Chiều 24/3, phiên xử ông Đinh La Thăng cùng đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư với phần đối đáp của VKS vào buổi sáng.
Trong hơn một tiếng trình bày, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (một trong năm người bào chữa cho ông Đinh La Thăng), nói rằng từ tháng 3/2011 thân chủ đã chỉ đạo thoái vốn, tuân thủ quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng. Trong khi đó việc góp vốn 100 tỷ đồng đợt ba vào Oceanbank diễn ra vào tháng 5/2011. "Vậy sao có thể nói ông Thăng dù đã có chỉ đạo nhưng không thực hiện thoái vốn để PVN đảm bảo sở hữu 15% vốn điều lệ tại Oceanbank", luật sư nói và cho rằng việc VKS quy kết ông Thăng là không có căn cứ.
Theo luật sư, vấn đề đặt là "PVN góp vốn hay bổ sung để duy trì vốn đã góp" là khái niệm cần hiểu rõ. Cho rằng có sự "đánh tráo khái niệm" giữa bổ sung và góp vốn, ông Thiệp trình bày luật chỉ cấm góp vốn đạt tỷ lệ 20%, còn bổ sung vốn thì được phép vì việc góp vốn diễn ra từ năm 2008. "Điều này cần được làm rõ vì liên quan tới nguyên tắc suy đoán vô tội, nếu không sẽ trái với luật tố tụng", luật sư nói.
Luật sư: PVN bị lỗ hay mất vốn?
Trước việc bị VKS bác quan điểm cho rằng "không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi cố ý làm trái với hậu quả PVN mất 800 tỷ" và xác định ông Thăng là người quản lý vốn nhưng vi phạm khi đầu tư, do đó phải chịu trách nhiệm, luật sư Thiệp tiếp tục tranh luận lần hai.
Ông nói chỉ đồng ý với quan điểm của VKS ở điểm "quản lý vốn mà vi phạm trong đầu tư, gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm". Nếu ai có hành vi như vậy thì đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Song ông nhận thấy vụ án này thì khác, ông Thăng không đủ dấu hiệu cấu thành tội Cố ý làm trái.
Với hậu quả PVN mất 800 tỷ đồng, theo luật sư, Bộ Tài chính cũng xác định đây là kết quả kinh doanh lỗ. Ngay cáo trạng cũng dẫn chiếu điều này, xác định việc Oceanbank bị mua 0 đồng dẫn đến PVN bị lỗ 800 tỷ.
Theo luật sư, nếu đã kết luận là "lỗ" thì đó là kết quả của hoạt động kinh doanh, không phải từ hành vi phạm pháp luật. Điều này đã chứng minh "không có quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả" mà ông trình bày trong phần bào chữa.
Phân tích vì sao PVN mất 800 tỷ, luật sư Thiệp cho rằng xuất phát từ việc dừng thoái vốn, nếu không đã "bán ngon lành" thu 800 tỷ gốc về. Theo ông, Chính phủ đồng ý nhưng sau hai tuần đã yêu cầu dừng để thực hiện tái cơ cấu theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước. Sau đó, Ngân hàng nhà nước mua Oceanbank giá 0 đồng.
Với việc mua 0 đồng này, luật sư Thiệp cho rằng Ngân hàng Nhà nước chỉ có "quyền mua thôi", còn các quy định pháp luật "không có chữ nào quy định mua với giá bao nhiêu".
Ông Thiệp cho hay, ông Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch Oceanbank) trước khi bị bắt là chủ sở hữu gần 70% cổ phần Oceanbank, khi ngân hàng bị mua với giá 0 đồng, ông này không được thông báo. Tương tự, PVN có 20% vốn cũng không được thông báo
Tiếp tục đối đáp với VKS, luật sư Đào Hữu Đăng cho rằng nếu bản án này được tuyên mà theo hướng buộc tội như cáo trạng thì việc mua 0 đồng được thừa nhận. Điều này sẽ trở thành án lệ, thành ‘vật cản’ cho các doanh nghiệp trong tương lai. Luật sư nhắc lại câu này hai lần và bị chủ tọa nhắc "không nói những gì xảy ra trong tương lai".
VKS khi tranh luận lại đã lại bác hết quan điểm của luật sư. Công tố viên cho rằng có ý kiến nhiều nên có những vấn đề không thể đáp ứng hết yêu cầu. “Đây là phiên tòa dân chủ không nên dùng những lời lẽ không nên có”, kiểm sát viên nhắc nhở luật sư.
Nhắc lại ý trình bày khi tranh tụng trước đó, VKS bảo lưu quan điểm cho rằng việc mua Oceanbank giá 0 đồng thời điểm 2015 nhằm nhiều mục đích như đảm bảo an ninh tiền tệ, đảm bảo quyền, lợi ích của người gửi tiền…