Bà Trần Thị Kim Phượng (ngụ tại quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết, năm 2002, chồng bà qua đời để lại 2 căn nhà. Một căn ở số A15, đường Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp (sau đây gọi tắt là nhà A15) và một căn số 11/4 đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình (gọi tắt là nhà 11/4).
Do có tranh chấp về tài sản thừa kế, bà Phượng đến nhờ luật sư Vương Trọng Vĩnh (thuộc Đoàn luật sư TP HCM) để nhờ bảo vệ quyền lợi. Xem xong hồ sơ, luật sư Vĩnh hứa sẽ giúp bà Phượng nhận được căn nhà A15, với mức thù lao là 30 triệu đồng. Còn nếu được chia thêm một phần căn nhà 11/4 thì bà Phượng phải chi cho ông Vĩnh 30% trị giá tài sản.
Bà Phượng đã đưa trước cho luật sư Vĩnh 30 triệu đồng. Ngoài ra, vào thời điểm đó, do giá trị hai căn nhà thừa kế khoảng 1 tỷ đồng nên để hợp thức hóa phần tiền có tỷ lệ 30% trên, luật sư Vĩnh yêu cầu bà Phượng ký vào giấy vay ông Vĩnh 300 triệu đồng. Do không am hiểu pháp luật và tin tưởng vào luật sư Vĩnh nên bà Phượng đã ký và lăn tay vào giấy vay tiền khống ấy.
Thế nhưng, sau khi nhận thù lao 30 triệu đồng, bà Phượng cho biết luật sư Vĩnh đã bỏ mặc bà với những rắc rối với đồng thừa kế khác.
"Động lòng" vì hoàn cảnh thân chủ
Mãi đến ngày 16/9/2005, khi bà Phượng đã thỏa thuận được với các đồng thừa kế về việc phân chia căn nhà 11/4 và được hưởng 500 triệu đồng thì luật sư Vĩnh xuất hiện và yêu cầu bà đưa 100 triệu đồng tiền "bồi dưỡng". Bà Phượng không đồng ý thì luật sư "hạ giá" xuống còn 50 triệu đồng.
Để êm chuyện, bà Phượng đồng ý ký vào giấy này nhưng bảo rằng chừng nào lấy được tiền thừa kế mới đưa, đồng thời yêu cầu luật sư Vĩnh phải đưa lại tờ giấy nợ khống 300 triệu đồng đã trót ký trước đây. Tuy nhiên, ông Vĩnh thông báo rằng "đã xé bỏ mất rồi". Thật bất ngờ, ba ngày sau đó, luật sư Vĩnh yêu cầu bà Phượng trong vòng 30 ngày phải đưa đủ 50 triệu đồng, nếu không ông ta sẽ... đem tờ giấy nợ 300 triệu kia ra đòi đủ. Quá bức xúc, bà Phượng đã làm đơn tố cáo ông Vĩnh ra công an quận Tân Bình.
Ngày 19/12/2005, Công an quận Tân Bình đã cho đối chất. Tại đây, luật sư Vĩnh khai có nhận làm đại diện theo ủy quyền cho bà Phượng để giải quyết tranh chấp thừa kế với thù lao 30 triệu đồng và tiền bồi dưỡng là 300 triệu đồng. Tuy nhiên, luật sư Vĩnh nói rằng đến thời điểm ấy, ông vẫn chưa nhận được bất cứ tiền gì của bà Phượng.
Luật sư Vĩnh cũng phủ nhận cả chuyện đã yêu cầu bà Phượng ký vào giấy vay tiền 300 triệu đồng. Ông thừa nhận là khi bà Phượng thương lượng được với các đồng thừa kế khác không có mặt ông mà sau này ông chỉ nghe bà Phượng kể lại. Lúc đó, luật sư Vĩnh cũng khai rằng có cho bà Phượng vay tiền, nhưng "không nhớ là cho vay bao nhiêu". Giải thích lý do vì sao một luật sư lại cho thân chủ của mình vay tiền một cách bất thường như thế, ông Vĩnh giãi bày: "Khi mượn tiền, chị Phượng nói hoàn cảnh khó khăn, không có tiền nuôi con. Do động lòng nên tôi đã cho mượn".
Thua "trắng" sau hai lần giám định
Tháng 1 vừa qua, sau khi Công an quận Tân Bình quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì vài ngày sau, luật sư Vĩnh đã khởi kiện bà Phượng ra TAND quận Gò Vấp để... đòi nợ. Lần này, ông Vĩnh có chứng cứ hẳn hoi chứ không phải "không nhớ cho vay bao nhiêu tiền" như trước kia. Thậm chí, luật sư Vĩnh còn cung cấp cho tòa án một giấy vay tiền với nội dung ông đã cho bà Phượng vay đến 400 triệu đồng, lãi suất 1%/tháng. Trong giấy này, còn có 4 dấu lăn tay đỏ chót của bà Phượng.
Bất ngờ với tờ giấy nợ này, bà Phượng đã yêu cầu cơ quan chức năng giám định. Bản giám định ngày 10/3 của Tổ chức Giám định kỹ thuật hình sự (thuộc Công an TP HCM) kết luận: Chữ viết trên giấy vay tiền đứng tên Trần Thị Kim Phượng ngày 19/3/2003 với 4 tài liệu khác do bà Phượng trực tiếp viết là "chữ do cùng một người viết ra". Tuy nhiên, bản kết luận này lại "thòng" thêm: "Chữ ký Trần Thị Kim Phượng trên giấy vay tiền với chữ ký Trần Thị Kim Phượng mẫu so sánh trên 4 tài liệu khác không có đặc điểm đặc trưng nên không tiến hành giám định".
Chưa đồng ý với kết luận này, bà Phượng đã gửi đơn kêu cứu xin Phân viện Khoa học hình sự (thuộc Bộ Công an) vào cuộc. Ngày 9/6, cơ quan này kết luận: Chữ ký cần giám định mang tên Trần Thị Kim Phượng trên giấy vay tiền ngày 19/3/2003 với chữ ký dùng làm so sánh trên 4 tài liệu là "do một người ký". Thế nhưng, bản kết luận này lại xác định một vấn đề gây tranh cãi khác: "Chỉ có 2 trong số 4 dấu vân tay trên giấy vay tiền trên là của bà Phượng, 2 dấu còn lại do phần thu mẫu không đạt yêu cầu nên không đủ cơ sở để giám định". Một lần nữa, bà Phượng phải phát đơn kêu cứu xin tái giám định.
Tuy nhiên, TAND quận Gò Vấp đã không chấp nhận thỉnh cầu này của bà Phượng nên đã đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm và tuyên buộc bà phải trả cho luật sư Vĩnh số tiền 400 triệu đồng (nợ gốc) cùng với 150 triệu đồng lãi suất. Ngoài ra, tòa còn buộc bà Phượng phải chịu tiền án phí sơ thẩm gần 19 triệu đồng. Không đồng ý với phán quyết này, bà Phượng đã kháng cáo lên cấp phúc thẩm của TAND TP HCM.
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, hiện đoàn chưa nhận được thông tin vụ việc này, song nếu có dấu hiệu của một vụ án hình sự thì để cơ quan điều tra xem xét.
(Theo Thanh Niên)