Chiều 13/6, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an Hà Nội) khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) để điều tra về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điều 123 Bộ luật Hình sự) và Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (điều 143 Bộ luật Hình sự).
Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP HCM phân tích theo Bộ luật tố tụng hình sự, khi xảy ra việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, đầu tiên cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án. Quá trình điều tra, tùy thuộc việc phát hiện hành vi cấu thành tội phạm hay không, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án hoặc tiếp tục khởi tố bị can. Sự việc ở Đồng Tâm "mới chỉ ở bước đầu vụ án".
Trước ý kiến cho rằng việc khởi tố mâu thuẫn với cam kết Chủ tịch TP Hà Nội với người dân là “Không truy cứu trách nhiệm hình sự toàn thể người dân xã Đồng Tâm”, luật sư Đức cho hay hiện chưa có quyết định khởi tố bị can nên chưa người dân nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Đức, một công dân vi phạm tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì không một quan chức nào có quyền ngăn cản quá trình khởi tố bị can.
Trường hợp giả định có người bị khởi tố, ông Đức cho rằng luật cũng có quy định xem xét nhiều tình tiết khác như: vi phạm của người thi hành công vụ; nghi can có còn gây nguy hiểm cho xã hội hay không?...
Có mặt trong cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Hà Nội với người dân xã Đồng Tâm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ ông có nhiều cảm xúc khi nghe tin khởi tố vụ án. "Lúc đầu tôi nghĩ không có việc khởi tố mà chỉ đưa ra xem xét vấn đề", ông nói.
Tuy vậy, ông nhận thấy việc xem xét trên bình diện pháp luật là cần thiết và phải được xem xét một cách công bằng để bảo đảm quyền và trách nhiệm của tất cả các bên. Ông mong người dân Đồng Tâm bình tĩnh.
"Thứ nhất, các cụ nói đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại. Thứ hai, phải xem xét nguồn cơn phản ứng của người dân. Họ không tự mình gây ra việc xáo trộn này mà mong muốn yên ổn làm ăn như những vùng quê khác", ông Nhưỡng nói.
Cùng đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chứng kiến việc ký cam kết giữa Chủ tịch Hà Nội và người dân Đồng Tâm, đại biểu Dương Trung Quốc đồng quan điểm khởi tố là cần thiết.
"Khâu này đương nhiên phải làm, bởi sự việc nó xảy ra rồi, chúng ta không thể bỏ qua được. Việc bà con bắt giữ một số người làm công vụ, kể cả hiện tượng đập phá tài sản, đó là việc bà con đã nhận lỗi. Còn lỗi ở mức độ nào thì đó là công việc của cơ quan điều tra", ông Quốc phân tích.
Trao đổi qua điện thoại với người dân Đồng Tâm tối qua, ông Quốc cho hay đã khuyên người dân bình tĩnh hợp tác để làm sáng tỏ vụ việc.
"Pháp luật vào cuộc là để bảo đảm ổn định bền vững lâu dài, nhưng những kết luận liên quan đến đất đai cũng phải làm sáng tỏ ra, kể cả cách hành xử với cụ Lê Đình Kình cũng phải làm sáng tỏ", ông Quốc đề nghị.
Về việc thanh tra toàn diện đất đai, hiện đã quá thời hạn 45 ngày nhưng chưa có kết quả, ông Quốc đề nghị có thông báo cho người dân biết nguyên nhân. "Để bà con chờ đợi trong sự im lặng thì luôn luôn nảy sinh những suy nghĩ không có lợi", ông Quốc nói.
Ông Lê Đình Ba (một trong 4 bị can vụ án gây rối trật tự công cộng đã được tại ngoại) cho biết ông và người dân xã Đồng Tâm bình tĩnh trước quyết định khởi tố vì họ tin vào chính quyền và cam kết của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.
"Có ý kiến cho rằng người dân ép ông Chung cam kết nhưng khi đó có cả Cục trưởng Cảnh sát Hồ Sĩ Tiến, Giám đốc công an Hà Nội, đại biểu Quốc hội chứng kiến, không ai ép được lãnh đạo chính quyền", ông Ba khẳng định.
Ông Ba cho hay, người dân Đồng Tâm mong muốn chính quyền sau khi có kết quả thanh tra đất đai rồi hãy ra quyết định "ai sai đến đâu xử lý tới đó".
Sự việc tại Đồng Tâm xảy ra ngày 15/4 khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án Gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở đồng Sênh (Đồng Tâm, Mỹ Đức). Lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng dẫn đến 38 cảnh sát cơ động, cán bộ bị người dân giữ tại nhà văn hóa thôn. Một số ôtô công vụ bị hư hại.
7 ngày sau, toàn bộ người bị giữ được thả khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về đối thoại và cam kết làm rõ nguồn gốc đất tại đồng Sênh - mấu chốt trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của dân Đồng Tâm; điều tra đúng sai việc bắt 4 người nêu trên và "không truy cứu hình sự với toàn thể người dân trong sự việc giữ cán bộ, cảnh sát cơ động".
Trước đó hôm 20/4, Hà Nội đã công bố quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn (nằm trên địa giới xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức). Thời gian thanh tra 45 ngày.
Diễn tiến sự việc ở Đồng Tâm (Mỹ Đức)
Một số căn cứ miễn trách nhiệm hình sự Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: - Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa - Người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự |
Bảo Hà - Hoàng Thùy