như vậy không thể nói rằng Đắc đã thúc đẩy Nguyễn Thập Nhất làm việc phạm pháp được. Luật sư Phú kêu gọi HĐXX xem xét cho bị cáo Tôn Vĩnh Đắc theo hướng không có tội, nếu lời thỉnh cầu này không được chấp thuận thì xin xét đến những tình tiết giảm nhẹ để bị cáo Đắc được hưởng một mức án đúng người, đúng tội.
Trong ngày hôm nay, các luật sư cũng đã trình bày xong phần bào chữa cho những bị cáo Châu Phát Lai (Lai Anh), Châu Phát Út, Nguyễn Thị Kim Yến, Taing Peng Chheu (Tư Miên), Nguyễn Chí Dũng (Dũng nội), Nguyễn Thị Dung, Lê Thanh Mão.
Nghĩa Phương