Ông Bùi Quang Nghiêm bào chữa cho bị can Nguyễn Đức Kiên (cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) cho biết các quyết định bị quy kết là sai phạm được đưa ra với sự thống nhất tập thể của các bị can là lãnh đạo ACB. Vì vậy, nếu ông Trần Xuân Giá vắng mặt sẽ không thuận lợi cho việc xét xử vụ án, quá trình giải quyết vụ án "sẽ phải kéo dài".
Trong vụ án này, ông Giá bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến số tiền của ngân hàng ACB gửi tại Vietinbank và bị Huỳnh Thị Huyền Như (quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP HCM) chiếm đoạt. Tuy nhiên, theo luật sư Nghiêm, số tiền hơn 718 tỷ đồng bị chiếm đoạt, ACB không thừa nhận là thiệt hại. "Nó không ảnh hưởng đến vốn góp của cổ đông mà chỉ là một rủi ro trong quá trình tái đầu tư từ nguồn lãi mà ACB có được", vị luật sư nêu quan điểm.
Về đề nghị của ông Kiên mong vụ án được xét xử sớm để "xác định thực chất vụ án là gì" và đề nghị xử trước các phần không liên quan đến ông Giá, luật sư Nghiêm đánh giá theo luật thì có quyền được giải quyết. Tuy nhiên, về mặt thực tế, vụ án liên quan đến nhiều vấn đề nên việc xét xử riêng là không thể.
Một ngày sau khi TAND Hà Nội tuyên hoãn phiên xử vì vắng mặt ông Trần Xuân Giá, nhiều luật sư tham gia vụ án đã bày tỏ đồng tình. Ông Vũ Ngọc Chi bào chữa cho bị can Huỳnh Quang Tuấn (cựu phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB) chia sẻ, ông Trần Xuân Giá với tư cách là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, trực tiếp điều hành các cuộc họp thường trực nên việc có mặt tại phiên xử rất quan trọng
Theo Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu ông Trần Xuân Giá vắng mặt lần thứ nhất, phiên tòa sẽ hoãn. Thời gian mở lại phiên toà này sẽ phụ thuộc cựu chủ tịch HĐQT ACB này. "Giả sử ông Giá được điều trị ngoại trú, có thể đến phiên toà hoặc xin xử vắng mặt thì toà mới mở", ông Chi nói.
Còn ông Nguyễn Đình Hưng bào chữa cho bị can Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB) cho biết theo điều 187 thời gian hoãn phiên tòa không quá 30 ngày kể từ khi ra quyết định. Tuy nhiên nếu sự vắng mặt của ông Trần Xuân Giá vì lý do chính đáng, tòa vẫn tiếp tục phải hoãn.
Trường hợp thời gian hoãn quá dài, vụ án có thể giải quyết theo hướng trả lại hồ sơ cho cơ quan truy tố hoặc tách vụ án, tách bị can ra khỏi vụ án này để tiếp tục xét xử những người khác.
Theo nhiều luật sư, bên cạnh việc đợi sức khỏe ông Trần Xuân Giá tốt hơn, cũng cần đợi phiên phúc thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 718 tỷ đồng của Ngân hàng ACB bởi kết quả phúc thẩm ảnh hưởng đến tội danh thân chủ họ.
Cụ thể, nếu toàn bộ số tiền hoặc một phần tiền Huyền Như chiếm đoạt là của nhà nước thì mới xem xét đến tội danh Cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng như VKSND Tối cao truy tố với 7 bị cáo trong vụ án này. “Nhưng đây là tài sản doanh nghiệp nên không thể truy tố như vậy được”, luật sư Chi nói. Mặt khác, theo ông, bản án Huỳnh Thị Huyền Như còn có cả khiếu nại và kháng cáo nên chưa có hiệu lực pháp luật, chưa thể xác định đó là thiệt hại.
Ngày 16/4, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 9 bị cáo, trong đó 7 là cựu quan chức ngân hàng ACB gồm các ông: Trần Xuân Giá (cựu chủ tịch HĐQT ACB), Nguyễn Đức Kiên (cựu phó chủ tịch HĐQT ACB), Lý Xuân Hải (cựu tổng giám đốc ACB), Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ (3 cựu phó chủ tịch HĐQT ACB), Huỳnh Quang Tuấn (cựu phó tổng giám đốc).
Theo cáo buộc, 7 người đã Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng khi thống nhất chủ trương về việc uỷ thác cho 19 thuộc cấp mang gần 720 tỷ đồng gửi tiết kiệm vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP HCM. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền đã bị Huyền Như sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB.
Các ông này còn bị quy kết đã thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và đầu tư cổ phiếu ACB gây thiệt hại gần 690 tỷ đồng. Riêng Nguyễn Đức Kiên còn bị truy tố thêm 3 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Kinh doanh trái phép, trốn thuế trong khi điều hành hoạt động kinh doanh tại 6 công ty riêng của mình.
Trong phần thủ tục diễn mấy tiếng đầu của phiên tòa, luật sư của Ngân hàng ACB cho rằng các bị cáo không phải bồi hoàn số tiền gần 720 tỷ đồng trên cho ngân hàng vì hậu quả vụ án không có. Cũng trong phần thủ tục, TAND Hà Nội chưa "đặt tên" tư cách của ACB trong vụ án ngày, chỉ cho biết "sẽ được xác định trong phần thẩm vấn". Tuy nhiên sau đó, chưa đến phần thẩm vấn thì phiên tòa đã phải hoãn do ông Trần Xuân Giá bị bệnh, không thể đến phiên tòa.
Ít phút trình bày trước tòa, bị can Nguyễn Đức Kiên kêu oan và cho biết ngoài việc từ chối mặc quần áo đồng phục do trại giam cấp vì "không có trách nhiệm và nghĩa vụ phải mặc, vì quyền công dân của tôi, tôi được mặc thường phục", còn đề nghị HĐXX yêu cầu ban giám thị trại tạm giam T16 không "cùm chân tôi trong quá trình dẫn giải”. Về vấn đề này, luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Do vậy, về nguyên tắc thì tại phiên toà các bị cáo phải được đối xử như người không có tội. Việc còng tay, xiềng chân trong tố tụng hình sự phải đảm bảo nguyên tắc này. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có những quy định cụ thể về các trường hợp nào thì áp dụng biện pháp còng tay, xiềng chân tại phiên toà nên tại mỗi phiên toà cụ thể thì việc có áp dụng do Hội đồng xét xử quyết định (Quyết định số 810/2006/QĐ-BCA-C11 của Bộ Công an chỉ quy định về việc còng tay, xiềng chân khi dẫn giải bị cáo ra toà). Trên thực tế thì việc còng tay thường chỉ áp dụng với các nghi can cướp của, giết người, mua bán ma tuý, tái phạm nguy hiểm… do bị xác định manh động, côn đồ, hung hãn có thể có những hành động xâm phạm đến hoạt động xét xử bình thường của toà án. Nghi can đối mặt án tử hình còn có thể bị áp dụng thêm biện pháp xiềng chân (rất hạn chế áp dụng) Đối với các bị cáo phạm các tội về kinh tế, chức vụ thì thường không áp dụng biện pháp còng tay, xiềng chân bởi thường có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, chấp hành tốt nội quy phiên toà. Một số trường hợp bị cáo còn phải dùng tay lật giở hồ sơ, tài liệu để chứng minh cho hành vi mà họ đang bị truy tố nên việc còng tay không thể đảm bảo quyền tham gia tố tụng của bị cáo. |
Việt Dũng - Hải Duyên